You are not connected. Please login or register

Mùa xuân nói chuyện câu đối

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

1Mùa xuân nói chuyện câu đối Empty Mùa xuân nói chuyện câu đối Tue Dec 15, 2009 1:11 pm

Hàn Phong

Hàn Phong
Bạn Chí Cốt
Bạn Chí Cốt

Mùa xuân nói chuyện câu đối
Bài viết của Nguyễn Thừa

(NetCoDo) Đó là đặc trưng Tết của người Việt xưa ở miền Bắc - cái nôi của văn hóa Việt.

Các nhà nghiên cứu đã đề cập không ít đến nguồn gốc và ý nghĩa của xuất xứ của sáu thứ/món trên. Ở đây tôi chỉ xin "lan man" một chút về chuyện câu đối và nhất là câu ngày xuân.

Câu đối chắc chắn có nguồn gốc từ bên Tàu. Nó vốn là một thứ "đặc sản thượng hạng" của văn hóa chữ Hán. Người Trung Quốc quan niệm: nếu thơ văn là tinh hoa của chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của tinh hoa.

Người Trung Quốc gọi câu đối là đối liên, nhưng tên gọi xưa của nó là đào phù-vốn có nghĩa gốc từ tấm ván (phù) bằng gỗ đào được treo trước cửa để xua đuổi ma quỷ. Nhà thơ Vương An Thạch đời Tống có mấy câu thơ rất nổi tiếng trong bài Nguyên Nhật:

Pháo trúc thanh trung nhất tuế dư,
Xuân phong tống noãn nhập đồ tô.
Thiên môn vạn hộ đồng đồng nhật,
Tổng ba tân đào hoán cựu phù.


Mấy câu thơ như vẽ nên cảnh sắc rộn ràng ngày Tết: Trong tiếng pháo rộn ràng, trong ánh nắng Xuân đang tràn khắp dương gian, cả ngàn vạn gia đình cùng gỡ câu đối cũ treo trước cửa nhà mình để thay bằng cặp câu đối mới.

Vậy câu đối có từ bao giờ? Theo sách "Tống sử-Thục thế gia", thì câu đối đầu tiên được chính chúa nước Thục là Mạnh Sưởng viết trên tấm gỗ đào vào năm 959:

Tân niên nạp dư khánh,
Gia tiết hiệu trường xuân


(Năm mới thừa chuyện vui, tiết đẹp Xuân còn mãi).

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng đây là câu đối xuân đầu tiên của Trung Quốc, một câu đối thật hay và đầy khí sắc với những từ mô tả mùa xuân: Tân niên (hai chữ đầu), Tân xuân (chữ đầu và chữ cuối), Gia tiết (hai chữ đầu câu sau)...

Nguyên tắc quan trọng nhất của câu đối dĩ nhiên là tính đối ngẫu. Hai vế trong câu đối phải đối xứng cân bằng với nhau từ số lượng từ, thanh âm đến ý nghĩa. Nếu câu đối luôn cố định là số chẳn (2 vế đối nhau của một câu) tức số âm thì số lượng chữ trong vế đối thường là số lẻ, tức số dương và có thể thay đổi. Cũng có khi số chữ trong vế đối là số chẳn, nhưng không nhiều. Một câu đối được xem là chuẩn mực mà các bậc túc nho thường nêu ra làm mẫu là câu đối của Trần Hậu Chủ viết khi lên Mang Sơn cùng Tùy Văn Đế:

Nhật nguyệt quang thiên đức,
Sơn hà tráng đế cư.


(Nhật nguyệt sáng đức trời, núi sông ân (vua) nhuần thấm).

Đến thời Đường, do sự phát triển chặt chẽ của niêm luật thi ca nên dường như trong mỗi bài thơ đều là những cặp đối. Như đọc bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu thì dường như ta cảm thấy đó là 4 cặp đối khá chỉnh, chẳng hạn như cặp câu kết:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu


(Quê hương giờ biết nơi đâu nhỉ, khói sóng mù sông khiến người buồn)

Câu đối có nhiều thể loại: câu đối xuân, câu đối mừng hỉ sự (đám cưới, thăng chức, mừng tân gia, mừng thọ...), câu đối viếng đám tang, câu đối đề trên danh lam, cổ tích.vv.. Câu đối xuân vẫn được xem là một trong những nét văn hóa đặc trưng nhất của người Hán.

Do tính chất đặc biệt-mừng năm mới, mừng xuân-nên câu đối xuân có chủ đề nổi bật là “cát tường như ý” mà hoàn toàn không phụ thuộc vào thành phần giai tầng xã hội hay gia cảnh của chủ nhân. Vào dịp đầu năm mới, người Trung Quốc nào cũng đều mong xin được một câu đối hay để về dán trước cửa nhà mình. Bởi vậy, cứ dịp Tết đến xuân về là các nhà thư pháp lại hết sức bận rộn cho công việc viết chữ, cho câu đối. Truyền thuyết kể rằng, “Thư thánh”(bậc thánh về thư pháp) Vương Hy Chi đời Tống là một trong những người được thiên hạ ái mộ nhất về chữ nghĩa nên cứ mỗi độ xuân về là người ta lại đổ xô đến xin chữ của ông. Tết năm nọ, vào đêm trừ tịch ông cho người nhà dán lên trước cửa câu đối:

Xuân phong xuân vũ xuân sắc
Tân niên tân tuế tân cảnh


(Gió xuân mưa xuân sắc xuân, Năm mới tuổi mới cảnh mới)

Chẳng dè chỉ được một lúc đã bị người ta gỡ trộm mất. Nghe tin ông bèn thuận bút viết luôn một câu khác:

Oanh đề bắc lý
Yến ngữ nam giao


(Chim oanh hót ở phía bắc, chin én kêu ở phía nam-ý nói báo mùa xuân về)

Nhưng câu đối này mới đem dán lên được một lúc cũng không cánh mà bay. Nghe tin, Vương Hy Chi nổi giận một hồi. Nguôi giận, ông bèn viết một câu đối khác nhưng đêm cắt đôi mỗi vế và cho dán lại trước cửa:

Phúc vô song chí
Họa bất đơn hành


(Phúc không bao giờ cùng đến, Họa lại chẳng bao giờ đến một mình-tương tự thành ngữ: Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí mà người Việt hay dùng).

Câu đối rất chỉnh, chữ viết đẹp xuất thần nhưng nội dung lại hoàn toàn không phải chuyện cát tường dành cho năm mới nên không ai dám gỡ. Sáng hôm sau, nghe người nhà báo câu đối vẫn còn nguyên, Vương Hy Chi mới vuốt râu cười và cho dán thêm hai nửa vế đối còn lại để thành một câu đối xuân hoàn chỉnh:

Phúc vô song chí kim triêu chí
Họa bất đơn hành tác dạ hành


(Phúc không bao giờ cùng đến nhưng sáng nay đã đến, Họa chẳng bao giờ đến một thì đêm qua đã đến một rồi)

Đêm ba mươi tết bị một Họa nhưng sáng mùng một xuân lại có đến hai Phúc viếng thăm. Qủa là một câu đối tuyệt vời cho năm mới!

Thời Thanh, người Tàu còn truyền tụng một câu đối xuân rất hay của Ái La Giác Tân (người Mãn Thanh):

Trúc ảnh hoành song tri nguyệt thướng
Hoa hương nhập hộ giác xuân lai


(Bóng trúc ngang cửa sổ biết trăng đã mọc, Hương hoa tràn vào nhà biết xuân đã về)

***

Đó là chuyện câu đối bên Tàu, còn ở ta thì tục xin chữ, viết câu đối xuân ngày xưa cũng rất phổ biến, phổ biến đến mức trở thành một món không thể thiếổitong ngày Tết cùng thịt mỡ, dưa hành, cây nêu, bánh chưng, tràng pháo. Đáng tiếc là theo thời gian, từ khi chúng ta chuyển qua dùng chữ Quốc ngữ, nó cứ nhạt dần.

Thực ra ngày xưa, giữa ta và Trung Quốc do tính chất đồng văn nên câu đối chữ Hán được truyền tụng qua về mà dường như không có sự phân biệt. Ngay cả câu đối của Ái La Giác Tân cũng được xem như câu đối của một vị danh Nho người Việt nào đấy, chỉ khác thay chữ “trúc” bằng chữ “thụ”:

Thụ ảnh hoành song tri nguyệt thướng
Hoa hương nhập hộ giác xuân lai


Cũng có những câu đối tuyệt hay nhưng không rõ chính xác là của ai:

Nhất thụ mai hoa nhất thụ ngọc
Bán sàng minh nguyệt bán sàng thư


(Một cây hoa mai một cây ngọc, Nửa giường sách vở nửa giường trăng)

Với chủ đề đón Tết đón Xuân nên câu đối đầu năm luôn tràn ngập sắc xuân:

Xuân phong xuân vũ xuân quang hảo
Tân tuế tân niên tân sự đa


(Gío xuân mưa xuân ánh xuân đẹp, năm mới tuổi mới nhiều chuyện hay)

Trong câu đối ngày xuân thường có bóng hoa đào, hoa mai và các thứ đặc trưng của ngày Tết. Và chúng cũng chính là sư giả của mùa xuân:

Sổ điểm đào hoa tri vãn tuế
Nhất hương địa bánh báo tân xuân


(Vài bông đào nở hay năm hết, một mùi hương bánh báo xuân về)

Ngày xuân cũng là lúc người ta cảm nhận tốt nhất vẻ đẹp của đất trời của giang sơn gấm vóc nghìn thu mà tổ tiên trao gửi lại:

Thiên thu tuế nguyệt thiên thu mỹ
Vạn lý giang sơn vạn lý xuân


(Ngàn năm thu đến ngàn thu đẹp, Vạn dặm giang sơn vạn dặm xuân)

***

Ở Huế, câu đối xuân –theo nhiều nghĩa-vẫn còn tồn tại khá nhiều trên các di tích danh thắng.

Câu đối mà chúng tôi cho là tuyệt hay hiện vẫn còn tồn tại trên hai trụ lớn trước đình Thương Bạc, ngó ngay vào cửa Thượng Tứ:

Vũ trụ thái hòa thiên ngọc bạch y thường thử hội
Kinh sư thủ thiện địa thanh danh văn vật sở đô


(Trời vũ trụ thái hòa là lúc áo xiêm ngày hội, Kinh sư ấy đất lành nơi tụ hội của văn vật muôn phương).

Câu đối không hề có một chữ xuân hay nhắc đến mùa xuân mà vẫn thấy không khí xuân tràn đầy. Rõ ràng đây không chỉ là câu đối ca ngợi kinh đô Huế của triều Nguyễn mà còn là câu đối ca ngợi mùa xuân, sức xuân của mảnh đất tụ hội văn vật của cả nước. Đáng tiếc là câu đối tuyệt vời này lại rất hay bị các tấm biển quảng cáo (kể cả quảng cáo phòng chống HIV) của ngành văn hóa thông tin che mất (!)

Ở Triệu Miếu cũng còn giữ được vài câu đối sơn son thếp vàng khá đẹp, trong đó có những câu đối xuân, như:

Quế điện phô hạm chân hiên phủ thụy sắc
Sơ diên kỷ khánh bát thiên tuế nguyệt tiến hàn du


(Điện quế sáng ngời nét đẹp tươi bừng khoe rạng rỡ, Trải chiếu đón chào tám nghìn năm dâng tiến niềm vui)

Cũng là một câu đối đầy vẻ xuân, sức xuân trong chốn cung điện nhà vua.

Câu đố i xuân còn được khắc trên cung điện với nội dung khá phong phú. Có câu ví khí sắc mùa xuân với vận nước:

Bách hoa thổ diễm xuân phong noãn
Vạn chúng cánh tân quốc vận xương


(Trăm hoa nhả đẹp khí xuân ấm, Vạn nhà thêm mới vận nước lên).

***

Chuyện về câu đối thì có thể nói là vô cùng, đầu xuân chỉ xin dẫn vài chuyện vặt ngõ hầu giúp vui cùng độc giả, nếu có gì chưa hay, chưa đúng cũng xin lượng thứ.

Huế, đầu Xuân Ất Dậu
Nguyễn Thừa


Hàn Phong ST

http://thohanphong.blogspot.com/

Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết