You are not connected. Please login or register

NHỮNG BÁU VẬT CỦA VÕ BÌNH ĐỊNH

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

1NHỮNG BÁU VẬT CỦA VÕ BÌNH ĐỊNH Empty NHỮNG BÁU VẬT CỦA VÕ BÌNH ĐỊNH Sun May 09, 2010 12:27 pm

Hàn Phong

Hàn Phong
Bạn Chí Cốt
Bạn Chí Cốt

BÀI 1: Huyền thoại Lôi long đao

Tâm bất định thì không thể kháng cự hay thi triển chiêu thức. Đó là quy tắc của võ học.

LTS: Trải qua những giai đoạn đầy biến động, võ Bình Định – một trong những cái nôi của võ thuật cổ truyền Việt Nam vẫn như mạch ngầm âm thầm chảy. Trong dòng trầm tích ấy, đến nay những bài thảo cổ vẫn được lớp hậu sinh lưu giữ, truyền dạy như vật báu của quê hương đất võ…

Trời Bình Định cuối năm trở lạnh. Bên tách trà, giọng nói của võ sư Nguyễn Đông Hải trở nên hào sảng khi nghe chúng tôi hỏi về bài thảo Lôi long đao. “Hiếm có bài đại đao nào uyển ảo, tinh thâm như Lôi long đao. Ngọn đao hư thực, sấm sét và mềm mại, chỉ có thể gọi bằng báu vật…”.

Tâm không tịnh, công phu chỉ là… công cốc

Theo võ sư Đông Hải, bài thảo Lôi long đao do đô đốc Võ Văn Dũng nghiên cứu chiêu pháp rồi soạn ra vào mùa thu năm 1768 tại huyện Tây Sơn, Bình Định.

Sách “Tây Sơn liệt quang chi binh pháp” ghi lại, đô đốc Võ Văn Dũng xuất thân trong một gia đình khá giả. Thuở nhỏ, ông thường được cha mẹ mời các thầy võ về dạy, đến tuổi đôi mươi thì đã tinh thông võ nghệ. Gia đình có truyền thống nghề buôn nên Võ Văn Dũng cũng theo cha bôn tẩu khắp nơi, có dịp giao lưu với nhiều anh hùng hào kiệt bấy giờ. Càng lớn Võ Văn Dũng càng chứng kiến cảnh quan lại khắp nơi nhiễu nhương, hà hiếp dân lành. Ông tập hợp hào kiệt, luyện binh rồi tìm đến Nguyễn Nhạc xin tụ nghĩa. Chứng kiến đường đại đao sắc ngọt của Võ Văn Dũng, Nguyễn Nhạc phong ông làm đô đốc.

Một hôm, đất Bình Định xôn xao bởi sự kiện một cao thủ võ thuật Trung Hoa ngày ngày ra chợ gồng mình, thách thức người khác dùng đao chém vào người. Võ công của người này kỳ diệu tới mức đao kiếm đâm chém vào người không hề hấn gì. Hơn nữa, y cứ ngông nghênh sự vi diệu của võ thuật phương Bắc, chê bai võ thuật Việt Nam. Biết Nguyễn Nhạc muốn trừ khử hắn nên Võ Văn Dũng xin thực hiện nhiệm vụ.

NHỮNG BÁU VẬT CỦA VÕ BÌNH ĐỊNH Vobinhdinh1
Một võ sinh đang biểu diễn Lôi long đao.

Võ Văn Dũng tới gặp rồi hỏi tên cao thủ kia rằng công phu mình đồng da sắt ắt tâm phải tịnh, liệu có thể làm một thí nghiệm không. Không chần chừ, cao thủ kia nói ngay: “Lòng như tro lạnh!”. Võ Văn Dũng sai đám thảo khấu, đĩ thõa làm chuyện phòng the ngay trước mặt hắn. Ban đầu người này còn mở mắt cười tươi, lát sau đột nhiên mắt hắn nhắm lại. Nhân lúc ấy, Võ Văn Dũng lia một đường đao lấy gọn đầu hắn.

Câu chuyện trên là một giai thoại nhưng cho thấy rằng Võ Văn Dũng đã rất có lý khi suy luận tâm bất định thì không thể kháng cự hay thi triển chiêu thức. Đó là quy tắc của đỉnh cao võ học.

Bài đao khiếp vía kẻ thù

Đất Tây Sơn địa hình hiểm trở, núi non trùng điệp. Tương truyền, để đường Lôi long đao được nhu nhuyễn, Võ Văn Dũng thường tới thạch đồ ở Hầm Hô để ngày đêm luyện tập (di tích này hiện vẫn còn ở Tây Sơn, Bình Định). Những thớ đá trơn trượt, rêu phong là điều kiện tốt để ông luyện tấn nhẹ nhàng nhưng vững chãi. Đó cũng là thứ triết lý uyển ảo của võ học Bình Định: Công nhẹ như lá, thủ vững như đá…

NHỮNG BÁU VẬT CỦA VÕ BÌNH ĐỊNH Vobinhdinh2
Phóng viên Pháp Luật TP.HCM đang thực hành một thức trong bài Lôi long đao.

Theo võ sư Đông Hải, đại đao là loại binh khí mà chỉ có võ tướng tinh thông võ thuật mới dùng. Bởi lẽ đại đao dài, nặng, vừa là loại binh khí lợi hại, vừa thể hiện chất uy dũng của người dùng nó. Võ sư kể rằng bài Lôi long đao được tìm thấy trong cuốn “Tây Sơn danh tướng bí kiếp mộ hồn thao” của Nguyễn Trung Như, một danh tướng nhà Tây Sơn, chép lại. Trải qua nhiều thế kỷ, cuốn cổ thư võ học này được lưu giữ tại chùa Lộc Sơn, huyện An Nhơn (Bình Định), hiện do ông giữ và dịch lại. Năm 1984, ông được cố thượng tọa Thích Tịnh Quang truyền dạy, sau đó ông đã dạy lại cho học trò xuất sắc nhất của mình là võ sư Trần Duy Linh. Và cũng chính bài đao này đã mang lại cho võ sư Trần Duy Linh huy chương vàng giải võ cổ truyền toàn quốc vào những năm sau đó.

Bài đại đao gồm 66 thức với chỉ tám câu thiệu nhưng đã chuyển tải hết tinh thần sức mạnh và sự linh hoạt của bài võ. Bài võ có lúc rào rạt thị oai đối phương như “Bắc sát kình phong, Nam lôi thanh thế”, có khi ảo diệu khiến đối phương trở tay không kịp với chiêu thức “Thần đao đoạn kiếm, Kiếm đoạn thương thần”. Võ sư Đông Hải giải thích, trong chiến đấu, ngọn kiếm, đường thương rất linh hoạt. Hai loại binh khí này có lúc theo đường thẳng của binh khí đối phương mà xuyên vào, lúc khác lại di chuyển nhiều hướng khác nhau để tấn công. Tuy nhiên, chiêu thức của Lôi long đao là chế ngự ngay từ đôi tay của người dùng thương, kiếm. Nói cách khác là người dụng đao không dùng lưỡi đao để chế ngự mũi kiếm, đường thương mà sẽ trảm phạt đôi tay của người cầm thương, kiếm. Ngoài ra, công phu của Lôi long đao nhiều lúc còn mượn sức đối phương để giết chết đối phương một cách nhanh chóng. Đó là những động tác chém dụ để tạo điều kiện cho đối thủ gạt đỡ rồi nhân lúc đối thủ phản công thì chỉ việc đẩy nhẹ đường đao về phía trước là đoạt mạng.

Lôi long đao còn là sự vận dụng lối đánh bốn phương với tám hướng đánh nên rất khó có cơ hội cho những loại binh khí khác. “Binh khí thường có các hình thức gồm: đấu tức là một đánh với một, chiến là một đánh với từ hai trở lên. Lôi long đao ngoài việc hội tụ đao đấu, đao chiến còn là một bài đao trận, nghĩa là một người có thể đánh với cả đoàn quân. Tôi tin chắc rằng Võ Văn Dũng ngày xưa từng đoạt đầu của rất nhiều kẻ thù với chiêu thức từ Lôi long đao” - võ sư Đông Hải nói.

Võ sư Trần Duy Linh, huấn luyện viên đội võ cổ truyền Bình Định, tâm sự: “Ngày xưa làm trai thời loạn thì dùng đao chém càng nhiều kẻ thù càng tốt để bảo vệ đất nước. Còn bây giờ việc dạy và học những bài thảo của tổ tiên là cái đạo phải giữ để nền võ học quê mình không bị mai một. Tôi không bảo thủ nên đã dạy bài Lôi long đao này cho tất cả học trò, anh em hoạt động võ thuật của mình”.

Lôi long đao vì thế sẽ còn mãi trong lòng đất võ.

_____________________________
Để tinh hoa không mai một

Theo võ sư Trần Duy Linh, Lôi long đao là bài đại đao chiêu thức phức tạp, độ khó cao nên đòi hỏi người tập luyện phải có sức khỏe dẻo dai và quan trọng hơn hết là phải thông thạo nhiều binh khí thì mới có khả năng lĩnh hội. Việc duy trì tập luyện thường xuyên bài đao này giúp cơ thể săn chắc, khỏe mạnh và tăng tuổi thọ.

Mới đây, trong đợt tập huấn ở Khánh Hòa, võ sư Trần Duy Linh thị phạm cho đông đảo võ sư để giúp bài thảo này phổ biến trên toàn quốc. Ngay sau đợt tập huấn này, Lôi long đao đã chính thức trở thành một trong 18 bài quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam khi thi đấu, biểu diễn.

Võ sư Nguyễn Thanh Vũ, Phó Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền Quy Nhơn, người đã học bài Lôi long đao từ võ sư Linh, cho biết thêm: “Hiện nay ở câu lạc bộ của tôi, một số võ sinh từ cấp 14 trở lên đều đã được học Lôi long đao. Tôi hy vọng nhiều bài thảo khác của Bình Định cũng tìm được người tài, đức lĩnh hội lại để không làm mai một tinh hoa của tổ tiên”.

THANH NHÃ - THÁI BÌNH
http://phapluattp.vn/20100126102512605p0c1015/huyen-thoai-loi-long-dao.htm



Được sửa bởi Hàn Phong ngày Sun May 09, 2010 12:38 pm; sửa lần 2.

http://thohanphong.blogspot.com/

Hàn Phong

Hàn Phong
Bạn Chí Cốt
Bạn Chí Cốt

BÀI 2: Sức hút của bài Miêu tẩy diện

Đường quyền đẹp đến nỗi một võ sư người Ý dành dụm tiền mấy năm trời để đến Việt Nam xin được thỉnh giáo.

Nhà của võ sư Lý Xuân Hỷ dung dị, lọt thỏm trong một con hẻm nhỏ ở thôn Tây Phương Danh (thị trấn Đập Đá, An Nhơn, Bình Định). Khu vườn qua bao thế hệ vẫn không dùng trồng rau màu mà chỉ để dạy võ, khắp sân bày biện lỉnh kỉnh bao cát, găng đấm, tạ và binh khí. Ở tuổi thất thập, võ sư Lý Xuân Hỷ vẫn ngày ngày luyện tập và truyền dạy bí quyết võ học của dòng họ mình.

Uyển chuyển như mèo

Tổ tiên ông vốn là người Hoa ở Phúc Kiến, khi phản Thanh phục Minh, bị nhà Thanh truy đuổi nên dạt chân đến chốn này. Với vốn võ học Trung Hoa, tổ tiên ông kết hợp với tinh hoa võ học của đất Bình Định. “Võ thuật cổ truyền là sự vận dụng linh hoạt các nguyên tắc âm dương ngũ hành và quan sát từ tự nhiên để hình thành nên nhiều đòn thế chiến đấu hiểm hóc. Các đòn thế ấy chủ yếu để chống chọi với thú dữ, đối đầu với trộm cướp. Khi có giặc ngoại xâm, nó là đòn thế lợi hại để xua đuổi kẻ thù” - ông nói.

Theo ông Hỷ, một buổi sáng, ông tổ của ông ngồi quan sát con mèo mới ngủ dậy. Hai chân trước con mèo đưa lên mặt vuốt râu, xoa mặt cho tỉnh táo rồi nhẹ nhàng phốc người xuống đất. Từ sự quan sát đó, ông tổ đã sáng tạo ra bài thảo Miêu tẩy diện (mèo rửa mặt). Bài thảo này có hơn 20 động tác chuyển tải lý thuyết ẩn tàng, không gây tiếng động nhưng lại là một ẩn họa cực lớn với đối phương khi bị tấn công. Lúc sử dụng trảo như hổ, khi dùng ngón điểm chỉ vào tử huyệt đối phương. Chính phong thái nhẹ nhàng làm nên đặc trưng tấn trụ linh hoạt cho người tập luyện.

“Đặc trưng của võ cổ truyền là chân không rời đất (túc bất địa ly). Tuy nhiên, với Miêu tẩy diện thì dù có rời đất thì cũng như mèo, hai chân rất thăng bằng” - võ sư đúc kết.

NHỮNG BÁU VẬT CỦA VÕ BÌNH ĐỊNH Vobinhdinh3
Võ sư Lý Xuân Hỷ - truyền nhân Miêu tẩy diện đang biểu diễn bài thảo của dòng họ Lý nhà mình (trái).
Miêu tẩy diện đã trở thành tài sản chung của vùng đất An Nhơn khi ngày càng có nhiều người được học (phải).

Ngày nay, đoạn video clip bài thảo Miêu tẩy diện do một nữ học trò nhà họ Lý biểu diễn cứ mỗi ngày lại tăng lượt xem trên YouTube. Tuy nhiên, xem thì xem vậy chứ người khác khó có thể học lỏm được. “Để thuộc bài này chỉ cần một ngày nhưng để thụ hưởng công phu có khi phải mất cả đời. Nếu không có người hướng dẫn, dù có thuộc làu làu thì đó cũng chỉ là những động tác vô hồn”.

Thua để nhìn lại mình

Ai ở đâu tìm đến gặp võ sư Lý Xuân Hỷ đều được ông mời ra sân tập để… nói chuyện. Lúc cao hứng, ông bảo khách ráp thế, bắt một vài đòn đánh cho vui. Cái lối nói chuyện dí dỏm “rặt chất nẫu” và dùng võ để mạn đàm của ông đem lại thú vị và ngạc nhiên cho khách. Ông cười khề khà: “70 tuổi nhưng coi tui cũng còn được hè, cơ bắp cũng còn ngon hè! Ngày trước tôi từng làm phó chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Bình Định nhưng nghiệm ra làm ông thầy võ vườn vẫn là khoái nhất”.

Năm 18 tuổi ông đã tinh thông quyền cước và những ngọn roi sở trường của Bình Định. Tự tin khả năng của mình, cộng với việc thấy lính Mỹ, lính Đại Hàn đi lại nghênh ngang, coi người Việt không ra gì, ông đâm ghét nên thường tìm cách chọc đánh cho bõ tức. Ông làm động tác hỉ mũi, cười đểu rồi ném về phía chúng. Thái độ xúc xiểm ấy ngay lập tức nhận được phản ứng. “Lính Mỹ chơi vui lắm, mình đánh với nó thì một chọi một, số còn lại chỉ đứng hò hét cổ vũ. Mình có đánh xịt máu mũi một thằng thì những thằng khác vẫn hoan hô mình. Còn lính Đại Hàn thì phải lựa thế đánh nhanh rút gọn chứ không tụi nó hùa vào đập mình chết” - ông cười hề hề.

Năm 1969, nhận lời thách đấu của một võ sư taekwondo Quân đoàn 2 chính quyền Sài Gòn, Lý Xuân Hỷ thượng đài. Ngay đầu trận, tay võ sư nọ không ngớt tung những đòn đá giò lái sở trường sấm sét. Qua hiệp hai, ông Hỷ thoái lui, dựa thế vào dây rin võ đài, luồn người áp sát khống chế đòn chân của võ sư nọ rồi tung hai chỏ vào chấn thủy hắn. Trận đấu kết thúc. “Đó là một trong những thế chỏ hiểm hóc nhất của bài Miêu tẩy diện” - ông nói.

Thời của ông, ở Bình Định việc trở thành võ sĩ là một vinh dự lớn. Sự nghiệp của ông là 300 trận thượng đài chỉ thua đúng một trận mà theo cách nói của ông là “thua để nhìn lại mình, bớt thói ngông nghênh”.

Sức hút của một bài quyền

Mãi đến năm 1990, Miêu tẩy diện mới có dịp trình làng ra thế giới. Lần ấy, ông cùng Liên đoàn Võ thuật Việt Nam sang Nga thi đấu. Đối thủ của ông là một võ sư Ba Lan cao lớn, vượt hạng cân của ông gần 10 kg. Đến giờ thượng đài, thấy ông đứng yên chẳng thủ thế gì cả, võ sư Ba Lan ngạc nhiên hỏi sao không chuẩn bị. Ông trả lời gọn lỏn: “Võ thuật Việt Nam tôi là vậy đấy, đứng chơi chơi vậy đã là thủ rồi”. Nghe xong, võ sư kia điên tiết xông vào. “Tôi chỉ nghiêng nghểnh mặt mèo rồi đảo tay đưa chỏ một phát anh ta đã ngã xụi lơ. Trong khi thiên hạ còn đang ngỡ ngàng, anh ta đã lồm cồm bò dậy. Bất ngờ anh ta quỳ sụp xuống bái tôi làm sư phụ. Úi, cha đó tinh thần thượng võ dữ thiệt” - ông Hỷ cười.

Mới đây nhất, năm 2007, giới võ học Bình Định xôn xao khi một võ sư người Ý ngưỡng mộ ông từ cái lần chứng kiến cú hạ đo ván vị võ sư Ba Lan dạo nào đã tìm tận đến nhà ông xin thách đấu. Buổi thách đấu có yếu tố nước ngoài nên có các ngành chức năng theo để đảm bảo an ninh. Thấy đối thủ nước ngoài cao to, trẻ khỏe (nặng hơn ông Hỷ gần 30 kg), một anh công an ái ngại rỉ tai ông bảo hay là từ chối phứt đi cho an toàn. Ông Hỷ cười: “Bậy, thể diện quốc gia chú cứ đùa! Chú yên tâm, tui chẳng chết đâu mà sợ”. Bù lại, ông Hỷ ra điều kiện dù thắng dù thua gì cuộc đấu cũng chỉ diễn ra trong… 30 phút, kể cả thời gian đàm đạo. Võ sư người Ý bằng lòng.

Thế nhưng trận đấu kéo dài chưa quá 1/10 thời gian thỏa thuận thì võ sư người Ý đã ngã quay và đứng lên xá tay gọi ông bằng sư phụ. “Thời gian còn lại, ông ấy hỏi tui bí quyết nào để đánh thắng. Tui trả lời người Việt Nam tập võ không phải để đấu. Ông ta thú nhận để chuẩn bị cho trận đấu lịch sử này ông ấy phải sang Trung Quốc học thêm đòn thế Thiếu lâm trong hai năm. Chưa hết, về nhà ổng phải chắt chiu dành dụm mấy năm trời mới đủ tiền sang Việt Nam thách đấu. Ổng hứa sẽ trở lại đấu với tui lần nữa khi dành dụm đủ tiền”.

Trọn một đời với nghiệp võ nhưng hầu như chưa có đệ tử nào lĩnh hội hết bí kíp võ học của ông. Võ sư Lý Xuân Vân, con trai ông, bộc bạch: “Anh em tôi nhiều, học trò cũng đông nhưng chưa ai sánh bằng cha tôi cả, nhất là bài Miêu tẩy diện, ổng đánh có hồn và xuất thần khiếp lắm”.

“Ngày xưa, do quan niệm hẹp hòi, bài võ này chỉ được truyền dạy trong dòng họ. Trước đây, kể cả mấy bài roi độc chiêu tui cũng không dám dạy con mình vì sợ chúng lỡ tay ra đòn độc thủ thì nguy. Giờ là lúc tui nghĩ cần phải truyền dạy hết những hiểu biết của mình ra ngoài chứ nếu để thất truyền là có tội với tổ sư chết” - võ sư Lý Xuân Hỷ nói.

___________________________
“Tinh hoa võ học Việt Nam chứa trong bụng các ông”

Một lần, có đoàn võ học Pháp ghé thăm võ đường Lý Xuân Hỷ. Ông nhận lời tiếp trong 30 phút. Đầu chuyện, vị võ sư người Pháp trình bày muốn được trao đổi kinh nghiệm võ học với ông, nhất là bài Miêu tẩy diện. Ông trả lời: Muốn nghiên cứu võ học Việt Nam, các vị chỉ cần vào viện bảo tàng của các vị, hồi đó các vị chẳng khuân hết về nước là gì. Nghe người phiên dịch giải thích thêm “hồi đó” là hồi nào, đoàn khách Pháp thoáng chút bối rối. Rồi bằng lời lẽ khiêm nhường, một vị lên tiếng: “Không, làm gì có tài liệu nào ở bảo tàng. Tinh hoa võ học của người Việt Nam nằm gọn trong bụng của các ông cả đấy”.

THANH NHÃ - THÁI BÌNH



Được sửa bởi Hàn Phong ngày Sun May 09, 2010 12:38 pm; sửa lần 2.

http://thohanphong.blogspot.com/

Hàn Phong

Hàn Phong
Bạn Chí Cốt
Bạn Chí Cốt

Bài 3: Bí ẩn bài quyền của hoa hậu

Bài quyền binh khí này đã đưa cô sinh viên Bùi Thị Thanh Thảo lên ngôi vị Hoa hậu những miền đất võ...

Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu những miền đất võ vào cuối tháng 7-2008, khi thí sinh Bùi Thị Thanh Thảo trình diễn phần võ thuật, hơn 50.000 khán giả bị chinh phục hoàn toàn. Ban giám khảo gồm nhiều võ sư danh tiếng quyết định trao vương miện cuộc thi cho người múa.

Duyên hội ngộ

Bài thương có cái tên rất ấn tượng: Chiêu hồn thương. Chiêu pháp rất thực dụng, người đánh có cơ hội thi triển toàn bộ quyền pháp như đâm, gặt, gá mũi… để đoạt hồn đoạt phách đối phương. Cây thương xoay chuyển linh hoạt mà không được chạm đất, đường thương thoắt ẩn thoắt hiện, mũi thương biến hóa khôn lường. Đặc biệt, tuy “sát khí” cao nhưng bản thân bài thương lại tập hợp nhiều đường nét gọn ghẽ, ẩn ảo như một bài thơ, gợi nhiều hơn tả…

Huấn luyện viên Phạm Bá Toàn (Hội Võ thuật Quy Nhơn), người đã dạy bài thương này cho Hoa hậu Thanh Thảo, bộc bạch: “Bài thương này là một mối lương duyên rất lớn của người tiếp nhận và người dạy”…

Huấn luyện viên Toàn kể trước đây, một chiến sĩ trinh sát công an vốn là anh kết nghĩa với Toàn đi thực hiện nhiệm vụ ở huyện Tuy Phước. Xong việc thì đã nửa đêm, anh vào một ngôi chùa xin ngủ nhờ. Sư thầy bố trí cho anh một phòng có cửa mở ra khoảng sân lớn.

NHỮNG BÁU VẬT CỦA VÕ BÌNH ĐỊNH Vobinhdinh5
Huấn luyện viên Phạm Bá Toàn đang hướng dẫn
Bùi Thị Thanh Thảo một động tác của Chiêu hồn thương.

Trong chập chờn giấc ngủ, nghe ngoài sân có tiếng động, anh bật dậy, lén nhìn ra. Dưới trăng, vị sư già đang luyện thương. Vốn giỏi võ nên anh biết ngay bài thương rất lợi hại bởi lẽ đường nét của nó ảo diệu, lúc rào rạt, khi khoan thai, kết hợp với thân pháp uyển chuyển của nhà sư, có thể nó là một bài thảo quý và vì không muốn dạy cho người thiếu tâm, tài nên sư phụ tập ban đêm. Sau hồi lâu nghĩ ngợi, anh bạo dạn mở cửa ra sân xin được học bài thương này. Vị sư già mời anh lại bộ bàn ghế có sẵn tách trà. Nhà sư điềm tĩnh nói: “Từ khi con vào chùa xin ngủ nhờ, nhìn bước con di chuyển và tướng mạo con, thầy đã sớm biết con là người có uyên thâm võ nghệ nên cố ý muốn dạy bài thương này cho con. Nhớ dùng nó luyện sức khỏe, bảo vệ mình, giúp người khác và tìm người có duyên để truyền lại”.

Bài thương kín kẽ, hơn 30 động tác như tìm được đúng người nên chỉ sau một đêm, anh chiến sĩ kia đã thuộc lòng và bắt được cả thần thái của nó…

Mấy năm sau, chiến sĩ trinh sát nọ được chuyển công tác về Bộ Công an. Trước khi đi, anh đã dạy lại bài thương này cho huấn luyện viên Phạm Bá Toàn. Toàn kể: “Sau này có nghe anh kết nghĩa nói là sư thầy đã phiêu diêu đất Phật nên tôi giữ bài thương quý này, chỉ mong có ngày nó được nhiều người thưởng lãm”.

“Nữ tướng tái hiện”

Cuối tháng 7-2008, Bình Định tổ chức Liên hoan quốc tế võ cổ truyền và Festival Tây Sơn - Bình Định, trong nội dung festival có cuộc thi Hoa hậu những miền đất võ. Trong khi các thí sinh khác hăng say tập luyện các bài thảo quen thuộc thì Bùi Thị Thanh Thảo tìm đến người anh kết nghĩa của mình là Phạm Bá Toàn nhờ chỉ dạy một bài thảo lạ mắt, “không đụng hàng”.

NHỮNG BÁU VẬT CỦA VÕ BÌNH ĐỊNH Vobinhdinh6
Dù đã đăng quang Hoa hậu những miền đất võ nhưng
Thảo vẫn kiên trì tập luyện bài Chiêu hồn thương mỗi ngày.

Toàn nghĩ đây là dịp tốt để mang bài Chiêu hồn thương ra trình làng nên quyết định dốc tâm dạy Thảo. “Cái khó ở chỗ Thảo là người chưa học võ nên chúng tôi phải rất vất vả. Thông thường ở Bình Định, một võ sinh mới bắt đầu tập luyện phải mất ba năm trở lên mới được cầm tới binh khí. Vì khi ấy mới thể hiện hết cái chất thần - ý - hình của võ học cổ truyền” - Toàn nói.

Hai tháng trời Thảo phải có mặt tại sân tập lúc 5 giờ sáng để tập thể lực, động tác. Buổi trưa ăn cơm xong phải vào tập ngay. Đối với võ sinh đã là quá khó, đối với người tay ngang lại càng khốn khổ.

Không chỉ thế, để Thảo không bị chi phối tâm lý trong đêm thi có đông khán giả nên Toàn thường bắt Thảo tập luyện trước sự chọc ghẹo của những võ sinh nhỏ tuổi. Kết quả của hai tháng trời ròng rã là bài thương đã được Thảo đánh gọn gàng trên sân khấu. Tuy nhiên, phút cuối, một thành viên ban giám khảo đề nghị thay đổi tên gọi bài thương bằng cái tên “Chiêu hồi thương” cho nó… dễ nghe hơn, vì tên Chiêu hồn thương nghe… sát khí quá!

Và trong tiếng trống trận Tây Sơn hùng hồn, Thảo đã tự tin đánh trọn bài Chiêu hồn thương một cách xuất thần, thân pháp uyển chuyển, linh diệu chẳng khác nào nữ tướng Bùi Thị Xuân tả xung hữu đột thuở nào. Cô đã chinh phục ban giám khảo với số điểm gần tuyệt đối để đăng quang ngôi vị Hoa hậu những miền đất võ dù phần thi ứng xử của cô có phần không thành công so với hai á hậu.

Khởi nguồn từ nhà Tây Sơn?

Sau đêm chung kết cuộc thi hoa hậu, Chiêu hồn thương gây sự tò mò trong giới nghiên cứu võ thuật. Bài thương ảo diệu và độc đáo nhưng hiện chỉ có ba người nắm giữ, đó là anh chiến sĩ trinh sát đang công tác ở Bộ Công an, huấn luyện viên Phạm Bá Toàn và Hoa hậu Bùi Thị Thanh Thảo. Chúng tôi thử tìm cái tên Chiêu hồn thương trên Google nhưng chẳng có kết quả nào. Còn cái tên Chiêu hồi thương tuy cho ra hơn 7.000 kết quả nhưng chủ yếu xuất xứ của nó cũng chỉ quanh quẩn từ những tin, bài liên quan đến cuộc thi hoa hậu trên. Hỏi nhiều võ sư lớn tuổi, ai cũng lắc đầu vì “trước giờ chưa từng nghe thấy”.

Một võ sư chia sẻ: “Tôi đồ rằng bài thương có thể bắt nguồn từ thời Tây Sơn, bởi chiêu thức rất thực dụng, khả năng đoạt mạng đối phương cao. Thời xưa, các võ tướng thường rất hay dùng để phát huy sức mạnh khi ra ngoài trận mạc”. Võ sư Nguyễn Đông Hải thì nói: “Tôi có tìm hiểu võ thuật nhưng cũng chưa biết bài thương này do ai nghiên cứu chiêu pháp mà sáng tạo ra, ngay cả lời thiệu cũng không có. Lối đánh bài quyền này vừa phù hợp với địa hình hiểm trở, vừa mở rộng sức công phá khi ra chốn trận tiền. Tiếc là sư thầy đã viên tịch nên mọi nghi vấn cũng chỉ là… giả thiết. Nhưng có lẽ nhờ sự bí ẩn này mà bài thương thêm phần hấp dẫn”.

______________________
U linh thương và ngàn năm Thăng Long

Hơn một năm nay, đội tuyển võ cổ truyền Bình Định đã ráo riết tập U linh thương để ra Hà Nội biểu diễn mừng đại lễ của thủ đô.

Giai thoại kể rằng Lý Công Uẩn (974-1028) là vị vua đầu tiên của triều Lý, lên ngôi giữa lúc những thế lực phản loạn nổi lên khắp nơi, nhà vua nhiều phen phải thân chinh đi dẹp loạn. Lý Thái Tổ nhận thấy địa thế núi rừng thâm u, tịch mịch, trận đồ thường được bố trí vào lúc chạng vạng nên rất khó cho binh lính sử dụng những bài thương thông thường. Từ đấy, ông đã sáng tạo ra bài thảo U linh thương để tập cho binh tướng.

Theo võ sư Đông Hải, bài thương này do nhà sư Hư Minh, đời Hậu Lê ở Thăng Long chép lại trong cuốn Lục tướng tằng vương phổ minh binh thư chiêu pháp (tạm dịch: Sao chép lại những binh thư võ thuật của các vị tướng nhiều đời). Nhà sư Hư Minh lập ra phái Long Hổ Không Hồng để truyền dạy cho các đệ tử và mỗi đời chỉ truyền duy nhất cho một đệ tử chân truyền. Truyền nhân này phải là người của môn phái và có tên bắt đầu bằng chữ Hư.

Sau nhiều cuộc loạn, đệ tử phái Long Hổ Không Hồng phải lưu lạc đến đất Bình Định rồi định cư luôn tại đây. Khi Gia Long giành ngôi từ Tây Sơn, bộ binh thư này chịu chung số phận bị đốt với rất nhiều cổ thư võ học Bình Định khác. Phần lớn tư liệu và động tác các bài thảo đều được ghi lại bằng trí nhớ của các đệ tử như Nguyễn Trung Như, hiệu Hư Linh Ẩn (đời thứ tám), cố hòa thượng Thích Tịnh Quang, hiệu Hư Linh (đời thứ 12) và võ sư Đông Hải, tức Hư Linh Tử (đời thứ 13).

Võ sư Trần Duy Linh nói bài thương có tuổi đời ngàn năm do vị vua lỗi lạc của dân tộc sáng tạo nên biểu diễn U linh thương trong dịp đại lễ ngàn năm Thăng Long-Hà Nội có ý nghĩa như dâng lễ vật tinh thần quý báu lên tổ tiên vậy.

THANH NHÃ - THÁI BÌNH

http://thohanphong.blogspot.com/

Hàn Phong

Hàn Phong
Bạn Chí Cốt
Bạn Chí Cốt

Video Clip võ Bình Định trên VTC

http://thohanphong.blogspot.com/

Sponsored content



Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết