You are not connected. Please login or register

Những bài viết của Trần Huy Thuận

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Hàn Phong

Hàn Phong
Bạn Chí Cốt
Bạn Chí Cốt

Thấy mấy bài viết của anh Trần Huy Thuận hay quá, mang về đây cho mọi người thưởng thức Very Happy

Nguồn vnthuquan.net

SỢ!


Sống ở trên đời, ai mà không một đôi lần... sợ? Bé thì sợ ma (tuy chả biết con ma nó ra làm sao và tại sao mà phải sợ nó?), lớn lên một tí, ngoài sợ ma, còn sợ nhiều thứ khác, như sợ chuột, sợ gián, sợ thạch sùng, sợ rắn và cả... sợ roi vọt nữa! Trở thành người lớn, hầu như đã bớt sợ mấy thứ đó. Nhưng lại có cái sợ khác. Sợ của trẻ con chủ yếu là sợ vu vơ, lặt vặt: Do không hiểu mà sợ - sợ ma! Do chưa thấy bao giờ hoặc ít thấy, hoặc thấy hình dạng nó kì quái, bẩn thỉu quá, mà sợ - sợ gián, sợ chuột, sợ thạch sùng! Do đau thể xác mà sợ - sợ rắn, sợ rết, sợ đòn roi của người lớn!.. Còn cái sợ của người lớn thì khác. Đó là cái sợ thấy được, trực tiếp và cụ thể; sợ cả về thể xác lẫn tinh thần, trong đó cái sợ tinh thần chiếm tỉ lệ rất cao. Có cái sợ tránh được, như không bao giờ làm việc xấu, không vướng vào những vụ vi phạm pháp luật,.. thì chả việc gì phải sợ (ấy là theo lẽ thông thường, chứ một khi ... Thôi chả nói nữa, sợ lắm!). Nhưng có cái sợ không tránh được, như bị cướp, bị bắt cóc, bị khủng bố, bị tống tiền, bị doạ cho thôi việc, bị thuyên chuyển công tác, bị sếp ghét bỏ,... Không may gặp những chuyện như thế mà không sợ, thì ai đó phải có thần kinh ...thép! Làm điều sai trái, sợ pháp luật, là cái sợ bình thường. Ra đường sợ kẻ cắp, là cái sợ tuy không bình thường nhưng còn chấp nhận được. Chứ "ra đường sợ công an, lên phường sợ… thủ tục" (giáo sư Văn Như Cương), thì đấy lại là cái sợ hoàn toàn không bình thường chút nào. Càng không bình thường hơn khi nghe và chứng kiến những cảnh đại loại như thế này: "người ngay sợ kẻ gian", "người quân tử sợ kẻ tiểu nhân", "công an sợ đầu gấu", "dân lành sợ quan tham",... Cánh đàn ông lại có kiểu sợ đặc thù này: sợ vợ! Đến vua chúa oai thế, còn sợ hoàng hậu, nữa là dân thường! Những khi túm năm tụm ba tán gẫu với bè bạn tôi thường nói thế, để thanh minh cho cái tính nhút nhát sợ... bà xã của tôi! Tôi là kẻ học ít, nhưng cũng sính dùng chữ lắm, ví dụ, không nói "sợ vợ", nói thế nó thô thiển quá, mất giá quá, nên tôi thay bằng câu: "dàn thiên lý nhà mình sắp đổ!". thế là mọi người hiểu ý ngay: thôi tha cho nó về, kéo vợ nó lại cho nó... lãnh đủ!

Sợ có nhiều cách biểu hiện lắm: sợ run cầm cập, sợ hết hồn hết vía, sợ tái xanh tái xám, sợ lạnh cả xương sống, sợ dựng tóc gáy, sợ toát mồ hôi, sợ rụt vòi, sợ vãi đái, sợ vãi linh hồn... Lại có cả sợ bóng sợ vía nữa (là do người đó đã từng sợ, nay chỉ thoáng nghe đến, nghĩ đến, nhắc đến, là "hồn bay phách lạc" rồi - như con chim sau lần thoát chết bởi cung tên của người đi săn, trông thấy cành cây cong cũng sợ!).

Chẳng biết những kẻ to gan lớn mật có thật không biết sợ không? Mật và gan thế nào là to? To quá dễ sinh bệnh, dễ "ngoẻo" sớm - thế thì thà sợ mà được sống thọ thêm một chút, còn hơn! Hèn - Vâng, hèn chính là do sợ quá gây ra. Tôi hay bị bạn bè mắng lắm, mắng là ĐỒ HÈN! Nghe thì tức, nhưng vốn nhiễm tính sợ từ bé, nên không dám cãi, không dám sống khác đi, nên phải cười xoà: ừ tao hèn, chúng mày không hèn, chúng mày to gan lớn mật, chúng mày gan cóc tía, chúng mày dũng cảm, chúng mày anh hùng!.. Bị dồn một hồi như thế, nhiều đứa chót mắng tôi hèn, bỗng thấy chờn chợn, không khéo thằng này nó khùng! Mà chạm vào ai chứ chạm vào thằng khùng thì thì có ngày... vạ vào thân! Thế là đến lượt chúng... sợ, lại là sợ cái thằng hèn này mới... đau chứ!

Vậy đó! Sợ - tưởng chỉ là biểu hiện của những thằng hèn, hoá ra không loại trừ ai cả?!.

http://thohanphong.blogspot.com/

Hàn Phong

Hàn Phong
Bạn Chí Cốt
Bạn Chí Cốt

NÓI THẲNG VÀ NGHE NÓI THẲNG!


"Kẻ sĩ, người trí thức mà không nói được tiếng nói của chính mình...
thì suy cho cùng, nào có khác gì con sáo bị cụt mất đầu lưỡi đâu?"
(Giáo sư Tương Lai)

"Lời nói thật thà có thể bị buộc tội
Lời nịnh hót dối lừa có thể được tuyên dương"
(Nhà thơ Nguyễn Duy)


Dân chủ là tiêu chí hàng đầu để xếp hạng văn minh đối với một đất nước. Nhưng biểu hiện đầu tiên của dân chủ lại chính là tự do. Cho nên có thể nói: Tự do là khát vọng lớn nhất của con người mọi thời đại (Bác Hồ nói: Không có gì quý hơn độc lập tự do). Trong đó, tự do nói lên sự thật, nói thẳng sự thật, được bày tỏ suy nghĩ của mình, ước nguyện của mình... chính là khát vọng thường trực[1]! Nhưng, nói thẳng sự thật - tưởng dễ mà khó! Đâu phải cứ muốn nói thẳng là ta có thể nói thẳng được? Người thấy sao nói thế, người nghe sao nói vậy, cứ nghĩ mình là người thẳng thắn, hóa ra không phải! Bởi thấy và nghe là những hành vi dễ nhất mà mỗi người có thể làm được, ngoại trừ những người khiếm thị, khiếm thính (nhưng những người này lại thường có linh cảm đặc biệt mà người sáng mắt, sáng tai không dễ gì qua mặt!). Thấy và nghe mới chỉ là nhận ra cái vẻ bề ngoài, cái hình thức của sự vật - mà ai cũng hiểu, hình thức nhiều khi không phản ánh đúng bản chất nội dung.

Thấy phải bằng đôi mắt tinh tường, nghe phải được nghe bằng cả hai tai!
Ngược với thấy sao nói thế, nghe sao nói vậy là loại người… thấy rõ mười mươi mà không dám nói, nghe rõ mồn một mà giả điếc làm ngơ!

Cho nên, thấy và nghe chỉ là bước đầu tiên để nhận thức bản chất: bước thu thập thông tin. Bởi vì nói thẳng bao giờ cũng đi đôi với nói thật, nên vấn đề nhận thức đúng bản chất mới là điều vô cùng quan thiết. Muốn vậy, trước tiên phải có kiến thức về lĩnh vực mình muốn nói. Dân ta có câu: Biết thời thưa thốt, không biết, dựa cột mà nghe!. Cùng với kiến thức, là tư duy khoa học, là biết đánh giá một cách toàn diện, khách quan - đừng như lũ thầy bói xem voi; đồng thời phải xuất phát từ một cái tâm trong sáng - để thẳng không thành cong, để méo không hóa tròn, để bé không xé ra to, để to không vo thành bé...

Nhận thức đúng bản chất - cần thiết, nhưng chưa đủ! Còn phải có dũng khí dám nói sự thật, đừng để miếng thịt bịt miệng! (Cần nói thêm rằng, không dám nói sự thật không chỉ là hành vi của kẻ hèn yếu, mà nhiều khi còn đồng nghĩa với ngậm miệng ăn tiền. Thực tế cuộc sống không hiếm kẻ tiến thân rất nhanh bằng con đường ngậm miệng: “Ngậm hàm thì tiến”! Dân gian đã nói như thế!). Sinh thời, Phùng Quán từng viết: Yêu ai cứ bảo là yêu- Ghét ai cứ bảo là ghét- Dù ai ngon ngọt nuông chiều- Cũng không nói yêu thành ghét- Dù ai cầm dao dọa giết- Cũng không nói ghét thành yêu…

Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, không phải lúc nào cũng phải... nói đúng sự thật! Một bác sĩ, khi phát hiện ca bệnh hiểm nghèo, có nên nói trực tiếp sự thật đó với bệnh nhân không? – Không trong trường hợp này, nhiều khi lại là đức nghề nghiệp cần thiết đối với một lương y! Vấn đề là ở chỗ: Không phải sự thật nào cũng nên nói; nhưng một khi đã có thể nói, thì phải nói đúng sự thật! Đấy có thể coi là những tiêu chí để đánh giá phẩm chất một người-biết-nói-thẳng.

***
Có người-biết-nói-thẳng không thôi, chưa đủ, còn cần phải có người-biết-nghe-nói-thẳng.

Không phải ai ai cũng muốn nghe lời nói thẳng, bởi trung ngôn nghịch nhĩ (tuy bề ngoài, người nào cũng tỏ ra sẵn sàng nghe nói thẳng, nói thật!). Mặt khác, không phải ai đó tuyên bố sẵn sàng nghe nói thẳng nói thật, sẽ lập tức được đáp ứng!
Một người muốn nghe người khác nói lên sự thật, người đó mới chỉ là người-dám-nghe-nói-thẳng – Vâng! Rất đáng trân trọng! Nhưng chỉ... dám không thôi thì chưa đủ. Người muốn nghe lời nói thẳng, trước hết, dù ở cương vị nào, người đó cũng phải có được phẩm chất cần thiết như những tiêu chí đã nêu đối với người-biết-nói-thẳng (thậm chí còn phải ở mức cao hơn), nhất là sự dũng cảm (đặc biệt là khi điều được nghe lại đụng chạm đến... người thân, đến chính bản thân!) - Để không bị nhầm, bị lừa, bị bẫy... người nghe còn phải có kinh nghiệm nghe lại phải biết đích thân kiểm tra tính đúng đắn của những điều nghe được ấy. Người như thế, có thể đặt cho cái tên là người-biết-nghe-nói-thẳng hoặc người-nghe-nói-thẳng-được!
Như vậy, thực tế tồn tại một lô-gic sau: người-biết-nói-thẳng, khi có dịp được nói thẳng, người đó sẽ đủ tự tin để nói-thẳng-được! Tương tự, người muốn nghe nói thẳng, chỉ thật sự được nghe, khi người đó... nghe-nói-thẳng-được, tức là khi biết-nghe-nói-thẳng!

Một đất nước phát triển, một xã hội dân chủ và văn minh, rất cần những người-biết-nói-thẳng - được nói thẳng! Càng rất cần những người-nghe-nói-thẳng-được - được nghe nói thẳng! Đó chính là mục tiêu hàng đầu của giáo dục. Và đó cũng là cái gốc của nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Thật vậy! Làm sao có thể được coi là một nước văn minh, dân chủ, khi trong nước đó, người-biết-nói-thật và người-nghe-nói-thật-được, chỉ như lá mùa thu.
(Đăng lần đầu trên chongthamnhung.thanhtra.gov.vn ngày 07-03-2007)


MỜI ĐỌC THÊM:

Thứ Ba, 20-01-2009 - 3:23
Trăn trở đầu năm mới của trí thức Việt Nam: Bệnh giả dối

(Dân trí) - Có thể nói bệnh dối trá đã và đang trở thành mối lo ngại lớn nhất trong đời sống xã hội những năm gần đây. Nó có mặt ở nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và hủy hoại nền tảng đạo đức dân tộc.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân trong bức thư gửi các thầy cô giáo nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11-2008 vừa qua đã tỏ ra hết sức lo lắng: “Chúng ta rất lo lắng khi tiêu cực, bệnh thành tích hay rộng hơn là sự giả dối vẫn đang tồn tại trong ngành và xã hội”. Giáo sư Hoàng Tụy, trong một trả lời phỏng vấn đã nhận xét: “Nói dối là mối nhục lớn”.

Nhân dịp xuân mới, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Hữu Thọ và một số trí thức có nhiều trăn trở về cái gọi là mối nhục lớn này.

Nhà báo Hữu Thọ: Rửa tai để được nghe những lời nói thật

…Sự thật nó không tự đến mà anh phải tìm đến nó. Rồi anh phải đủ niềm tin ở người ta thì người ta mới nói sự thật với anh. Anh cũng phải có đủ bản lĩnh để sàng lọc, tìm ra những thông tin chính xác. Muốn nghe được lời nói thật là phải công phu lắm, phải thành tâm lắm. Hãy rửa tai để nghe lời nói thật vì không có lời nói thật nào mà không có vị chua chát.

* Nói ra chân lý cũng cần một nghệ thuật:

- Ông có thấy nói dối đã và đang trở thành căn bệnh đáng lo ngại?

- Tôi lo chứ. Tôi đã từng phát biểu ở Quốc hội về vấn đề này. Cách đây ít lâu, tôi vào Tây Nguyên, đến thăm đồng chí Kso Si, một trí thức Tây Nguyên cùng một khóa Trung ương với tôi, đồng chí ấy nói các anh không nghe được tiếng nói thật của dân đâu. Hỏi vì sao, ông ấy bảo khi khen thì họ nói tiếng Kinh còn khi chê thì họ nói tiếng dân tộc. Mà mình thì có biết tiếng của dân tộc họ đâu, cho nên chỉ được nghe lời khen bùi tai.

- Nói đến Quốc hội, ông có tin rằng lần cố Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trịnh Hồng Dương nói đại để án dân sự của ta xử thế nào cũng được là ông ấy nói thật?

- Tôi không am hiểu đâu nhưng là người đứng đầu ngành tòa án, ông ấy phải hiểu rõ nhất, sâu sắc nhất thực trạng của ngành mình phụ trách và khi ông ấy nói như thế thì chắc rằng đó là sự thật.

- Còn trường hợp người kế nhiệm ông Dương là Chánh án Nguyễn Văn Hiệu. Ông Hiệu cũng vì nói lên một sự thật đại ý rằng đội ngũ thẩm phán thiếu đến mức phải “vơ bèo vạt tép” cũng là nói thật?

- Thật chứ. Hai ông ấy đều nói đúng về một sự thật.

- Ông nghĩ gì khi cả hai ông đều vì nói lên sự thật dẫn đến sự phản ứng gay gắt ở ngay Nghị trường Quốc hội?

- Tôi nghĩ có lẽ các ông ấy sai lầm ở cách nói. Không ai khuyên anh nói dối nhưng bảo vệ chân lý có nhiều cách. Tiếp cận chân lý có nhiều con đường. Đi đến chân lý cũng có nhiều con đường và nói ra chân lý có nhiều cách nói.

*GS. VS Phạm Song:
- Thành thật với người là thành thật với mình

Muốn người ta nói thật thì trước hết, mình phải thật lòng muốn nghe sự thật và dám nói ra sự thật…
Ngày xưa, trong triều đình có chức gián quan do những người trung thực, ngay thẳng đảm nhiệm. Bây giờ cũng có những người làm việc tương tự nhưng vấn đề là họ có nói thật không và lời nói thật của họ có được tôn trọng không. Kẻ sĩ luôn nhìn thấy những điều có thể xảy ra nên họ thường có tâm trạng bất an, lòng không yên ổn. Rồi cảm giác mắc nợ nhân dân, mắc nợ dân tộc, mắc nợ cả nhân loại nên họ luôn bị giằng xé nếu không được nói ra những suy nghĩ thành thật của mình.

Theo Bùi Hoàng Tám - Nguyễn Kim Khánh
(Nhà báo và Công luận)


***********************
[1] “Tự do phát ngôn thì cứ tự do phát ngôn, nhưng quyền tự do sau phát ngôn thì tôi không bảo đảm” – TS. Lê Đăng Doanh đã có lần trả lời vị Hiệu trưởng một Trường Đại học Singapore như vậy!



Được sửa bởi hàn phong ngày Sat Nov 07, 2009 10:18 pm; sửa lần 1.

http://thohanphong.blogspot.com/

Hàn Phong

Hàn Phong
Bạn Chí Cốt
Bạn Chí Cốt

NÓI VÀ LÀM


Lời nói mà không đi đôi với việc làm của các quan chức cấp càng cao càng làm xói mòn lòng tin của người dân.[1]
(TS. Nguyễn Quang A)


Nói phải đi đôi với làm là một đòi hỏi mang tính xã hội. Không phải riêng thời nay, mà xưa đã thế và sau này vẫn thế. Từ thần dân đến vua quan, từ kẻ bị lãnh đạo đến người lãnh đạo... đều phải luôn luôn ghi nhớ: Nói phải đi đôi với làm! Bởi, mười lần nói không bằng một lần làm; bởi nói hay không bằng cày giỏi; bởi nói và làm gắn chặt với chữ tín: một lần bất tín, vạn sự bất tin - một lần nói không đúng, nói không đi với làm; vạn lần mất lòng tin ở người nghe! Khi tổng bí thư Nguyễn Văn Linh quyết định kí tên NVL dưới loạt bài báo Những việc cần làm ngay, ông đã không chỉ viết tắt họ tên mình, mà còn có ý gửi gắm một phương châm sống, một phương châm lãnh đạo: Nói và làm.[2]

Nhưng tại sao nói lại không đi đôi với làm? Điều dễ hiểu này ai cũng biết, đó là vì bao giờ nói cũng dễ hơn làm. Nói dễ vì nói do cái lưỡi phụ trách (mà cái lưỡi vốn “không xương”, nên “nhiều đường lắt léo”); còn làm khó, vì làm thuộc thẩm quyền đôi tay và cơ bắp! Nói dễ, vì lời nói gió bay, vì nói trước quên sau, vì nói đâu bỏ đấy và vì lời nói không mất tiền mua... Nhưng, hãy cảnh giác! Lão Tử đã từng dạy: Lời nói có thể tin được thì nghe không hay; lời nói nghe hay thì không thể tin được! Nhưng sợ nhất có lẽ là người biết – không nói và người nói – không biết!
Như vậy, chúng ta không chỉ cần biết sợ và đừng cả tin vào mọi lời nói, mà còn phải ghi nhớ: Chính vì nói dễ nên đôi khi nó rất nguy hiểm. Cha ông ta đã từng căn dặn: Lời nói đọi máu đấy sao!

Vậy là, lời nói tuy là việc đơn giản – trẻ con, người lớn... nếu không bị khuyết tật bộ phận thanh quản, đều có thể nói những gì muốn nói. Nhưng tác dụng trong cuộc sống xã hội của lời nói thì không hề đơn giản chút nào. Lời nói như dao chém đá, không dễ phủi phui được đâu! Đến đây, ta lại rút ra một điều: nói dễ thật, nhưng không phải lúc nào cũng dễ. Cho nên chớ có nói bừa, nói ẩu, nói ngon, nói ngọt, nói cho xong chuyện, và nhất là chớ có... nói lời lại nuốt lời, trừ phi anh không còn là người tự trọng!

Làm khó, vì làm phải tốn sức, tốn công, thậm chí phải quên mình, phải hy sinh... Tốn sức, tốn công thì nhiều người có thể làm được. Nhưng hy sinh, quên mình, mới là thử thách khó vượt qua! Mà ở đời, những việc quan trọng nhất, lại thường đòi hỏi người thực hiện phải hy sinh, phải quên mình! Dám hy sinh thì việc khó trở thành dễ. Đó là chân lý vậy! Chiến đấu chống ngoại xâm, phải cầm chắc có thể hy sinh xương máu. Chấp nhận rồi, thì cái chết nhẹ tựa lông hồng; gian nan, nguy hiểm đến mấy cũng dễ dàng vượt qua! Cuộc chiến đấu với nội xâm (nạn tham nhũng), khó hơn nhiều, đòi hỏi sự hy sinh lớn lao hơn nhiều. Vì đó là cuộc chiến với người sống bên ta, với đồng đội, đồng chí... thậm chí với chính bản thân ta – nhằm loại trừ nạn sâu mọt đục khoét, đang làm băng hoại giá trị đạo đức, lối sống; làm mục ruỗng xã hội! Lên án tham nhũng thì dễ, ai ai cũng lên án được; chống tham nhũng mới là chuyện cực kỳ khó, là vì vậy! Bởi lên án là hành vi nói, còn chống là hành vi làm.

Vâng! Nói phải đi đôi với làm, điều ấy ai cũng thường nghe, ai cũng hiểu và ai... cũng nói được – mà làm thì mới khó làm sao!


[1] Báo Lao động cuối tuần số 23, ngày 08-06-2008
[2] Theo nhà báo Hữu Thọ- vietnamnet. 29/06/2005



Được sửa bởi hàn phong ngày Sat Nov 07, 2009 10:18 pm; sửa lần 1.

http://thohanphong.blogspot.com/

Hàn Phong

Hàn Phong
Bạn Chí Cốt
Bạn Chí Cốt

ĐỨNG VÀ ĐI


Đứng và đi bằng hai chân, là hành vi đánh dấu sự tiến hóa đặc biệt của con người. Đã là con người bình thường, thì ai cũng có đôi chân để đứng và đi. Vậy mà người ta vẫn phải nhắc nhau: “Hãy đứng (hoặc hãy đi) bằng chính đôi chân của mình!”. Thế có nghĩa là, trong thực tế vẫn có kẻ (lành lặn hẳn hoi) lại… đứng và đi bằng chân người khác.

Đứng và đi luôn luôn khăng khít với nhau. Không ai đứng mãi một chỗ - đứng như thế có ngày ngã qụy, bởi chồn chân mỏi gối; cũng không ai đi mãi, đi mãi tất phải dừng - không thì cũng chẳng còn hơi sức đâu mà đi. Nhưng có nhận xét như thế này: mỗi chúng ta đều có thể đi bộ liên tục nhiều tiếng đồng hồ, nhưng chẳng mấy ai đứng yên một chỗ nổi một tiếng! Phạt đứng vốn là một hình phạt khá nặng từ xưa đến nay! Đứng rồi đi, đi rồi lại đứng; hai trạng thái ấy cứ thế luân phiên, kế tiếp nhau trong suốt quá trình sống của mỗi người, trừ trường hợp bị bại liệt.
Đứng không phải là sự tùy tiện, mà cũng phải tuân theo pháp luật. Có những nơi không nên đứng, không được đứng. Nơi treo biển “cấm quay phim chụp ảnh”, mà ta cứ đứng quay phim hay chụp ảnh, là vi phạm. Có chỗ chẳng cấm, nhưng xét thấy chẳng nên đứng, nên dừng, thì cũng lặng lẽ mà đi đi chứ đứng lại, e bị coi là người không tế nhị, thậm chí… thiếu văn hóa.

Đi - càng phải tuân theo pháp luật: phải đi đúng làn đường dành cho mình; cho dù đi bằng chính đôi chân của mình hay đi bằng các phương tiện cơ giới. Vượt đèn đỏ hoặc vượt ra ngoài các hàng cọc tiêu, dải phân cách... sớm muộn sẽ gây tai nạn, sẽ rơi xuống sông, xuống vực. Nghĩa là không được vô phép tắc theo kiểu đường ta, ta cứ đi.

Đứng cũng có nhiều thế khác nhau: Đứng thăng bằng trên dây là thế đứng chênh vênh, chỉ những nghệ sĩ xiếc mới dám làm. Đứng trên vai người khác lại là thế đứng không của riêng nghệ sĩ xiếc, mà người thường nhiều khi cũng áp dụng. Không chỉ đứng, bọn người này còn sẵn sàng đạp lên vai, lên đầu, lên cổ đồng đội để đi tới.

Đứng dạng chân chèo, đứng tấn là những thế đứng chắc khỏe của người lao động và của các võ sỹ. Nhưng đứng một cách thực sự chắc khỏe, dạng chân chèo cũng chẳng bằng, đứng tấn cũng xin thua; đó chính là cách đứng... dựa vào thế người trên nhiều quyền lực!

Đứng núi này trông núi nọ là kiểu đứng thể hiện sự tham lam, không tự đánh giá được mình.

Đứng quay lưng lại thực tế, quay lưng lại nỗi bất hạnh của đồng loại, là thái độ đứng vô trách nhiệm.

Người tự trọng và biết tôn trọng người khác, mỗi lần sắp đi đâu đó, thường đứng trước gương để chải tóc và sửa soạn y phục cho chỉnh tề.

Đứng trước ngã tư đường đời, người khôn ngoan bao giờ cũng thận trọng lựa chọn trước khi quyết định đi tiếp.

Hành vi đứng còn gắn với thái độ ứng xử nữa: đứng thắp hương trước ban thờ gia tiên, cần nhất là lòng thành kính chứ không phải mâm cao cỗ đầy. Đứng trước nhân dân cần sự trân trọng. Đứng trước bề trên phải cung kính lễ độ; trước người dưới phải ân cần chu đáo. Không ỷ quyền thế, tùy tiện huơ chân múa tay, nhất là trước đám đông dân chúng.

Mỗi bước đi, thường có mục đích, vừa thận trọng vừa quyết đoán, giống như người chơi cờ: có nước tiến, có nước đi ngang, thậm chí có nước tạm lùi, lùi một bước để tiến nhiều bước. Đi là phải có đích, phải nhắm tới một cái đích nhất định nào đó. Bước đi vô định hoặc nhắm mắt đưa chân thì sớm muộn cũng gặp tai họa.
Bây giờ ra đường, nhiều bạn trẻ hễ ngồi lên xe là rất thích phóng nhanh và vượt lên trước người khác, cho dù người ấy là ông già bà cả. Vượt thì cũng được thôi, nhưng vượt theo kiểu chèn trước mũi xe người khác, vượt và rẽ ngang mà không thèm có tín hiệu báo trước, thì gây tai nạn là cái khó tránh khỏi. Gây chuyện rồi, đáng nhẽ phải dừng lại cứu hoặc xin lỗi người bị nạn, thì nhiều bạn trẻ lại phóng xe đi và cười hô hố.

Xem thế đủ thấy tư chất của mỗi một con người thể hiện qua đứng và đi! Một khi đã không đàng hoàng trong đi và đứng, thì không thể đàng hoàng trong cư xử, trong ý thức và trong hành động. Một người đi, đứng đàng hoàng, thì bao giờ phong cách sống cũng đàng hoàng. Nói cách khác, muốn biết một người nào đó có phải là con người đàng hoàng hay không, hãy quan sát anh ta đi, đứng có đàng hoàng hay không!
Chúng ta tập đứng, tập đi từ tám, chín tháng tuổi. Lớn lên, lại đi đó đi đây, trong nước, ngoài nước có cả; ấy vậy mà đến già, có khi vẫn phạm lỗi trong đi, đứng; chưa biết đi, đứng thế nào cho phải phép! Quả có thế, xin thưa!



Được sửa bởi hàn phong ngày Sat Nov 07, 2009 10:18 pm; sửa lần 1.

http://thohanphong.blogspot.com/

Hàn Phong

Hàn Phong
Bạn Chí Cốt
Bạn Chí Cốt

NGU LÂU!


Biết, nói không biết - ấy là biết!
(Lão Tử)

Ngu si hưởng thái bình
(Lời cổ)


Ngu đồng nghĩa với dại. Ngược với ngu, dại là khôn. Vâng, “rồng vàng tắm nước ao tù, người khôn ở với người ngu bực mình!”. Lại nữa: “Làm tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại!”. Ca dao xưa đã khẳng định như vậy. Ranh giới giữa ngu và dại là ngố. Dân An Nam ta xưa kia vốn rất tự tin, người ngoại quốc nào sang đến đất nước này cũng bị gọi là ngố: Tầu thì có ngố Tàu, Tây thì có Tây ngố, Nga ngố!

Để diễn tả cái sự ngu, dại, ngố, người xưa đã có rất nhiều hình tượng: dại như vích, ngu như lợn, ngu như bò, ngu như chó... Khi chê bai ai đó một cách nhẹ nhàng, thì nói: “Sao mà cậu dại như con vích vậy?”; hoặc “trông cứ như thằng Tây ngố ấy!”. Còn khi đã ví ai đó “ngu như chó” có nghĩa là đã tức về cái sự ngu của người ấy lắm rồi, tức đến tột đỉnh rồi, không thể chịu được nữa!

Suốt nhiều thế kỉ, dân ta đã dùng những từ ngữ đó để nói về cái sự ngu, sự dại, sự ngố. Như vậy tưởng là đã quá đủ rồi, không khiến ai phải sáng tác thêm làm gì!
Vậy mà mấy thập niên gần đây lại nảy nòi ra một hình tượng hoàn toàn mới: Ngu lâu! Mới nghe thì chả ra làm sao cả, chả có gì đặc biệt cả. Ấy thế mà càng ngẫm, càng thấy thấm thía. Ôi! Sao mà nó đúng đến dễ sợ vậy? Nếu tìm ra được tác giả đích thực của câu nói này, chắc đến phải đề nghị trao tặng bằng “tiến sĩ ngôn ngữ danh dự” cho người đó mất thôi (tiến sĩ danh dự thì không phải làm luận án, không mất công thi cử; hệ quả là không sợ bị gọi là học giả, bằng thật, cũng không bị nghi ngờ chạy điểm, cóp bài!).

Ngu lâu là sự ngu tệ hại nhất trong các loại ngu - tệ hại nằm ngay trong hai cái từ nghe có vẻ vô hại và hơi du dương ấy! Người ngu lâu là người chủ quan nhất trong những người chủ quan: Ngu mà chả bao giờ cho mình là ngu; ngay khi đã nhận ra mình ngu lâu, mà vẫn cứ tiếp tục ngu, cứ ngu một cách vô tư trong suốt cả cuộc đời, ngu như kẻ “mộng du... ngu”, ngu triền miên và đôi khi còn đắc chí nữa! Cái tệ hại của ngu lâu là nó kìm hãm tất cả, cả người bị gọi là ngu lẫn người có liên quan đến anh ta! Đó là sự khác biệt cụ thể nhất của ngu lâu so với ngu như lợn, như bò, hay như chó!

Ngược với ngu là khôn. Song hành với khôn thường là ngoan! Cuộc đời có nhiều minh chứng (tuy không là tất cả) rằng kẻ khôn, thường là kẻ ngoan, chí ít cũng là kẻ biết cách ngoan! Dân gian gọi những kẻ khôn như thế là “khôn long khôn lỏi”, “khôn lọc khôn lõi”! Khi ở đâu đó hình thành hai ba phe phái, mà người phe mình khó thắng người phe đối thủ, thì cách lựa chọn đúng đắn nhất của mỗi phe, là dồn sự ủng hộ của mình cho kẻ ngoan, tức kẻ dễ sai khiến. Thế là ngoan nghiễm nhiên được đa số phiếu! Thực tế cuộc đời cho thấy, đã có không ít kẻ NGOAN leo lên đến tột đỉnh của sự “vinh quang” (!).

Cha ông ta, nhiều khi khiêm tốn cũng tự nhận mình không khôn:

“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao!”


Nhưng đấy chỉ là một cách mỉa mai đời mà thôi. Các cụ đâu có dại? Năm tháng nếm trải mọi cay đắng, ngọt bùi của cuộc sống, mới rút ra được sự “dại” đó. Lớp hậu thế, nhất là khi còn đang ở thời buổi đua chen, đang ở tuổi hăng thi thố để “thiên hạ biết mình là ai”, thì học được chữ “dại” của các cụ là khó lắm lắm! Những kẻ ngu lâu, đâu có được cái cốt cách dại đó của cha ông!

“Khôn ngoan đến cửa quan mới biết!” là một kinh nghiệm đánh giá khôn - dại. Kinh nghiệm này cần nhìn ở cả hai phía: phía quan và phía dân. Được làm quan mà không biết tận hưởng lộc vua là dại, không khôn! Là dân mà đến chỗ công đường không biết biến báo, chạy vạy, không biết phong bao phong bì, có sao khai thật vậy, thì cũng là kẻ khờ khạo, chứ không khôn!

Ở cái thành phố tôi, có tay Nghĩa xe bò nổi tiếng một thời. Anh ta chỉ làm nghề kéo xe bò thôi, vậy mà xây được nhà lầu lúc nào không hay! Cái thời mà tất cả đều là nhà cấp bốn (một tầng trệt, lợp ngói), thậm chí còn tranh tre nứa lá, mà nghe tin Nghĩa ngố xây nhà lầu, lấy mẫu tận Thủ đô, thì chả ngạc nhiên làm sao được? Thực khách dự bữa tiệc mừng nhà mới đều là những người khôn ngoan, rất muốn được Nghĩa ngố giải thích. Rượu vào rồi, Nghĩa mới thủng thẳng: “Có gì đâu, thiên hạ, kể cả các bác đây cũng vậy, đều chỉ thích khoe khôn, chẳng ai chịu nhận mình dại. Thế là Nghĩa này nhận mình dại, mình ngố! Mà đã ngố thì chả thằng khôn nào lại đi tranh giành thiệt hơn với ngố cả, đúng không? Thế là ngố đây vơ tất! Hóa ra chính thiên hạ dại, chính các bác dại, các bác ngố! Ngay như cái việc hôm nay, chỉ Nghĩa ngố này mới dám cả gan làm ngôi nhà lầu to đoành thế này, lại đàng hoàng mở tiệc khao nữa; chứ các bác có của nhiều đến mấy, bố bảo cũng chả dám. Lại không bị thanh tra kiểm tra ngay tắp lự ấy à! Còn Ngố thì chả ai thèm để ý, chả ai thèm chấp! Ai đi chấp với thằng Ngố kéo xe bò cơ chứ?”. Kết thúc buổi tiệc, có người mừng Nghĩa hai câu:

“Khôn như chúng tớ - là khôn dại
Dại kiểu Nghĩa ngố - ấy dại khôn”!

Vậy ra hai chữ khôn, dại ở đời, không phải là chuyện dễ nhận biết! Bởi vốn dĩ, xưa nay: Đời chỉ toàn những người tranh khôn, mấy ai tranh dại như anh Nghĩa ngố ở thành phố tôi? Phải chăng đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của hai chữ “ngu lâu”. Và phải chăng cũng còn bởi lẽ những người ngu lâu như chính người viết bài này, đâu có bao giờ tự cho mình là không... khôn?
Vâng! Không khôn thì, trước sóng gió cuộc đời, làm sao tồn tại đến tận bây giờ chứ?

http://thohanphong.blogspot.com/

Sponsored content



Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết