You are not connected. Please login or register

Phê bình thư pháp – Chuyện của những người thích đùa...

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Hàn Phong

Hàn Phong
Bạn Chí Cốt
Bạn Chí Cốt



Trong lĩnh vực văn học, trước đây có người đã dùng cụm từ “Thực tiễn dáng dao phay” để phê bình cho tập sách “Giấc mơ hình cái thớt” của tác giả nọ. Nay, trong phân môn nghệ thuật thư pháp ở Việt Nam, một phân môn với góc nhìn và chuyên môn khá hẹp không chỉ đối với công chúng, mà còn đối với cả các nhà học thuật, đã manh mún xuất hiện một số “thưa thốt” chẳng nên lời của vài người có mong muốn trở thành “nhà phê bình thư pháp”. Điều đó, thoáng nhìn thì có vẻ thật tuyệt vời, bởi nếu có được một đội ngũ những nhà phê bình thực sự, có học vấn (không phải bằng cấp), hiểu biết thâm sâu các loại hình thư pháp trong dòng chảy đương đại (không phải a dua nói theo), công tâm nhìn nhận ở nhiều chiều hướng khác nhau với nhiều góc độ như: Xã hội học, nghệ thuật học, mỹ học v.v... (không phải những nhận xét cảm tính mù mờ hay “sờ voi nói chuột”)...

Tuy nhiên, thực tế theo dõi các bài viết đăng tải trên một số báo chí và cả những trang web, thì có lẽ phải mượn lời nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, để hiểu rằng, đó là những “cú đấm vào văn hóa” khi tiếp nhận những luận điệu của những nhà phê bình thư pháp.

Những nhà phê... linh tinh!

Câu chuyện có hay không có “Thư pháp chữ Việt” đã từng tiêu tốn khá nhiều bút mực của báo giới, và một số tác giả “đa đề” trong... làng khác tham gia. Nhưng, với tính phổ biến rất cao của chữ quốc ngữ (dễ đọc, dễ hiểu” và những cố gắng không ngừng nghỉ của những người theo đuổi loại hình nghệ thuật thư pháp chữ Việt khắp trong nam ngoài bắc trong những năm qua, cũng như sự chấp nhận của đại đa số công chúng yêu thích, thì nói như ai đó, giá trị thuộc về cái được lựa chọn và nghiễm nhiên, thư pháp chữ Việt, như đã thấy từ thực tiễn, là cái được lựa chọn. Điều đó có vẻ như không thỏa mãn đối với ít người cho rằng, chỉ có chữ Hán mới có thư pháp, hay oách hơn nữa là lời của một số vị có học hàm học vị chuyên ngành ngôn ngữ học là: Vì chữ Hán là chữ tượng hình nên mới có thư pháp, còn chữ quốc ngữ thì không! V.v... Người viết bài này đã từng chỉ ra cái thiếu cơ sở được lấp liếm qua hành vi “cả vú lấp miệng em” của họ, trong bài viết Môi giới ngôn ngữ hay phê bình văn hóa, được đăng tải trên một số website trên mạng internet rằng, trong tổng số các chữ Hán, chữ tượng hình chỉ khiêm tốn chiếm không đầy 1/3 số lượng, còn lại là Chữ Chỉ Sự (指事文字), Chữ Hội Ý (Hội Ý Văn Tự 會意文字), Chữ Hình Thanh (形聲文字), Chữ Chuyển Chú (轉注文字), Chữ Giả Tá (假借文字), thế mà họ vẫn dùng cách của các những người dùng uy quyền tuổi tác, uy vũ danh vị mà phang lên trang viết những câu chữ ngây ngô. Không những thế, gần đây trên mạng www.thuhoavietnam.com còn có người nhào đi nhào lại” những lập luận tương tự. Ấy phải chăng là cái khổ của những người nghĩ mình và tiếng nói của mình là đại diện cho tầng lớp “viết mãi cũng không hơn được cổ nhân”. Hay họ còn có lý do gì đó khó nói ra, tỉ dụ như anh chàng sinh viên báo chí, bữa trước tung hê, hôm sau phỉ nhổ, chỉ vì những thuận nghịch tình cảm cá nhân, còn học thuật thì chẳng biết mô tê? Người viết chẳng dám đoán bừa, nhưng đọc xong những lấp liếm ấy, chỉ thấy bất bình cho những công chúng bị lừa khi mất thời gian và nhầm tin vào cái vỏ bề ngoài sang trọng của những người quen thói “ta nói thì đúng”.

Đáng buồn hơn, có người vì nhiều tuổi, nghỉ hưu, cuối đời lên mạng lướt vài trang web, mua vài cuốn sách thư pháp đọc qua loa, viết vài bài vô thưởng vô phạt được một vài trang web đăng tải, vội nghĩ mình đã là “nhà phê bình thư pháp”, để rồi không ngại ngùng phang túi bụi bất cứ ai, kể cả những người từng viết về thư pháp ở Việt Nam. Khi được mời tham gia hội thảo thì lúng túng chẳng biết nói gì, nói xong được vài câu thì ấp úng sợ người khác đánh giá, nhưng khi về nhà viết lách thì giọng điệu không kém gì một “lão làng” trong nghề, trong khi cây bút lông đặc tính thế nào còn chưa nắm được, lý thuyết về thư pháp Hán cũng chỉ đọc qua văn bản dịch lại của một vài người trẻ; lý luận thư pháp tiền vệ và lịch sử của nó cũng như các tính chất làm nên sức mạnh của loại hình nghệ thuật này như thế nào, cũng chỉ đọc qua vài ba bài viết được dịch lại. Quy trình sáng tác và tinh thần sáng tạohằn ẩn tiền vệ tính trong những tác phẩm ra làm sao cũng chưa một lần được chứng kiến các thư gia sáng tạo và trình hiện (Các thư gia hiện đại Trung Hoa và Nhật Bản); thêm vào đó, là sự nhầm lẫn tai hại (có thể do tuổi tác) rằng, thư pháp tiền vệ là hội họa trừu tượng v.v... những kiến thức sơ đẳng còn chưa nắm vững, nhưng vì muốn thiên hạ biết mình, đã vội vàng thưa thốt.

Nếu như trong lĩnh vực văn chương, người làm phê bình có thể không đồng thời là người làm công tác sáng tác, nhưng bằng kiến thức lý luận được trang bị đầy đủ, cộng với những cảm thụ văn chương sâu sắc, được đào tạo quy cũ để phục vụ cho công tác phê bình, giúp công chúng hiểu rõ hơn về tác phẩm, vạch rõ những giá trị tiềm ẩn trong tác phẩm, hơn thế là định hướng sáng tác, góp phần làm cho các giá trị tác phẩm ngày càng trở nên nhân văn, gần gũi với con người. Nhưng, dù nói thế nào, thì ở lĩnh vực mỹ thuật, đặc biệt là nghệ thuật thư pháp, đòi hỏi người viết phê bình trước tiên phải hiểu rõ về nó, nắm vững những quy luật và sự vận động của các quy luật về phép viết chữ trong từng thời kỳ lịch sử. Tùy theo từng thời, từng đời, và từng tác gia thư pháp nổi tiếng mà chữ được xây dựng “xiêm y” theo hình thể khác nhau, và được đúc kết lý thuyết qua hàng trăm trang giấy, được truyền bá và ứng dụng lan tỏa đến nhiều đời sau cho đến khi có thêm sự “đột phá” nào đó. Không nói đến Trung Hoa, vì đó là đất nước chứa cái nôi của văn hóa thế giới chứ không riêng gì loại hình thư pháp, họ có hàng trăm nhà phê bình, họ có hiệp hội, có pháp nhân pháp quyền, và hơn hết là họ có... học. Còn ở Việt Nam, giới chuyên môn trong làng thư pháp đếm trên đầu ngón tay, sự ngộ nhận đã làm cho nghệ thuật thư pháp trở nên méo mó, dị dạng, thêm vào đó là “đặc tính trội” chẳng thèm nghe ai cũng chẳng muốn nghe nhau. Mạnh ai người ấy nói. Nói sai cũng chẳng ai biết mà cãi. Khiến cho một số kẻ lợi dụng câu chuyện về sự “hỗn mang thư pháp Việt Nam đương đại” được thể nói càn, nói linh tinh, nói cho được nói, cũng chẳng cần biết mình đang nói cái gì.

Tác giả: Trịnh Tuấn
Theo: "trinhtuan.com"

http://thohanphong.blogspot.com/

Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết