You are not connected. Please login or register

Làng võ Bình Định một truyền thống văn hóa

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Hàn Phong

Hàn Phong
Bạn Chí Cốt
Bạn Chí Cốt

Làng võ Bình Định một truyền thống văn hóa
Phần mở đầu

Phương Đông thâm trầm và huyền bí, nơi còn lưu giữ nhiều giá trị tinh thần đặc sắc của nền văn minh nhân loại. Sau một thế kỷ cực kỳ hưng thịnh của nền văn minh kỷ trị phương Tây, thế kỷ 20 người ta đợi chờ và hy vọng, hướng đến phương Đông. “Mặt trời lại bắt đầu từ phương Đông” như dự đoán của nhà sử học Anh Toyn -bee.

Mà chẳng phải đợi đến lúc này, từ lâu, con đường tơ lụa, những thầy Fakia gầy nhom ẩn cư trên những hang động cheo leo Tây Tạng và những lão sư râu tóc bạc phơ náu mình tận lam sơn cùng cốc. Những phép rèn luyện thể chất và tinh thần độc đáo như yoga, như võ thuật… đã có sức hút lạ kỳ với thế giới vốn đang vội vã, quay cuồng và hoài nghi về niềm tin. Con đường tơ lụa, con đường giao thương và buôn bán xưa cũng là chiếc cầu nối Đông – Tây có thể được thay thế bằng những phương tiện văn minh và hiện đại thì võ nghệ vỡi những nét độc đáo của nó vẫn còn nguyên giá trị vừa tinh thần, vừa thực tiễn, bàng bạc sức hấp dẫn của chất huyền bí phương Đông, phương Đông từ Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… đó là chiếc nôi của nhiều nền võ thuật đã phát sinh ra nhiều trường phái, môn phái. Với tư cách là sản phẩm sáng tạo của con người để tự rèn luyện cả về thể chất và tinh thần, võ nghệ mang tải đậm nét những dấu ấn có tính riêng biệt về điều kiện lịch sử - tự nhiên và xã hội cụ thể, tạo thành các bản sắc của các nền văn hóa và võ nghệ thật sự là một bộ phận không thể tách rời của những nền văn hóa dân tộc đó.

Nếu ở Nhật Bản tần lớp samurai (võ sĩ đạo) được hình thành do việc các gia đình quí tộc tuyển mộ quân sĩ để đoạt quyền ở các địa phương thành những lãnh địa trong giai đoạn Heian và ngay từ đầu thế kỷ 13, giai cấp này đã gạt được giai cấp quí tộc vốn đã nắm quyền từ khi thành lập nhà nước Nhật hoàng đầu tiên. Samurai với những tiêu chuẩn đạo lý kết tinh lại vào thế kỷ 17: Có dũng khí tận tâm thờ chúa, bênh vực người thế cô đã in đậm dấu ấn vào văn hóa Nhật Bản thời phong kiến từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 19. Những kỷ luật, qui tắc busiđô được phản ảnh qua mỹ thuật, tôn giáo tạo thành phong cách nghệ thuật dân tộc cổ điển giản dị và khác biệt, với tinh thần Heian trước đó vốn nặng về tình duyên xa hoa, nữ giới, nghệ thuật võ sĩ đạo ở Nhật Bản như là một giai cấp, một tầng lớp xã hội và có ảnh hưởng lớn đến tiến trình văn hóa Nhật Bản.

Ở Trung Hoa tình hình lại khác, những võ sĩ, võ sư tuy không thành một tầng lớp như Nhật Bản song lại được kế thừa từ các môn phái, truyền thừa từ các trường phái bằng những nội qui được giới hạn trong những cá nhân đồng cảm. Từ đó mỗi môn phái, một trường phái có một nhất quán chung. Có thể thấy với những đặc trưng truyền thừa như vậy, võ nghệ Trung Hoa đã mang theo tinh thần văn hóa Trung Hoa luôn có xu hướng phát triển theo chiều dọc thành các trường phái với các tổ sư và môn đệ riêng biệt. Chẳng hạn, Phật giáo Trung Hoa qua nhiều thanh lọc và bồi bổ và các đời Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều, đã dần hình thành hàng loạt các tông phái: Tạm Luận tông, Thiên Đai tông, Pháp Tướng tông… Trong võ thuật là các môn phái Thiếu Lâm, Thái Cực… mà nếu Thiếu Lâm trọng dương thần cương nhanh mạnh thì Thái Cực trọng âm truyền nhu, uyển chuyển, vững vàng. Mỗi trường phái có một thế mạnh riêng và sự phân chia ra thành các môn phái, trường phái chính là một đặc trưng lớn trong võ thuật Trung Hoa.


Biểu diễn bài Hùng kê quyền (Võ phái Tây Sơn Bình Định)

Riêng với Việt Nam – nơi võ nghệ hình thành và phát triển song trùng với lịch sử của những đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, võ nghệ không mang tính bí truyền của một dòng họ, kế thừa của một môn phái, truyền thừa của một trường phái mà được phổ biến rộng rãi trong từng đơn vị cộng đồng và phát triển dọc theo cuộc hành trình của cả dân tộc, võ Việt Nam vốn đã mang sẵn tinh thần yêu nước, thượng võ và tất nhiên do thường xuyên phải kết liền cộng đồng thành một khối để giữ nước mà võ nghệ phải được phổ cập đến từng đơn vị cộng đồng: Làng Việt và từng cá nhân của cộng đồng đó. Có thể thấy tính phổ cập không có xu hướng phát triển thành môn phái, trường phái mà chủ yếu là phát triển theo bề rộng của không gian xã hội, là một đặc điểm có tính độc đáo của người Việt Nam. Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, có đôi lúc, đôi khi bắt đầu có mầm mống phát triển trường phái, môn phái, chẳng hạn trong Phật giáo ta có phái Tỳ Bà Đa Lưu, Thảo đường Trúc Lâm… Song không đều truyền thừa theo lịch sử. Trúc Lâm thiền phái, một trong những phái tiêu biểu cho Phật giáo Việt Nam và thiền tông Việt Nam đã góp phần rất quan trọng vào quá trình chống lại sự nô dịch của văn hóa phương Bắc, nói cách khác là “Giải Hán hóa” và như vậy thiền tông Việt Nam này mang đậm tính dân tộc. Về Phật học, phái này cũng đã đẩy tính chất Phật giáo của Việt Nam lên một bước với tính triết học của mình. Song với vài ba vị Tổ cùng sống một thời, những nhà sư kế tục ít được nhắc đến và mãi 500 năm sau, Ngô Thời Nhậm mới tự xưng là Trúc Lâm đệ tứ Tổ, thì rõ ràng Trúc Lâm thiền phái cũng không tìm thấy con đường truyền thừa nằm ngoài truyền thống vốn không có xu hướng phát triển thành các trường phái của người Việt. Mặc nhiên Trúc Lâm thiền phái đã phải hòa chung vào dòng chung của thiền Việt Nam và giới hạn ý nghĩa như một bước tiến của Phật giáo trong lòng dân tộc.

“Vạn Kiếp bí truyền thư” của Hưng Đạo Vương – một võ thư kết hợp hài hòa giữa thành tựu của người xưa và kinh nghiệm thực tiễn của những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đời Trần, cùng với việc lập các điền trang, thái ấp của các vị vương hầu lúc này đã phần nào cho thấy có thể xu hướng tạo lập những môn phái trong lịch sử võ dân tộc trong thời kỳ này mà tính chất này rất đậm ở hai chữ "bí truyền". Song, dường như Trần Quốc Tuấn, người xây dựng bộ võ như này cũng chưa hẳn có ý định bí truyền, hoặc nếu có cũng không thể bí truyền được bởi một hoàn cảnh lịch sử phải thường xuyên đối mặt với ngoại xâm đang đòi hỏi sự cố kết chung của cả dân tộc. Thực tế đã chứng minh không hề thấy xuất hiện hay tồn tại một phái võ nào trong giai đoạn này.

Hai ví dụ nhỏ, một về lịch sử triết học và tư tưởng, một trong lịch sử võ thuật cho thấy người Việt và dân tộc Việt đã không có truyền thống tạo lập thành các trường phái dòng bí truyền. Quả thật, đến đầu thế kỷ 20 đã có hai môn phái võ ra đời đáng chú ý: Vovinam và Bình Thái đạo. Vovinam ra đời như một tất yếu lịch sử để phản ứng lại chính sách văn hóa thực dân và mang tính thể thao nhiều hơn là tính chất bí truyền của một dòng võ. Với sự kiện năm 1954, khi một số người Việt và phương Nam, phương pháp tập luyện này cũng theo chân đó để rồi tiếp tục sinh sôi nảy nở. Đến năm 1975, lại tiếp tục lan ra nước ngoài rồi phát triển khá lớn mạnh. Tuy vậy! Một phái võ của người Việt nhất thiết phải phát triển trong dòng chảy nội tại của một dân tộc và được người Việt đánh giá và chấp nhận như một tiêu chí thẩm định. Hơn nữa, để hình thành một trường phái rất cần có thời gian trong khi vị chưởng môn đời thứ hai đang có những bối rối về bước phát triển của môn phái mình. Còn “Bình Thái đạo” một môn phái được nảy sinh trên vùng đất võ Bình Định, như lời tự nhận của người sáng lập, lúc đầu chỉ với mục đích truyền bá trong gia đinh dòng họ, song do yêu cầu của nhiều người ông cho truyền bá rộng rãi vào trong từng làng xóm nhỏ. Bình Thái đạo dù với mục đích ban đầu như vậy, song đã phát triển cũng không thể đi ra ngoài qui luật chung của văn hóa Việt.

Võ nghệ Việt Nam như vậy đã bắt mạch từ cuộc sống cộng đồng, ứng xử trước “kẻ thù hai chân và kẻ thù bốn chân” như cách nói của K.Marx, và do yêu cầu tất yếu của lịch sử như vậy, đã lan toả ra với tính phổ cập vào từng đơn vị cộng đồng để tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp chung của cả một cộng đồng dân tộc.

Võ Sư: Nguyễn Vĩnh Hảo
Ủy viên thường trực BCH Liên đoàn võ thuật Bình Định
Chủ Nhân: Bảo Tàng Gốm Cổ Vijaya - Chămpa - Bình Định


(Theo gosanh.vn)

http://thohanphong.blogspot.com/

Hàn Phong

Hàn Phong
Bạn Chí Cốt
Bạn Chí Cốt

Phần thứ nhất

Làng võ Bình Định một quá trình phát triển
I – Quá trình hình thành vùng Lưu Viễn Châu (1471 - 1578) hay thời kỳ manh nha của võ Bình Định

Hướng về Nam, theo bước chân Nam tiến của người xưa, ta đi từ tam giác châu Sông Hồng, qua xứ Thanh, xứ Nghệ, cất bước qua Bình – Trị - Thiên một thời khói lửa để đến với Bình Định…

"Ai vô Bình Định với mình thì vô
Chẳng lịch bằng chốn kinh đô
Bình Định đồng khô cỏ cháy
Năm dòng sông chảy
Sáu dãy non cao”
(ca dao)

Đứng trên mảnh đất đã qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, ta trở ngược thời gian để về với buổi ban đầu, khi người Việt xưa cất bước đến xứ này.

Trước khi có sự hiện diện của cư dân người Việt, Bình Định hãy còn là đất đai của vương quốc Champa, xứ trầm hương nổi tiếng trong lịch sử Vijaya, tên gọi của tiểu quốc – thánh địa Đồ Bàn – thương cảng Thị Nại tựa trên dòng chảy của con sông Côn (tên chữ là Hà Giao). Đất đai Bình Định nằm giữa núi và biển, dải đồng bằng hẹp lại bị chia cắt bởi những con sông chảy dốc. Đây là "vùng đất rời rạc nhất thế giới" (Gonrou) mà bản thân Champa xưa cũng chỉ có mô hình vương quốc theo kiểu mandala với nhiều tiểu quốc. Bình Định nằm gọn trong vùng tự nhiên thứ hai với một dải đồng bằng, tựa lưng vào dãy Trường Sơn, nơi có nhiều sắc tộc ít người khác nhau của hai ngự hệ Nam Á và Nam Đảo cư trú. Chính cái địa hình tự nhiên ấy của Bình Định đã góp phần hình thành tính cách của người Bình Định, văn hóa Bình Định và tất nhiên Làng võ Bình Định sau này.

Trước khi có những đợt di dân chính thức về sau này, người Việt đã có một số ít di tích vào đến đất này. Một số truyện kể dân gian Bình Định vẫn còn lưu giữ những hình ảnh những thương nhân đàng ngoài vào đất này làm ăn buôn bán, trong đó có cả chuyện tình của cô gái Việt Nam với quan trấn thủ Đồ Bàn. Đó là những dẫn chứng cho thấy sự cộng cư Việt - Chăm đã từng diễn ra ở đất này, song có lẽ lúc đó, cư dân người Việt còn quá ít để có thể nói đến sự giao lưu văn hóa.

Năm 1471, Lê Thánh Tông tấn công bằng quân sự vào Champa và chiếm Vijaya, lúc này đã là kinh đô của vương quốc này. Thật ra, trước Lê Thánh Tông, năm 1376 Trần Huệ Tông cũng đã cử 12 vạn quân thủy đánh vào Đồ Bàn, năm 1403 Hồ Hán Thương đem 20 vạn quân vây thành Đồ Bàn hai tháng trời, song các cuộc tấn công này đều thất bại. Chỉ đến năm 1471, sau khi chiếm được Đồ Bàn, Lê Thánh Tông đã sát nhập vùng đất mới này vào đạo Quảng Nam. Lãnh thổ Đại Việt kéo dài đến núi Thạch Bi (nay thuộc Phú Yên), nơi Lê Thánh Tông cho mài vách núi dựng bia đá để chia địa giới với Chiêm Thành, khắc chữ "Chiêm Thành qua đây sẽ bại binh mất nước, An Nam qua đây binh tướng chết bị tan". Đất đai đã mở, vua chia đất này làm ba huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn, đặt phủ Hoài Nhơn. Với sự kiện lịch sử này đã mở ra thời kì di dân kéo dài và liên tục của người dân Việt vào đây.

Năm 1474, chính quyền nhà Lê đưa các phạm nhân tới vùng đất này. Hoài Nhơn khi đó là vùng đất xa nhất để lưu đày tù nhân, họ là tổ tiên của một số còn lại ở Bình Định. Tiếp theo đó, với việc năm 1558, Nguyễn Hoàng cùng với nhiều quan lại, gia đình tới đất Thuận Hóa, đánh dấu một đường phân nước trong hành trình Nam tiến. Việc Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận Hóa chắc hẳn có đem theo nhiều nghĩa dũng, quân lính, quan lại để đem lại cho đàng trong một bộ mặt thay đổi. Chắc hẳn, trong những cư dân theo chân Nguyễn Hoàng vào Nam có khá nhiều cư dân phân tán, những con người không chịu đựng được cuộc sống đàng ngoài với nhiều sức ép đến từ làng nước, những tội nhân và tù nhân, những con người bất mãn với chính sách của chúa Trịnh… Đất mới lại càng có điều kiện để tiếp thêm nhiều cư dân mới. Với Bình Định, năm 1587 khi chúa Nguyễn đặt Lương Văn Chính làm tri huyện Tuy Viễn, chính thức áp đặt một nền hành chính vào vùng đất mà trước đó chưa xa hãy còn là vùng biên viễn này, đã kết thúc thời kì khai phá và hình thành vùng đất Lưu Viễn Châu.

Đất mới với điều kiện tự nhiên, xã hội khác hẳn cái không gian làng xã, ruộng đồng của Bắc bộ, Bình Định nói riêng và miền Trung nói chung đối với cư dân đàng ngoài lúc ấy trước là vùng biên viễn, sau là xứ sở xa lạ với nhiều cái mới. Trụ chân trên một vùng đất dài về bề ngang, hẹp về bề rộng, nhìn ra phía sau là núi, ngóng ra trước mặt là biển mà người Việt từ xưa, vốn đã tự quay mình vào trong cái khuôn khổ chung của tư duy làng xã, đã mất đi tầm nhìn biển nên càng thấy xa lạ, bức bối. Đứng trên đất ấy, những lưu dân xưa đã chấp nhận tồn tại cùng với thiên nhiên.

Cũng cần nói thêm là cư dân Việt khi ấy vốn là tội nhân, lưu dân tứ tán, đặc biệt là xuất phát nhiều từ vùng Thanh - Nghệ nên cái cốt cách ngông nghênh, ngang tàng, có chút khí phách giang hồ hãy còn trong dòng máu. Vào đất mới, họ đem theo cái khí chất ấy cùng những thế võ đất Bắc vào đây để chống chọi cùng thiên nhiên. Đầu óc thực dụng và tính mềm dẻo của văn hoá Việt là lăng kính để họ vừa tiếp thu, vừa sáng tạo ở cư dân bản địa và phát triển nó cho phù hợp với đất mới. Võ Bình Định cũng hình thành chính trong quá trình không từ chối tiếp thu văn hóa đó.

Đã từng cộng sự, dù với số lượng ít cư dân Champa trước đó, mà năm 1471 trước khi tấn công Champa, Lê Thánh Tông kê khai các tội Champa đã phạm, trong đó có tội Việt Nam, người Việt chắc hẳn có tiếp xúc với văn hóa Champa. Đặc biệt là sau 1471, khi vào đất mới, tiếp xúc với di sản to lớn của vùng đất này, người Việt đã nhanh chóng tiếp thu nhiều ảnh hưởng. Tất nhiên, bản thân đất mới với điều kiện tự nhiên khác đã là cơ sở cho sự biến đổi làm cho nền văn hóa Việt phong phú thêm nhiều. "Từ nay sẽ có hai cách thức làm người Việt khác nhau", nói như nhà Việt Nam học Li Tina, và như vậy ngay cả những yếu tố văn hóa Việt khi vào đây cũng được biến đổi đi cho phù hợp. Tìm hiểu võ thuật dưới cái nhìn văn hóa đòi hỏi phải đặt sự hình thành của võ thuật trong diễn trình văn hóa. Do đó, chúng tôi sẽ dừng lại để đi sâu vào một yếu tố có tính tiếp biến văn hóa.

Trong tất cả những thành tố văn hóa, những thành tố văn hóa vật chất ghi dấu sự tiếp biến văn hóa một cách rõ ràng nhất mà trước hết là với người Chăm. Rất nhiều công trình khảo cứu trước đây đã đề cập đến sự ảnh hưởng qua lại Việt - Chăm này. Chẳng hạn, về kinh tế nông nghiệp (tất nhiên vai trò của nông nghiệp so với các ngành kinh tế khác có khác nhau) và do vậy, công cụ sản xuất cũng ảnh hưởng của nhau, nhất là khi cư dân Việt vốn là dân di cư đến một vùng đất mà ở đó còn khá xa lạ với họ nên họ sẽ tiếp thu nhiều yếu tố có tính kĩ thuật của cư dân Chăm trong sản xuất. Lúa Chiêm là một ví dụ tiêu biểu. Ngoài ra, theo một số nhà sử học, cây cày của người Việt đồng bằng sông Hồng và sông Mã vốn phù hợp với đất đai phía Bắc, đã được canh tác hàng ngàn năm nên không mạnh ở đế, có một lưỡi nhỏ và nhẹ để một kéo cũng kéo nổi. Vào đất miền Trung, vừa hẹp, cứng, lại dày cỏ nên cây cày của người Việt tiếp thu cây cày của người Chăm và cải tiến đi. "Người Việt đã chế thêm một cái nang để điều chỉnh góc và biến cây cày này thành một loại cày mới. Các bộ phận của cây cày của Chăm đều giữ lại tên gọi của tiếng Chăm như Pah lingal, lưỡi xới, Iku chỉ tay cầm, Thru chỉ lưỡi nang hay tế nang". Ngoài ra, văn hóa Chăm còn ảnh hưởng nhiều đến đời sống người Việt. Chẳng hạn từ ăn gả đến cách thức đội khăn, chôn cất người chết trong huyệt kiểu Chăm, mẫu ghe bàu ở đàng trong thế kỷ 16 đến 19… Để đi sâu hơn vào ảnh hưởng của văn hóa Chăm với người Việt ở vùng Bình Định, chúng tôi tập trung vào một số yếu tố chính và có thể còn thấy rõ ở trên đất Bình Định hiện nay. Trước hết, xin bắt đầu từ ngôi nhà lá mái - một sản phẩm độc đáo của văn hóa cư trú, kiến trúc của người Bình Định. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những nét giống giữa nhà lá mái với nhà của người Chăm Thuận Hải hiện nay, mà trong trí nhớ của cư dân Chăm Thuận Hải thì đều do thợ Bình Định xây cất. Đó là lẩm đất, một sáng tạo độc đáo để vừa phòng hỏa, vừa để giữ ấm nhà vào mùa đông và mát về mùa hè. Độc đáo hơn, trong kiến trúc nhà lá mái còn có bộ phận chày - cối là hình tượng linga - yoni của người Chăm. Mà đâu phải đơn giản chỉ là sự giống nhau, ngay trên những lá bài của môn nghệ thuật đánh bài chòi của người Bình Định có con Nhứt nọc biểu hiện linga và Bạch huế biểu hiện yoni. Nghệ thuật hát bội của người Việt khi theo chân lưu dân đất Bắc vào vùng này cũng chịu ảnh hưởng của múa Chăm và tạo thành một dòng hát bội xuất sắc.

Đâu chỉ phải tiếp thu, người Việt khi vào đất mới đem theo trong hành trang của mình bề dày truyền thống. Những thành tố có sẵn đó khi gặp điều kiện tự nhiên - xã hội khác biệt, tiếp xúc với một nền văn hóa khác biệt thì cũng có thêm những nét khác biệt thật lạ và độc đáo so với chính thành tố đó ở đất Bắc. Ở đây, chúng tôi muốn nói đến chính chiếc bánh gai (Bắc bộ) và bánh ít lá gai nổi tiếng của đất Bình Định. "Muốn ăn bánh ít lá gai, lấy chồng Bình Định cho dài đường đi" - câu ca xưa đã hát vậy. Song bánh ít, kể từ cách chế biến bột, nhân, cách gói đều có nét giống chiếc bánh gai miền Bắc. Cái khác ở đây là hình dáng chiếc bánh.

Làng võ Bình Định một truyền thống văn hóa 20070810_1_1
Trống trận Tây Sơn - Ảnh: Nguyễn Vĩnh Hảo

Nếu chiếc bánh gai Bắc bộ qua mấy lần lá gói, dẹt và phẳng giống như chiếc yếm đào của người phụ nữ đất Bắc, cốt che đậy hơn là nâng đỡ, thì chiếc bánh ít Bình Định lại nhọn lên thật gợi cảm. Nhìn chiếc bánh ít, ta liên tưởng tới những cô gái Champa, những vũ nữ apsara với bộ ngực tròn đầy, căng phồng và nhọn dập dìu theo từng điệu múa vũ trụ. Có lẽ, đến ngay chiếc bánh cũng đã mang theo trong về cái quan niệm riêng về vẻ đẹp, nơi che đậy, kín đáo; nơi thì nâng đỡ, ngợi ca, song lại không hề phàm tục mà linh thiêng đến chừng nào. Chiếc bánh gai dẹt và phẳng đã phải nhượng bộ trước thiên nhiên nắng và gió để vươn lên như tượng trưng của sức sống mãnh liệt và kiên cường của người dân xứ nẫu.

Không có ý định đi sâu vào những sự ảnh hưởng, giao thoa văn hóa Việt - Chăm, tất cả những ví dụ trên đây của chúng tôi chỉ nhằm chứng minh cho một sự thật, rằng văn hóa và lối sống với các thành phố luôn chịu ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên - xã hội, sự giao thoa của văn hóa. Nó là thể vận động, và không khác, võ - với tư cách là thành tố của văn hóa ứng xử, một sáng tạo sản phẩm của con người cũng không đi ngoài qui luật đó.

Võ đã theo những lưu dân Việt vào đất Bình Định này có lẽ từ những ngày đầu tiên ấy bởi những lưu dân, thường là tội lưu, giang hồ khách hay nghĩa dũng theo chân các vị quan lại cùng Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm đất mới. Những thế võ, động tác võ cũng được biến đổi, trước hết là cho phù hợp với điều kiện tự nhiên của dải đồng bằng hẹp, ven biển, không có đất đai như Bắc Bộ. Sau nữa là ảnh hưởng của văn hóa bản địa. Võ Bình Định hình thành từ sự biến đổi đó.

Trong hai yếu tố trên, ở yếu tố thứ nhất, võ đã không còn thuần túy là những động tác rèn luyện thể chất, tinh thần, kỹ năng chiến đấu cụ thể, trước hết là chống chọi cùng thiên nhiên, sau là với thế lực phía Bắc - đằng ngoài của họ Trịnh. Đây là chuyện về sau. Còn yếu tố thứ ba, như PGS Cao Xuân Phổ đã phân tích và gợi ý: Khi quan sát "Cô gái Trà Kiệu": "Tay phải sắp tung ra, như để tấn công. Tay trái sắp quét qua thân dưới, như để tự vệ. Thì ra hai cánh tay mềm mại của cô gái Trà Kiệu lại là một thế võ. Ít nhất thì tôi cũng nghĩ thế. Một thế võ tuyệt diệu. Càng tuyệt diệu là người nghệ sĩ Chăm đã chọn, để thể hiện thế võ ấy, phút giây bi tráng nhất. Sắp tung ra, nhưng chưa tung. Sắp quét về, nhưng chưa quét. Chưa. Nhưng sắp. Vì thế mà mềm, mà uyển chuyển. Nhưng lại rất căng, rất mạnh. Tưởng như bất động. Mà đấy là chuyển động" (1) . Chưa nói đến sự chính xác hay không chính xác của liên tưởng nói trên, nhận xét này của PGS Cao Xuân Phổ đã là một gợi ý tuyệt vời cho việc tìm hiểu những ảnh hưởng của Văn hóa Champa vào võ Bình Định. Chắc chắn là khó, song mức độ thế nào, ra sao còn đòi hỏi phải có sự hợp lực của nhiều nhà khoa học ở nhiều ngành.

Thời kỳ hình thành Lưu Viễn Châu (1471 - 1578), võ Bình Định khi manh nha ra đời đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Champa bản địa trong việc hình thành những thế võ, động tác võ. Võ Bình Định tiếp thu văn hóa Chăm, điệu múa Chăm với nhiều động tác tay, đã phát triển hơn, đặc biệt là ở những kỹ năng chiến đấu. Ngoài ra, trong thời kỳ này, văn hóa của các dân tộc thiểu số quanh vùng Bình Định chưa có nhiều ảnh hưởng và sức tác động cũng chỉ giới hạn ở tinh thần thượng võ, chiến đấu để bảo vệ bản làng. Ảnh hưởng mạnh hơn, nếu có, chỉ có thể ở giai đoạn sau khi nhà Nguyễn bắt đầu chính sách phát triển phía Tây; đặc biệt là khi nhà Tây Sơn ra đời, dựa trên rất nhiều vào các cư dân Thượng, Tuy, Srông… vẫn còn cư ngụ nhiều quanh các dãy núi phía tây huyện Tuy Viễn. Không gian xa, sự trộn lẫn về nếp sống, môi trường sống có thể là yếu tố quan trọng nhất để cư dân Việt tiếp thu được những ảnh hưởng mạnh mẽ sau này.

Trên đây, chúng tôi đã trình bày thời kỳ manh nha của võ Bình Định trong giai đoạn hình thành vùng Lưu Viễn Châu từ cái nhìn tiếp xúc, giao lưu văn hóa. Tất nhiên, chưa đủ cứ liệu vật chất để đi sâu hơn, chúng tôi chỉ tạm dừng ở những nét sơ khởi nói trên ngõ hầu chỉ ra được một cách vắn tắt sự ra đời tất yếu của võ Bình Định như là một sản phẩm của cư dân Việt trên một nền tảng khác biệt về tự nhiên - xã hội.

Với những bước đi sơ khởi, manh nha đó, tất nhiên ta chưa thể nói về sự xuất hiện của làng võ Bình Định. Có chăng, võ Bình Định lúc này dừng ở một số thế võ, động tác ứng dụng trong lao động, chiến đấu được truyền bá rộng rãi, phổ biến trong cư dân đất mới như một thứ vũ khí đắc lực của họ. Đây chính là cơ sở để sau này, trên cơ sở sự phổ biến đó, làng võ Bình Định mới ra đời và phát triển. Bởi vậy chúng tôi xem đây chỉ là thời kỳ manh nha của võ Bình Định và làng võ Bình Định.

Võ Sư: Nguyễn Vĩnh Hảo
Ủy viên thường trực BCH Liên đoàn võ thuật Bình Định
Chủ Nhân: Bảo Tàng Gốm Cổ Vijaya - Chămpa - Bình Định


(Theo gosanh.vn)

http://thohanphong.blogspot.com/

Hàn Phong

Hàn Phong
Bạn Chí Cốt
Bạn Chí Cốt

II. Thời kỳ cát cứ của các chúa Nguyễn (1578 - 1771)
Những cơ sở của sự hình thành Làng võ Bình Định.

II.1. Con sông Gianh đã chia đôi miền Nam - Bắc, Đàng trong - Đàng ngoài, Chúa Trịnh - Chúa Nguyễn. Cùng với điều đó, văn hóa Việt Nam lại có thêm nhiều điểm riêng biệt của Vương quốc phía nam.

Ở Bình Định, sau khi thiết lập nên nền hành chính, vào năm 1578 Nguyễn Hoàng bổ nhiệm Lương Văn Chính làm Tri Huyện Tuy Viễn; người Việt lập làng ở cả hai bên đèo Cù Mông, xóa vùng đệm thời Lê Thánh Tông. Đất Bình Định của Lưu Viễn Châu nay đã được đưa vào đạo Quảng Nam, thời kỳ cát cứ của các chúa Nguyễn trên vùng đất này kéo dài hơn 190 năm cho đến khi cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn nổ ra chiếm lấy Quy Nhơn làm thủ phủ. Thời kỳ lịch sử này, kéo dài gần 2 thế kỷ với bao biến động về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, đã có tác động quan trọng đến những bước hình thành đầu tiên của Làng võ Bình Định.

Năm 1602 chúa Nguyễn cho đổi tên phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn, từ đây xuất hiện danh xưng mà sau này trở thành thành phố tỉnh lỵ của Bình Định. Lúc đó là tên gọi của một đơn vị hành chính có địa giới tương ứng với tỉnh Bình Định ngày nay. Từ "Hoài" đến "Quy" từ "nhớ người" đến "người về", từ Hoài Nhơn đến Quy Nhơn, vùng đất lịch sử này đã bước sang giai đoạn mới về phát triển mạnh mẽ, quy tụ nhân tâm cũng như quy tụ nhân tài và vật lực để phát triển. Đất đai đã được khai phá, dân nghèo đàng ngoài đang phiêu tán hướng vào nam tìm đường sống. Năm 1608 Thanh - Nghệ đói to mà Quảng Nam (gồm cả Quảng Ngãi, Bình Định) được mùa, dân nghèo bỏ quê hương di cư vào nam ở lại đất Quảng sinh sống. Qua việc di dân trong sự phát triển của dân số ở đây "dù chưa có một số liệu cụ thể nào, song có thể thấy rõ sự phồn vinh của Bình Định từ thế kỷ thứ XVI, XVII đến XVIII qua hoạt động của các thị tứ, phố cảng bên đầm Thị Nại: cửa Kẻ Thử - phố cảng Nước Mặn. Số dân di cư này do sức hút từ vùng đất trù phú, "Đất ở đây đen và xốp. Phan Định có giống thủy sư. Tư Minh sản xuất tơ và đay, tre vàng, chim yến đỏ. Miêu Sơn sản xuất thứ lụa thâm, Xích Bả Khánh Danh Sơn có thác đá" (Nguyễn Trãi - Dư địa chí). Ngoài nguồn lưu dân năm 1648 sau khi chúa Nguyễn bắt được 3.000 tù binh quân Trịnh, Nguyễn Phúc Lan chỉ trả 60 võ quan ra bắc, còn lại giữ tất cả. Đại Nam thực lục tiền biên có chép lời chúa Nguyễn: "Hiện nay từ miền Thăng, Điện trở vào nam đều là đất cũ của người Chàm, dân cư thưa thớt, nếu đem chúng vào đất ấy, cấp cho canh, ngư, điền, khí chia ra từng bộ, từng xóm, tính nhân khẩu cấp cho lương ăn để sung khai khẩn ruộng hoang, thời trong khoảng mấy năm, thuế má thu được có thể giúp quốc dụng và sau 20 năm, sinh sản ngày càng nhiều, có thể cho vào quân số, có gì mà lo về sau". Với chủ trương như vậy, số tù binh bắt được của đàng ngoài được chia ra 50 người một nhóm đưa vào Quy Ninh. Họ được cấp cho lương ăn, được các gia đình giàu có bỏ thóc ra cho vay mượn và ưu tiên cho khai thác các nguồn lợi núi đầm để sinh sống. Với quyết định này, từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú yên đã có thêm 600 làng mới và "Từ đó miền Thăng, Điện vào tới Phú Yên làng xóm liền nhau" (Đại Nam thực lục).

Niên hiệu Thịnh Đức (1653 - 1657), quân Chúa Nguyễn lại tiến công ra Nghệ An đánh chiếm khu vực sông Lam, bắt được một số dân Nghệ An, Hà Tĩnh đưa vào Nam. Các tác giả "Di dân của người Việt từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIX" (Đặng Thu chủ biên) đã dựa vào các tư liệu địa phương ở các huyện Tây Sơn, Tuy Phước, An Nhơn cho rằng "Những tù binh này đã lập ra các vùng đất Tây Sơn hạ đạo và Tây Sơn thượng đạo. Tây Sơn hạ ở đèo Mang (đèo An Khê), một vùng bán sơn địa ven sông Côn, chủ yếu cư dân làm nông nghiệp và lập chợ buôn bán. Tây Sơn thượng đạo ở phía tây đèo Mang". Các tù binh được tu cự trong hai điểm là An Khê và Cửu An, hai điểm này cách nhau khoảng 10km, đây là vùng đất tốt, có nước sông Ba thuận tiện để cày cấy, làm nông nghiệp mà cũng theo tư liệu của địa phương cho biết họ có gốc là dân xứ Nghệ. Trong đợt chuyển cư này, "Tổ tiên nguyễn Văn Nhạc là người huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An. Trong khoảng niên hiệu Thịnh Đức, nhà Lê, ông tổ bốn đời của Nguyễn Văn Nhạc bị quân ta bắt, cho ở đất Tây Sơn" (Đại Nam chính biên liệt truyện).

Làng võ Bình Định một truyền thống văn hóa 20070818_1_3
Ảnh: Nguyễn Vĩnh Hảo
Long Vân Khánh Hội (Chiếc đĩa vẽ Chàm 34cm, giả thuyết
là quà tặng của vua Càn Long tặng vua Quang Trung)

Đất Quy Nhơn - quy tụ con người, quy tụ và hỗn dung nhiều tầng - nền văn hóa đã là cơ sở của sự tạo lập đất mới. Dưới chính quyền Chúa Nguyễn, với vị thế đặc biệt của mình - cửa ngõ nhìn ra biển Quy Nhơn, nơi đây đã sớm thiết lập cơ chế quản lý hành chính. Cơ sở kinh tế của thời kỳ cát cứ này là ruộng "Bán bức tư điền", dấu ấn tư hữu hóa của thời khẩn hoang và từ Quảng Nam trở vào ở những nơi gần núi, ven biển Chúa Nguyễn cho đặt các thuộc. Thuộc bao gồm nhiều thôn, phường, nậu, man (tức là nơi định cư lập làng canh tác nông nghiệp). Theo Nguyễn Đăng Đệ, ký lục chính định khi tuần xét Quảng Nam năm 1726, thì Quy Ninh có 13 thuộc (Chuyển dần từ lịch sử thành phố Quy Nhơn. Đỗ Bang, Nguyễn Tấn Hiểu. Nhà xuất bản Thuận Hóa 1998). Thuộc, một đơn vị quản lý cấp cơ sở, là kết quả của quá trình cộng cư của các chủ sở hữu được thiết lập trên cơ sở sự thúc đẩy của chính sách khai hoang. Chính cơ sở quan trọng này đã cho làng Việt ở Trung bộ nói chung và Bình Định nói riêng một đặc điểm quan trọng - đó là tính tư nhân hóa ngay từ đầu và xu thế tư hữu hóa mạnh trở thành sở hữu chính của quỹ đất.

Như vậy, bước sang thời kỳ cát cứ của các chúa Nguyễn, đất Quy Nhơn mới có đủ điều kiện quy tụ nhân tài, con người từ nhiều nơi để tạo cho vùng đất này sự phát triển khá toàn thịnh. Cư dân đến đây là những tù nhân, tù binh, ngoài ra còn có những người dân lưu tán do nạn đói, do bất đắc chí, trong số đó có Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Tiến… Về sau này có Trương Văn Hiến (giáo Hiến) và cả những người Minh Hương. Vào thế kỷ thứ XVII khi Trung Quốc có biến loạn, nhà Thanh thay thế nhà Minh thống trị Trung nguyên, nhiều cựu thần nhà Minh, những toán quân có mộng ước "Phản Thanh phục Minh" đã rời bỏ đất nước chạy sang Đại Việt. Ở phủ Quy Nhơn, người Hoa nhập cư vào các làng Cảnh Hàng, An Thái, Nước Mặn… Gia phả các dòng họ người Hoa ở phủ Quy Nhơn, họ Lâm, họ là người Hoa nhập cư vào khoảng thế kỷ XVII - XVIII. Người Hoa nhập cư chủ yếu là buôn bán và làm nghề thủ công. Có thể hình dung bước đi của người Hoa vào Bình Định, buổi đầu tập trung ở các thị tứ Nước Mặn vốn rất phồn vinh đồng thời với Hội An (Quảng Nam), Thanh Hà (Huế) vào thế kỷ thứ XVII-XVIII. Phố cảng Nước Mặn nay không còn, song trong các tài liệu Xứ đàng trong 1621 của Christopher Borri, P. B. Lafont, Poivre… đều có sự mô tả về phố cảng này với sự phồn thịnh hiếm thấy nhờ thương mại mà trong đó, thương nhân chủ yếu là người Hoa bên cạnh người Việt, nhưng người Hoa có truyền thống về thương mại hơn và họ lập các làng Minh Hương với các tên tuổi còn lưu trong ký ức dân gian. Họ Ngụy - một dòng họ nhiều hiệu buôn, đại phú thương, Khách Sáu chuyên buôn bạc. Nước Mặn suy tàn vào thế kỷ XIX và cư dân chuyển sang Gò Bồi, Cảnh Hàng, những thị tứ hình thành trong điều kiện phát triển thương nghiệp song không phồn vinh như Nước Mặn trong thế kỷ XVII-XVIII. Hội quán Xuân Hòa, chùa Hội Khánh… là dấu tích để lại của người Hoa. Nước Mặn - Gò Bồi, cư dân Minh Hương còn lên Cảnh Hàng, An Thái tạo thành những dòng họ, mà đậm nét nhất hiện nay vẫn còn dấu tích của những làng thương nghiệp Cảnh Hàng, An Thái có tính phố chợ của người Hoa.

Người Việt và người Hoa ở quanh đồng bằng Bình Định tạo thành một sắc thái đa văn hóa ở đây; sự tiếp thu các yếu tố văn hóa, trong đó có võ nghệ, chủ yếu thông qua cộng cư và thương mại. Đối với Nguyễn Hoàng, người có công lớn trong công cuộc Nam tiến của dân tộc, thì tầm nhìn của ông đã mở, không chỉ có bó hẹp trong không gian làng xã xưa. Lời trối trước khi chết của Nguyễn Hoàng cho thấy tầm nhìn rất xa của ông "đất Thuận Quảng phía bắc có Núi Ngang (Hoành Sơn) và sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và núi Đá Bi (Thạch Bi Sơn) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối. Thật là đất dụng võ của người anh hùng". Tầm nhìn ấy đã mở đường cho chiến lược với vùng cao nguyên của họ Nguyễn, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của thương mại trong thời kỳ này.

Ai về nhắn với nậu nguồn
Măng le gùi xuống, cá chuồn gửi lên

Câu ca dao của người Việt Nam trong vùng Quy Nhơn đã phản ánh sự giao lưu buôn bán giữa người Việt với người vùng cao mà An Khê khi đó là nơi tập trung thương mại của Quy Nhơn với nhiều mặt hàng quí hiếm như gỗ, trầm hương, ngà voi và các sản phẩm khác như trầu cau, mật ong... Một nhân tố gần gũi giữa Việt và Bana đã xuất phát từ đây. Người Việt gọi sự buôn bán, giao thương này là "đi nguồn", nghĩa là đi và thu gom những gì quí báu ở miền núi và qua đó cũng tiếp xúc với văn hóa của các cư dân vùng cao, tiếp thu truyền thống thượng võ của họ và sau này đến thời Tây Sơn, ba anh em Nhạc, Huệ, Lữ đã biết dựa vào người Thượng để làm chủ Tây Sơn thượng đạo. Chính sách của họ với Tây Nguyên là tìm cách liên minh bằng hình thức hôn nhân và chính điều này đã tạo cho họ đứng chân vững chắc, đương đầu với thế lực họ Trịnh đàng ngoài.

Làng võ Bình Định một truyền thống văn hóa 20070818_1_2

Tác giả đọc tham luận - Ảnh:Nguyễn Đình, báo Sài Gòn Tiếp Thị

Sự cộng cư của người Việt và các dân tộc bản địa, người Thượng cũng như người Minh Hương sau này chúng ta có thể hình dung được: Người Việt chiếm giữ ở các vùng đất bằng ở hạ nguồn và cửa biển, do quá trình chuyển cư bằng đường thủy cũng như đường bộ đã tiến dâng lên dọc sông, sát cánh với các dân tộc khác ở cao nguyên. Người Hoa vào vùng Bình Định bắt nguồn chủ yếu bằng đường thủy, chiếm cứ những vùng đất thuận tiện trong việc phát triển thương mại dần lên dọc sông tiến tới đầu nguồn, hình thành những làng công thương đặc trưng mang dấu ấn người Hoa. Ở Bình Định có thể thấy vai trò của con sông Côn, tạo thành những đợt chuyển cư tiến dần lên đầu nguồn từ Kẻ Thử, Nước Mặn, Gò Bồi, Cảnh Hàng, An Khê với các thương nhân Hoa tạo thành đời sống phồn thịnh giữa miền ngược và miền xuôi và sự phát triển giao lưu cũng song hành trong bước đi, để rồi hội nhập với các sắc tộc khác ở vùng cao nguyên miền núi. Một yếu tố khác đã góp phần tạo cho đàng trong, trong đó có Bình Định sự phát triển giao lưu cởi mở là sự vươn mạnh của "Thương mại". Ngoài Nước Mặn - phố cảng quan trọng và Gò Bồi - thị tứ khá phát triển là các thương nhân người Hoa, Hà Lan, Nhật… vào đây buôn bán. Họ Nguyễn đã mở rộng cửa cho thương nhân người Hoa, người Nhật vào buôn bán và chính tại phủ Quy Nhơn, hai linh mục người Âu đã Latinh hóa Tiếng Việt đầu tiên… (Phương Tây với miền Trung, Nguyễn Xuân Nhân, Tạp chí Xưa và Nay, 6/1997).

Chính tất cả những tiền đề cơ bản ấy đã tạo cho phủ Quy Nhơn xưa một thế linh hoạt của phép ứng xử văn hóa. Họ đã thâu nhập, tiếp nhận và Việt hóa để góp thêm vào vốn văn hóa Việt Nam mang đi trong hành trình xây dựng vùng đất mới. Song tất cả dẫu sao cũng chỉ là tố chất nền để có cơ sở cho sự ra đời Làng võ, ngoài ra còn cần những yếu tố trực tiếp khác mà trước hết là chính sách của những vị đại quan, những tay kiệt thiệt giúp Chúa Nguyễn đang ngụ cư trên đất Bình Định. Trước hết là chính sách của Nguyễn Hữu Tiến, Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Giật.

Đào Duy Từ là cha đẻ của hai bức lũy ở Quảng Bình nhằm chặn lại bước tiến của quân đàng ngoài và Bộ binh thư Hổ trướng khu cơ đã dạy tướng sĩ đàng trong cách bài binh bố trận. Đây là một sáng tạo của quân sự - võ học lớn của Việt Nam đầu thế kỷ thứ XVII, gồm ba quyển Thiên - Địa - Nhân với 17 chương, 37 điều giới thiệu những phương pháp thực hành quân sự trong mưu toan cát cứ lâu dài, đối đầu với nhà họ Trịnh. Nhìn chung Hổ trướng khu cơ là một bộ sách hướng dẫn tỷ mỷ các trận đồ - trận pháp, cách sử dụng và chế tác binh khí, thể hiện một cách rõ ràng binh chế, binh pháp của chúa Nguyễn, song chưa thấy sự phát triển của võ nghệ lúc này. Bên cạnh Hổ trướng khu cơ, Đào Duy Từ còn giúp chúa Nguyễn nhiều ý kiến, phương sách ngoại giao, đặc biệt là về chấn chỉnh phong tục, chính sách thuế khoán, ruộng đất, trong những ngày đầu khai nghiệp và chắc chắn là có ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế xã hội đàng trong.

Nguyễn Hữu Tiến lại là một người đưa ra chính sách võ nghệ "Cho con em dân được đi thi võ". Chính sách này là nền tảng cho võ nghệ từ đất Bắc vào lúc đó chỉ tồn tại trong quan lại, ưu binh, hòa vào dòng võ dân gian đã được cải biến cho phù hợp với điều kiện sinh thái - văn hóa xã hội đàng trong. Tất cả những chính sách này cũng như việc cởi mở về thương mại, kinh tế xã hội, quân đội và võ thuật là tiền đề hình thành của võ nghệ, võ Bình Định. Nói đến võ, không thể tách ra khỏi những chính sách chung về quân đội và tổ chức quân đội của chúa Nguyễn. Chính các chính sách chiêu mộ càng nhiều càng tốt để gia nhập quân đội và đặc biệt như Li tana đã nhận xét: "Hẳn là sẽ khó khăn đối với chính quyền họ Nguyễn nếu chỉ nói đến "Quân" mà không có "Dân" hoặc ngược lại, cả hai gần như là một vậy. Về việc sử dụng từ "Quân" - "Dân" thường xuyên trong tiền biên để chỉ người dân đã tạo thuận lợi cho sự phát triển võ nghệ. Chiến tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài nửa thế kỷ hơn thế nữa đã tác động mạnh đến sự phát triển các lực lượng vũ trang mà chúa Nguyễn chỉ bằng một phần tư chúa Trịnh. Phải nói rằng bản thân chúa Nguyễn càng về sau càng có nỗ lực xây dựng, chính xác hơn là chuyển từ chính quyền quân sự sang dân sự, song đã bị gián đoạn vì chiến cuộc Tây Sơn. Bởi thế, văn quan và các viên chức dân sự buổi đầu chỉ là phụ tá cho võ quan và việc phát triển quân chính qui cũng như quân địa phương (Thổ bình - Địa phương quân hoặc Thuộc binh - Quân phụ thuộc) lại chính là yếu tố tạo thành cơ sở cho sự lan tỏa của võ nghệ trong dân chúng. Tổng hòa tất cả những điều kiện, nhu cầu tất yếu đó là cơ sở, tiền đề cho sự ra đời mạnh mẽ của võ nghệ đàng trong giai đoạn này, cụ thể là võ Bình Định mà chúng ta sẽ đi sâu vào phần sau.


Võ Sư: Nguyễn Vĩnh Hảo
Ủy viên thường trực BCH Liên đoàn võ thuật Bình Định
Chủ Nhân: Bảo Tàng Gốm Cổ Vijaya - Chămpa - Bình Định


(Theo gosanh.vn)

http://thohanphong.blogspot.com/

Hàn Phong

Hàn Phong
Bạn Chí Cốt
Bạn Chí Cốt

II.2. "Hoành sơn nhất đái, khả dĩ dung thân", Nguyễn Hoàng lĩnh căn ý sâu xa đã thành công ở nước cờ: xin trấn thủ Thuận Hóa, vùng Viễn Châu xa xôi để rồi lấy con sông Gianh chia đôi bờ..

Biên giới tự nhiên này tạo thành ranh giới: có một văn hóa Việt Nam phía nam với những yếu tố mới phát sinh làm phong phú cho dòng chảy văn hóa, tiến trình văn hóa chung của dân tộc, trong đó có võ nghệ Võ nghệ - dường như đó là hệ quả của cuộc sống mới trên vùng đất mà lúc đầu còn khá xa lạ với người Việt. Có thể? khi ấy, với cư dân Việt, khi đến đất Lưu Viễn Châu hãy còn cái cảm giác mà sau này thấy lại khi khai phá đất Nam Bộ.

Xứ đâu có xứ lạ lùng
Con chim kêu (tôi) phải sợ, con cá vùng (tôi) phải kinh

Đất Bình Định hẹp về bề ngang, lại chia cắt bởi dãy núi lan ra đến tận biển, song cái nhìn ngút ngàn của biển cả không cho ta thấy cái chật hẹp của dải đất vốn hẹp. Tầm nhìn của người hướng ra biển, vọng lên cao nguyên. Với thế đất ấy, con người ấy, tất nhiên, võ Bình Định cũng không thể khác. Sông Gianh cắt chia đôi đàng: Đàng trong - Đàng ngoài. Và Võ - theo chân người đi mở đất vào nam - là võ nghệ của người Việt…

Nhìn lại phía Bắc, Đàng ngoài, lúc này môn vật đã phát triển mạnh. Vật - một hình thức quan trọng đối với đời sống cư dân Việt: rèn luyện thể chất khỏe và rèn luyện tinh thần. Nó tồn tại trong dân gian với các lò vật, làng vật như Trà Lũ, Liễu Đôi…, đã tạo được nhiều đô vật có tiếng ngay từ thời Lê sơ.

Ba năm làng mở khoa thi
Đệ nhất thi vật, đệ nhì thi bơi
Đệ tứ thi đánh cờ người…
(Câu ca vùng Tức Mặc - Nam Định)

Vật trong các lễ hội như vậy chủ yếu là đấu thi, đấu cho đẹp, đấu theo qui ước, sau mới là giật giải quyết liệt. Có thi, có người tài thì được phong làm trạng vật như Vũ Phong, Lê Như Hổ, Nguyễn Doãn Khâm… thời Lê sơ và Mạc. Vật bên cạnh thi đấu còn là để rèn luyện sức khỏe, tinh thần, từ đó góp phần tạo thành một ý chí phản kháng trong nhân dân. Nguyễn Hữu Cầu (thế kỷ XVIII), người Lôi Dương (Hải Hưng), giỏi đánh vật và khỏe mạnh đã tham gia làm tướng trong cuộc khởi nghĩa Nguyễn Cừ là một ví dụ.

Bắc sông Gianh là vật thì Nam sông Gianh là võ. Nếu vật tạo lực bằng nguyên tắc đòn bẩy, có sự va chạm giữa các đối thủ để tạo điểm tựa, triển khai sức mạnh hạ đối thủ, thì võ là ém lực tung đòn, tăng tốc hơn. Võ với thân pháp di chuyển tạo phương vị nhằm tiếp xúc đối phương, phối hợp có cước pháp, thủ pháp, quyền pháp, thân pháp, thì vật chủ yếu là định vị trên đôi chân tạo thế, dùng lực đôi tay để hạ đối phương. Điều này cũng thể hiện đặc tính văn hóa của từng vùng đất khác nhau. Đàng ngoài, vùng ruộng đồng Bắc bộ, tuy là rộng mà kỳ thực là hẹp bởi người Việt khi ấy, sau một thời kỳ Đông Sơn, đã phát triển mạnh mẽ giao lưu văn hóa, trống đồng Đông Sơn đã có mặt ở hầu khắp Đông Nam Á. Qua một ngàn năm Bắc thuộc, người Việt tự co cụm vào các làng để làm pháo đài chống lại sự nô dịch văn hóa. Lúc này, người Việt với tư duy tiểu nông, cố kết với làng xã ấy nên tầm tư duy không vượt quá lũy tre làng. Bởi thế, khi đôi chân còn đẫm trong nước bùn để cấy lúa thì các động tác múa người Bắc Việt lại chủ yếu là động tác tay, điều này khá rõ trong chèo, đôi chân thì làm chức năng di chuyển. Trong vật chủ yếu dùng lực đôi tay, còn chân trụ. Trong chiến đấu, chịu ảnh hưởng của binh pháp Trung Hoa, chú trọng đồ binh thư trên cơ sở lấy vật làm phương tiện rèn luyện thể chất. Vùng Nam sông Gianh, trong đó có Bình Định, là đất mới. Quân họ Nguyễn ít, chỉ bằng một phần tư quân họ Trịnh, bắt buộc họ Nguyễn phải chú trọng đến rèn luyện kỹ năng chiến đấu bên cạnh thể chất và tinh thần. Hơn thế nữa, vốn là đất mới nên sự ổn định về tổ chức, chính quyền chưa lâu, các thiết chế bảo đảm đời sống cá nhân chưa hoàn thiện, lại thêm vào đó là sự rạn vỡ cố kết làng xã do di dân, tạo lập làng ven sông chứ không tụ cư thành làng với lũy tre làng. Điều kiện xã hội đó đòi hỏi phải chú trọng kỹ năng chiến đấu, không chỉ là chống giặc, mà còn là để chống chọi cùng thiên nhiên, cướp bóc và thú dữ. Đất miền Trung tuy đồng bằng hẹp mà "rộng về tầm tư duy", võ không còn hẹp ở xới vật mà đã bắt đầu lan vào trong dân chúng cùng với sự mở rộng, phát triển quân đội của họ Nguyễn. Võ, chú trọng đến tính thiết thực trong chiến đấu, không để đấu cho đẹp mà thế chân đã di chuyển theo phương vị, động tác tay thuần thục ém lực và tung lực vào thời điểm tối ưu. Võ, cộng thêm vào đó là ảnh hưởng của truyền thống bảo vệ bản làng của người Thượng, múa Chàm, võ Trung Hoa chú trọng đường quyền, nam quyền…, càng làm cho võ thêm phát triển ăn sâu và lan rộng. Võ cũng như hát bội, có thêm nhiều động tác chân. Nếu trong hát bội có các ngón chân thì trong võ là các bài kết hợp toàn bộ cơ thể tạo thành bộ pháp hoàn chỉnh, phát huy sức mạnh để hạ đối thủ.

Võ Bình Định như vậy đã được hình thành và phát triển từ chính yêu cầu tất yếu của cuộc sống, chiến đấu của cư dân đất mới. Lại nữa, nó còn được gia tốc thêm để phát triển qua 7 năm chiến tranh lớn, nhỏ của hai họ Trịnh - Nguyễn, cũng như từ chính sách cho con em được đi thi võ của Nguyễn Hữu Tiến và nỗ lực xúc tiến đào tạo quân đội có kỷ luật, binh chế của Đào Duy Từ. Lịch sử võ thuật đã song hành với lịch sử của chiến tranh. Cùng với binh chế, võ thuật tạo điều kiện để rèn luyện binh lính cả về thể chất, tinh thần lẫn kỹ năng chiến đấu. Hơn thế nữa, những kỹ năng chiến đấu khi ứng dụng quân sự cộng với sự phát triển của các khí giới Đàng trong như trọng pháo, thuyền chiến, đã khiến cho "Quân lính của vương quốc này hoàn hảo nhất trong cả vùng, rất có kỷ luật… Đó là lý do khiến họ luôn thắng thế trong các cuộc chiến liên miên với vua Đàng ngoài, mặc dù Đàng ngoài vượt Đàng trong về tất cả mọi lĩnh vực, không chỉ về nhân số, mà còn về của cải và số lượng voi xung trận" (Friar Bomingo Nararrete, "Trarels and Controversies")(1). Và như thế, võ nghệ đã hình thành và lan rộng, hội nhập cùng các phái võ Trung Hoa theo chân người Minh Hương đi vào nước ta, tạo nên sự phong phú của võ nghệ.

Võ nghệ ở Bình Định do đó cũng là sản phẩm của một quá trình như vậy. Hơn thế, điều kiện của đất Lưu Viễn Châu đã tạo cho Bình Định cơ sở vững chắc hơn. Cuộc sống hội nhập sớm với người Thượng, sự tràn vào của người Hoa tạo lập các thị tứ, điều kiện trực tiếp của chính sách quân địa phương đã làm cho võ Bình Định có điều kiện mạnh mẽ phát triển.

Võ nghệ khi đã phát triển, đi sâu vào các làng xóm, cư dân thì trở thành vũ khí để đấu tranh với bọn tham quan. Thầy Đinh Văn Nhưng hay ông Chảng ở làng Bàng Châu, thị trấn Đập Đá - An Nhơn, là một người yêu nước, trọng nhân nghĩa, song tính khí khá ngang tàng được dân làng gọi là "Chảng ngang thiên", thầy Trương Đức Thường ở Hải Dương vào… là những thầy võ của dân gian. Và cũng chỉ có thể trên cái nền phổ cập ấy mới có Võ Văn Doan tức chàng Lía, Phù Mỹ. Lía sinh ra trên đất võ, nhà nghèo song có sức khỏe phi thường lại kiên trì tập luyện, giỏi côn quyền. "Đường côn toàn vẹn trăm bề; Múa như giông tố, tiếng nghe vù vù". Lía đã cùng với nhân dân Đàng trong nổi dậy chống lại sự áp bức của triều đình, cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo. Nhiều phen bị vạ lây, Lía dùng võ nghệ với tài nhảy của mình: "Cơn nguy chuyển hết sức thần; Dùng miếng cá lóc dậm chân nhảy liền", song rốt cuộc, chàng Lía cũng không thoát ra ngoài qui luật của chiến tranh nông dân, thiếu đường hướng phát triển, để chỉ còn lưu lại trong trí nhớ của nhân dân Bình Định như một dấu ấn vàng son về tinh thần quật khởi của cư dân võ:

Chiều chiều én liệng Truông Mây
Cảm thương chàng Lía bị vây trong thành

Điểm lại, để đất võ Bình Định vào làng võ chung của võ Việt Nam thời cát cứ của các chúa Nguyễn, có thể thấy ở Bình Định, võ thuật với những điều kiện kinh tế-xã hội, văn hóa-lịch sử thuận lợi đã có đất để bắt mạch và tụ hội, và thật sự Bình Định đã là nơi tụ hội tinh hoa của võ - vật Nam-Bắc. Từ đất Thanh Hóa hay Hải Dương, từ Nghệ An hay Hà Tĩnh vào đây cùng với bước đường di cư của người Việt, võ nghệ đã được cải tiến cho phù hợp với địa thế - văn hóa của đất này. Thế võ đã được phát triển, phương vị đã mở rộng, kỹ năng đã được chú trọng và tất nhiên, sự ăn mạch của võ vào đất Bình Định còn ở chỗ đây là vùng đất hội tụ nhiều dòng văn hóa, nhiều phái võ, để từ đó kết tinh rồi phát triển, rồi lại tiếp tục lan tỏa trong dân chúng. Khi đó, võ Bình Định đã trở thành phương tiện cố kết lòng người, đi vào từng cộng đồng dân cư để phát triển mạnh mẽ hơn. Đây là cơ sở quan trọng nhất để hình thành nên các làng võ Bình Định sau này.

Sự hình thành của võ Bình Định do vậy cũng không nằm ngoài qui luật của dòng chảy văn hóa Việt: Ra đời từ điều kiện cuộc sống của cư dân và hình thành dựa trên sự phổ cập rộng rãi những thế võ của quân lính kết hợp với các thế - bài dân gian để từ đó, không đi theo con đường dòng phái mà tiếp tục lan ra, tỏa rộng đến từng đơn vị cộng đồng xã hội, tiếp tục phát triển và nếu có, sẽ hình thành những nét khác biệt bởi điều kiện từng vùng mà nó gieo hạt.

Võ Bình Định và làng võ Bình Định sau này do đó gắn kết liền mạch với lịch sử xây dựng và đấu tranh gần 400 năm của phủ thành Quy Nhơn (1602 - 2002), bởi nó chính là một thành quả của quá trình và góp phần tạo lập nên văn hóa của vùng đất này. Bởi vậy, nó phản chiếu và qui tụ giá trị văn hóa, nó lan tỏa và thẩm thấu vào từng bộ phận, từng cộng đồng xã hội.

Trên đây, chúng tôi đã điểm qua sự hình thành Võ và Làng võ Bình Định trong giai đoạn cát cứ của các chúa Nguyễn để trên cái nhìn văn hóa, cho ta thấy những qui luật của nó. Võ và Làng võ Bình Định từ đó có đủ điều kiện và cơ sở để tiếp tục phát triển và hình thành nên các làng võ trong các giai đoạn sau.

Võ Sư: Nguyễn Vĩnh Hảo
Ủy viên thường trực BCH Liên đoàn võ thuật Bình Định
Chủ Nhân: Bảo Tàng Gốm Cổ Vijaya - Chămpa - Bình Định


Trích gosanh.vn

http://thohanphong.blogspot.com/

Sponsored content



Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết