You are not connected. Please login or register

Bài Giới Thiệu VDBG

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

1Bài Giới Thiệu VDBG Empty Bài Giới Thiệu VDBG Sun Oct 11, 2009 1:57 am

Hàn Phong

Hàn Phong
Bạn Chí Cốt
Bạn Chí Cốt

Bài Giới Thiệu VDBG Van-da10


NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC


VĂN ĐÀN BẢO GIÁM


TRẦN TRUNG VIÊN
Sưu Tập

Dương Bá Trạc đề tựa
Tản Đà đề tựa 1934
Trần Tuấn Khải duyệt lại
Nam Ký Hán – Việt văn biểu
Hư Chu hiệu đính 1968
Trần Vy Hoàng sắp xếp lại 1998




Lời nhà xuất bản

Bộ sách Văn Đàn Bảo Giám (gồm 3 tập) xuất bản lần đầu từ năm 1926 đến năm 1938 mới trọn bộ. Đây là bộ sưu tập hầu hết những thi ca của các bậc tiền nhân danh tiếng trong lịch sử nước nhà qua nhiều thế kỷ cho đến cận đại, (có kèm theo tiểu sử và ảnh một số bậc văn hào như Nguyễn Trãi, Tự Đức, Phan Thanh Giản, Vũ Phạm Hàm, Trương Vĩnh Ký, Đặng Xuân Bảng, Chu Mạnh Trinh, Dương Lâm, Dương Khuê, Nguyễn Khuyến…) Sách lưu hành lúc bấy giờ được độc giả cả ba miền Bắc – Trung – Nam và báo chí nhiệt liệt hoan nghênh, nhiều nhà học giả khen ngợi và đánh giá cao, được coi là một công trình giàu tâm huyết đối với nền quốc văn của ông Trần Trung Viên, rất hữu ích cho việc nghiên cứu thưởng thức nền văn học Việt Nam hiện tại và cho mai sau.

Bộ sách đã được in lại mấy lần, kể cả ở miền Nam trước giải phóng. Nay nhận thấy bộ sách vẫn còn những giá trị lịch sử và văn hóa, một nguồn tư liệu quý hiếm trong việc tìm hiểu văn học Việt Nam, Nhà xuất bản Văn Học cho tái bản bộ sách này.

Việc tái bản bộ sách này được ông Trần Vy Hoàng, hậu duệ cụ Trần Trung Viên, chỉnh lý theo phương châm tôn trọng nguyên bản gốc, chỉ hoàn chỉnh thêm những chi tiết như: sắp xếp tập trung bài vở cho có hệ thống từng thể loại, từng tác giả; đính chính một số lỗi chính tả; riêng phần chú thích và điển cố, chữ nghĩa thì để tách riêng cuối từng phần cho sách được thoáng, đẹp. Và sau hết là làm mục lục tổng quan cho dễ phần tra cứu. Phần phụ lục tham khảo về tiểu sử các nhà văn hào, phần Hán Việt văn biểu cũng được đính chính một số về năm tháng cho được chính xác hơn. Riêng phần chữ Hán do điều kiện kỹ thuật, Nhà xuất bản xin được phép lược bỏ.

Nhà xuất bản Văn học xin được trân trọng giới thiệu với độc giả gần xa.


NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC



Được sửa bởi Hàn Phong ngày Thu Mar 05, 2015 4:52 pm; sửa lần 2.

http://thohanphong.blogspot.com/

2Bài Giới Thiệu VDBG Empty Re: Bài Giới Thiệu VDBG Sun Oct 11, 2009 1:58 am

Hàn Phong

Hàn Phong
Bạn Chí Cốt
Bạn Chí Cốt

Tựa

Văn chương là tinh hoa của trời đất, phát tiết ra ở những người tài trí, cho nên những văn chương tuyệt tác không tiền, tuyệt hậu phần nhiều ở những tay người tài tuấnmô tả ra. Nước ta là một nước văn hiến, có tiếng ở cõi Á Đông, mà các lối quốc văn mới thực là các tinh hoa của tổ quốc.

Xét gốc rễ về phần quốc văn phát hiện ra từ Nguyễn Sĩ Cố nhà Trần, nhưng thủ trọng bất thường, triều đình ít khi lấy quốc văn làm đường thủ sĩ, nên quốc dân cũng không khuynh hướng cho lắm. Còn như các bậc hưu quan dật sĩ, nhiều khi chán văn Hán dùng văn Nôm, để di dưỡng tính tình, chứ cũng không công bố cho quốc dân đồng lãm, nên những lời châu ngọc của các bậc hiền triết mai một ở chỗ nhà cỏ lều tranh, ngày một hao mòn, khó mà tìm lại được.

Gia chi dĩ, chữ nôm của ta thật không chuẩn đích, ai viết ra người nấy đọc được, dẫu sách có ấn hành, nhưng ít người ham đọc, vì chữ nôm chấp chảnh, khó mà đọc thông, nói đến những nông nổi quốc văn của ta, vì những lẽ ấy mà không được phát đạt.

Bây giờ lấy quốc ngữ làm sơ học đồ triệt, lấy quốc văn liệt vào các giáo khoa, khác nào như một cây lão thụ, lại được hưởng thụ hơi dương đầm ấm, mưa móc dồi dào, mà chả đâm chồi nẩy lộc, phát dương sinh sắc hơn trước dư? Vậy thì quốc văn của ta lại càng phải bảo tồn lắm, vì tinh thần văn chương của người ta ký ngụ ở đó; người có lòng sốt sắng với quốc văn mà lại đạm bạc vô tình dư?

Nhân nghĩ đến điều đó, bèn biên tập các văn cổ, chia làm từng đoạn, từng lối, nào: thất ngôn, ngũ ngôn, phú, sách, hát nói v.v…nhan đề là Văn Đàn Bảo Giám, trước là lưu trữ thơ văn của nước nhà, sau là hiến các bậc cao minh trong lúc thanh nhàn vô sự, thì cái việc sưu tập này, thực là một mảnh chân tâm đối với quốc văn vậy.

Sau này, quốc văn của ta một ngày một thịnh, kêu như gió thổi, giật như sấm vang, cũng là nhờ về các bậc danh nhân đưa đường chỉ nẻo cho. Phương ngôn có câu: Phi cổ bất thành kim, thế đủ biết các lối quốc văn của ta thực là một tấm gương trong rất báu, để lại cho chúng ta đang phấn khích ở lúc học giới tân cựu này vậy.


Tháng chạp năm Ất Sửu
(Février 1926)
Cầm Đài
Trần Trung Viên

http://thohanphong.blogspot.com/

3Bài Giới Thiệu VDBG Empty Re: Bài Giới Thiệu VDBG Sun Oct 11, 2009 1:59 am

Hàn Phong

Hàn Phong
Bạn Chí Cốt
Bạn Chí Cốt

Tựa

Mỗi một nước có một văn chương riêng, văn chương của nước nào tức là quốc hoa của nước ấy, mà chính là quốc hồn của nước ấy. Văn chương người ta tuy vì người mình mấy ngàn năm xưa mài miệt về Hán học, không chú trọng về quốc văn, nên không lấy gì làm được phát đạt cho lắm; nhưng thủ trạch của các tiên nhân ta còn được di trữ phiến mặc nào để lại, cũng đều là lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu; chỉ khốn vì một nỗi linh tinh tản mác ở trong tàn biên đoạn giản, tam sao thất bản, mỗi ngày một mất dần đi. Ấy quốc hoa ta ở đó, mà quốc hồn ta cũng ở đó chứ đâu, kẻ hữu tâm thực không thể không ngậm ngùi thương tiếc!

Nay muốn phát dương cái quốc hoa của ta, hoán khởi cái quốc hồn của ta, để mong gây dựng nên cái lâu đài quốc văn ta có một ngày kia cũng tráng lệ nguy nga, cùng với non Tản sông Lô cùng thọ, thì những thơ văn cổ, ta cần phải ra công sưu tập mà hết sức bảo tồn lại mới nên. Ông Trần Trung Viên là một người có lòng ham mến quốc văn lắm, đã chịu khó ra công sưu tập và hết sức bảo tồn được thơ văn cổ rất nhiều, nay đem ra in để cộng đồng hiểu; thực là một việc đáng khen vậy.

Dám mong rằng quyển sách này cũng có thể giúp vào một phần việc làm cho quốc hoa ta có ngày phát dương, quốc hồn ta còn ngày hoán khởi; cái lâu đài quốc văn ta có ngày gây dựng được, thì cái công phu của người in quyển sách này có phải là uổng đâu.


Ngày 15 tháng giêng năm Bính Dần

PHÚ HÀ
Tuyết huy Dương Bá Trạc

http://thohanphong.blogspot.com/

4Bài Giới Thiệu VDBG Empty Re: Bài Giới Thiệu VDBG Sun Oct 11, 2009 2:01 am

Hàn Phong

Hàn Phong
Bạn Chí Cốt
Bạn Chí Cốt

Bài tựa

Ông Chủ nhân Nam Ký vốn trước có cùng tôi quen biết. Đương An Nam tạp chí tiến hành ở Hàng bông – Hà Nội, ông có qua thăm bảo quán; trong khi đàm luận về công việc văn học, ông muốn tôi có ngày về làm sách cho vui. Vậy thời quyển Văn Đàn Bảo Giám này sau khi in ra mà tôi được dự có một phần công nhỏ ở cuối ít nhiều trang, cũng là ước cũ duyên xưa vậy.

Tập Bảo Giám này do tay ông Nam Ký cầm đến giao cho tôi ở một nơi biệt ngụ tại Hà Nội, ông ủy thác toàn trách nhiệm muốn thêm bớt, hoặc chú giải, tùy ý. Sau khi tôi đem về Sơn Tây, ngày đêm xét kỹ, thấy trong có nhiều bài của cổ nhân, thực là văn chương kim ngọc, đáng hai chữ “Bảo Giám” thay! Tiếc vì bài là bài sưu tập, văn là văn cổ xưa cho nên không khỏi có nhiều chữ không hiểu nghĩa, mà tự tài học vấn và cái sức thông minh của mình không đủ đoán ra những chữ nghi ngờ ấy, thực đối với Nam Ký chủ nhân không được hết nghĩa vụ, mà đối với các bạn Độc giả không khỏi chút thẹn thò. Còn như một phiến ngu thành tưởng người đọc qua quyển đây, hoặc có thể lượng xét.

Tập này sưu tầm rất rộng, các thể văn có lẽ hồ hết; mà phần các bài trong các thể xem ra cũng rất nhiều. Phàm việc làm hơi có ý tham, thời không khỏi xô đồ, mà mắt cá thắng hạt trai, thực bệnh chung kim cổ. Nay ông đã ủy cho tôi được có trách nhiệm thêm, bớt, dẫu không dám bạo tay làm quá, song những bài kém quá, hoặc toàn không rõ nghĩa, cũng có bỏ đi nhiều ít, chừng độ bốn năm phần trong trăm phần. Còn những bài tuy không lấy gì làm hay, mà lời văn cũng xuôi, hoặc là có cổ sắc đặc biệt thời không dám san tước, e có phụ công người sưu tập chăng! Nói về phần thêm thời toàn nhiên tôi không có thêm một bài nào ở trong tập.

Cứ cái hứng thú của tôi đối với những bài cho là có giá trị, mà sắc tướng khác nhau, xin lược biểu nhiều ít:

Thơ thất ngôn như hai câu của cụ Trạng Trình:

Giăng trong gió mát là tương thức,
Nước biếc non xanh ấy cố tri.


Tuy chưa thần tiên, cũng đã thanh cao đến tuyệt vậy.
Thơ tứ tuyệt thời như bài “Đèn kéo quân” của cụ Thượng Giai:

Một lũ ăn mày, một lũ quan,
Quanh đi quẩn lại cũng một đoàn.
Đến khi dầu hết, đèn không cháy,
Chẳng thấy ăn mày, chẳng thấy quan.


Văn hước ngạo đến như thế, tưởng không còn có thể nào hơn!
Thơ bát cú thời như bài của cựu thần nhà Lê khóc vua Chiêu Thống, khi đem linh cữu về nước, bốn câu giữa:

Bể bắc chín lần rồng lẩn sớm,
Trời Nam một đính hạc về trưa.
Tưởng câu năm nọ như ngày nọ,
Nhớ đến bao giờ khóc bấy giờ.


Thực là ảm đạm trầm thống, văn chương do ở chí tình; khiến cho người sau mấy trăm năm, còn muốn chung một giọt nước mắt.
Văn đoản thiên lục bát thời như bài “Tự thán” của cụ Nguyễn Trãi:

Chiếc thuyền lơ lửng bên sông
Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay.
Chắc chi thiên hạ ngày nay.
Mà đem non nước làm rầy chiêm bao.
Đã buồn về trận mưa rào,
Lại đau về nỗi ào ào gió đông.
Mây trôi nước chảy xuôi dòng,
Chiếc thuyền hờ hững bên sông một mình.


Cái khí ngang tàng lỗi lạc hiện cả ở văn chương, mà như tâm sự anh hùng, khó thể người đời biết đến chỗ đau đớn.
Văn đoản song thất lục bát thời như bài “Chim trong lồng” của Quận Hẻo:

Nhất lung thiên địa tàn thân điểu,
Vạn lý phong vân cử mục tần.


Nào khi vỗ cánh rỉa lông
Hót cu thiên – túng trong vàng lao lung.
Chim oanh nọ vẫy vùng dậu bắc,
Đàn loan kia túc tắc cành nam.


Bay thẳng cánh muôn trùng tiêu Hán.
Phá vòng vây bạn với kim ô.
Giang sơn, khách diệc tri hồ?

Lời văn khảng khái hiên ngang, tự có nam nhi khí phách vậy.
Các văn biền ngẫu thời như bài “Tế Vua Quang Trung”của Ngọc Hân công chúa (1)
Lời nói thực đắc thể, mà nghe ra não nuột can tràng!
Bài “Tần cung nữ oán Bái Công”.
Văn chương rất mực tài hoa, thiên cổ khó còn ai sánh kịp.
Trường thiên lục bát thời như bài hát cổ “ Hà Nội ba mươi sáu phố phường”.
Lăng băng mà rất vui!
Trường thiên song thất lục bát thời như bài “Tự thán” của Công chúa Ngọc Hân.
Lôi thôi mà có cảm.
Phần câu đối thời như mấy chục câu của cụ Tam nguyên Yên Đổ, các câu của cụ Thượng Trứ và còn nhiều của những người khác.
Xem ra đủ vẻ tài tình vậy!

Vì những văn chương của cổ nhân, thiệt có giá trị như thế, mà chữ dùng, cùng là các điển dẫn, đều bởi các sách về Hán văn. Liệu từ đây về sau, nếu không có chú giải mà cứ thế in ra, thời những cái hay kia, khó để mọi ai cùng hiểu. Tôi, địa vị là một kẻ học trò chữ Hán, bổn phận đối với những thứ văn chương ấy, tự mình nguyên chẳng đáng từ nan; huống lại thừa hậu ý của Thư quán chủ nhân ủy thác cho, nên xin hết ngu thành, hiến cungd Độc giả vậy. Lại tiếc vì chỗ ở chân non, ngày tháng tuy như nhàn rỗi, mà sinh nhai quản bút, công việc lại cũng bộn bề. Cho nên trong việc chú giải, có lược, có tường, cũng mong được đồng nhân lượng thứ.

Nay, trước khi đem tập văn này giao trả Chủ nhân hiệu Nam Kỳ, xin kính viết bài tựa, để ghi lại làm duyên.

Sơn Tây, le 22 Janvier 1934
TẢN ĐÀ NGUYỄN KHẮC HIẾU

http://thohanphong.blogspot.com/

5Bài Giới Thiệu VDBG Empty Re: Bài Giới Thiệu VDBG Sun Oct 11, 2009 2:02 am

Hàn Phong

Hàn Phong
Bạn Chí Cốt
Bạn Chí Cốt

Cùng các độc giả
VĂN ĐÀN BẢO GIÁM

Một nước cường thịnh hay suy nhược, một phần cũng bởi nước ấy có nhiều hay ít sách có giá trị; Muốn biết văn học của một nước thế nào, cũng phải xem ở kho sách nước ấy có những sách gì…

Nay thử nhìn lại kho sách nước ta, tìm xe được mấy quyển có giá trị,giúp ích được cho công cuộc bồi đắp văn học nước nhà…

Phàm ai là người có tâm huyết đối với quốc văn, chắc cũng phải lắc đầu mà than thở.

Bản thư quán từ ghé vai vào làm việc với xã hội đã lạm nhận cái chức trách xuất bản các sách có bổ ích để hiến quốc dân, việc tuy nặng nề, nhưng không dám nản tâm. Bao giờ cũng cần giao thiệp với các nhà khảo cứu quốc văn trong nước, để tìm những áng văn chương có giá trị, có bổ ích cho quốc văn, in thành sách, mong bồi đắp cho nền quốc văn, mai sau sẽ phát đạt thêm lên.

Bộ “Văn Đàn Bảo Giám” này, là bộ sách mà sao lục giả đã ra công tìm kiếm các lối văn chương của tiền nhân, chép thành ba quyển có tới ngót 10.000 bài, cách sắp đặt văn chương chia ra từng mục, từng loại để khi khảo cứu cho tiện.

Nay bản quán tái bản bộ sách này, lại có sưu tập thêm được gần đủ các tiểu sử, và có tìm được rất nhiều hình ảnh các danh nho, in vào sách để tiện việc kê cứu.

Thiết nghĩ công việc tiến hoá của một xã hội, cần phải có nhiều người giúp sức, mà mỗi người dân cần phải có một chức vụ tương đương.

Bản thư quán tuy đứng về phương diện doanh nghiệp, nhưng vẫn chịu một phần trách nhiệm đối với quốc văn; cho nên từ khi sáng lập đến nay không lúc nào không lo bồi đắp cho cái lâu đài quốc văn chóng được nguy nga tráng lệ.

Nay in lại lần thứ 3 bộ “Văn Đàn Bảo Giám” này, dám mong đồng bào sẵn lòng hoan nghênh thì dưới suối vàng các bậc danh nho cũng được thoả dạ mà cũng khói phải phí tấm lòng sốt sắng của những người tận tụy với quốc văn.

Hà Nội đầu xuân 1932
Nam Ký Thư Quán

http://thohanphong.blogspot.com/

Sponsored content



Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết