You are not connected. Please login or register

Đại thi hào Johann Wolfgang von Goethe (1749 - 1832)

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

cohangxom

cohangxom
Bạn Thân
Bạn Thân

Đại thi hào Johann Wolfgang von Goethe (1749 - 1832) Johann-Wolfgang-von-Goethe
Johann Wolfgang von Goethe (28/8/1749 – 23/2/1832) – nhà bác học, nhà tư tưởng, nhà thơ Đức, tác giả của “Faust” vĩ đại.

Goethe sinh ở Frankfurt am Main. Bố là Johann Caspar Goethe, một vị quan của triều đình, mẹ là Catharina Elisabeth Textor, con gái của Thị trưởng thành phố. Từ nhỏ được bố và các thầy tư dạy các môn học phổ thông và các thứ tiếng: Hy Lạp, Latinh, Anh, Pháp. Goethe yêu thích hội họa và văn chương từ bé, 8 tuổi đã biết làm thơ.

Từ năm 1765 đến năm 1768, Goethe học luật ở Đại học Leipzig nhưng ông tỏ ra không thích môn luật mà chỉ yêu thích thơ ca. Thời kỳ này Goethe yêu cô Käthchen Schönkopf và làm nhiều bài thơ tặng cô gái này. Năm 1767 ông xuất bản tập thơ đầu tiên: Das Buch Annette, một số bài thơ ông viết thời kỳ này bị thất lạc vì ông không lưu lại. Năm 1768 ông trở về Frankfurt và bị bệnh, phải nằm viện một thời gian dài.

Năm 1770 ông tốt nghiệp Đại học luật ở Strasbourg. Ở đây, ông gặp và kết bạn với Johann Gottfried Herder, người có sự ảnh hưởng đến việc phát triển tài năng của Goethe sau này. Chính Herder là người đã khơi dậy lòng yêu thích Shakespeare, Ossian và thơ ca dân gian ở Goethe. Trong một chuyến đi về làng Sesenheim, Goethe đem lòng yêu mến cô Friederike Brion, nhiều bài thơ nổi tiếng như: Willkommen und Abschied (Gặp gỡ và chia ly); Mailied (Khúc hát tháng năm), được viết trong thời kỳ này.

Những năm từ 1775 đến 1785, Goethe sống ở Weimar, vừa là bạn, vừa là cố vấn cho quận công Carl August, ông tham gia vào nhiều công việc quan trọng trong bộ tài chính, bộ giao thông và nghiên cứu nhiều môn khoa học khác ngoài thơ ca. Thời gian này ông hai lần đi sang Ý du lịch và nghiên cứu các nhà thơ cổ La Mã. Năm 1794 ông kết bạn với Friedrich Schiller và chủ yếu sống ở Weimar.

Năm 1806, một lần dạo chơi trong công viên ở Weimar, Goethe gặp người đẹp Christiane Vulpius, chính xác hơn là người đẹp đã bước đến nhờ Goethe đọc thơ của anh trai mình. Thơ của anh trai không hay nhưng Christiane Vulpius rất đẹp, và con tim nhà thơ đã rung động. Cuộc hôn nhân của ông với Christiane Vulpius là nguồn cảm hứng cho ông viết Römische Elegien (Những khúc bi ca La Mã) và nhiều bài thơ tình nổi tiếng. Ngoài thơ (gần 1600 bài), Goethe còn viết tiểu thuyết, truyện, giai thoại và danh ngôn. Đỉnh cao sáng tạo của ông là kiệt tác “Faust”, tác phẩm mà ông viết xong vào những ngày tháng cuối của cuộc đời. Goethe mất ở Weimar ngày 23 tháng 2 năm 1832.

Tác phẩm chính:

*Das Buch Annette, 1767
*Die Laune des Verliebten, 1767
*Götz von Berlichingen mit der eisernen Hand, 1773
*Clavigo, 1774
*Die Leiden des jungen Werthers, 1774
*Egmont, 1788
*Iphigenie auf Tauris, 1787
*Torquato Tasso, 1790
*Wilhelm Meisters Lehrjahre, 1796
*Xenien, 1796
*Die Wahlverwandtschaften, 1809
*Urworte. Orhisch, 1817
*Faust, 1832


Goethe - Còn nhiều chuyện lạ

Nhiều tờ báo ở Đức cũng như các nước châu Âu đã có bài ôn lại cuộc đời và sự nghiệp hùng vĩ của đại thi hào Đức Johann Wollgang von Goethe (1749-1832), tác giả tiểu thuyết "Nỗi đau khổ của chàng Werthers" và truyện thơ "Faust" bất hủ, trong đó có những chuyện vui liên quan đến sở thích và các sinh hoạt đời thường của bậc thiên tài.

Đại thi hào Johann Wolfgang von Goethe (1749 - 1832) 090908van-goethe
Đại thi hào J.W. Goethe.

Sinh thời, Goethe có người bạn rất tâm đầu ý hợp là nhà thơ, nhà soạn kịch vĩ đại Friedrich Schiller (tác giả vở bi kịch "Âm mưu và tình yêu" trứ danh). Ông này kém Goethe 10 tuổi song lại mất sớm (khi mới 46 tuổi). Thi hài của Schiller được chôn cất tại lăng mộ trong nghĩa trang Jacobs ở Weimar. Gần 30 năm sau, Goethe tạ thế và thể theo ý nguyện của ông, người ta chôn cất ông bên cạnh Schiller.

Điều oái oăm là cách đây hơn năm, báo chí Đức và nhiều nước rộ lên thông tin: Qua so sánh ADN hộp sọ được xem là của Schiller với ADN những người thân của ông, các chuyên gia đi đến kết luận: Hộp sọ trong lăng mộ bên cạnh lăng mộ của Goethe không phải của Schiller. Còn hộp sọ của Schiller ở đâu, câu hỏi hiện vẫn chưa có lời đáp. Như vậy, nói như một nhà nghiên cứu văn học, hẳn trong lăng mộ, Goethe giờ đang rất "cô đơn".

Nước Đức vốn có truyền thống bảo tồn, bảo tàng. Với một con người được xem là "khổng lồ của thiên niên kỷ" như Goethe thì ngay từ khi ông còn sống, mọi thứ liên quan đến ông đều được nâng niu trân trọng. Tất cả các ý kiến miệng, dù lớn dù nhỏ của ông liên quan đến văn học nghệ thuật đều được ghi lại và sau đó được xuất bản thành sách. Các thư từ, lưu bút được bảo quản chặt chẽ. Nhiều câu nói của ông được xem là chân lý và được truyền tụng.

Sinh ra ở Frankfurt và mặc dù chỉ sống ở thành phố này tới năm 16 tuổi, song đến nay, những vật dụng gắn liền với những kỷ niệm liên quan tới Goethe đều được chính quyền địa phương lưu giữ cẩn thận. Ngôi nhà thuở thiếu thời của Goethe còn đấy. Khách đến tham quan còn được thấy cái bàn cao mà một thời Goethe phải... đứng kiễng chân để viết. Bộ đồ bếp bằng đồng mà mẹ ông từng dùng vẫn được bảo tồn một cách trân trọng. Cạnh ngôi nhà là bảo tàng và thư viện mang tên Goethe.

Tương tự vậy, ở thành phố Leipzig, nơi có nhiều kỷ niệm gắn bó với Goethe, khi đi vào khu vực các tòa nhà cổ, du khách sẽ được thấy hai bức tượng mô tả cảnh sinh hoạt của đôi nhân vật trong truyện thơ "Faust". Nhà hàng được Goethe đưa vào cuốn truyện thơ nói trên hiện cũng có một phòng được đặt tên là phòng Goethe.

Tại Đức, từ lâu người ta đã đặt ra một giải thưởng mang tên Goethe. Nhiều tên tuổi sáng giá của Đức như Sigmund Freaud, như Herman Hesse, Ingmar Bergmar đã được trao giải thưởng này. Giải thưởng được trao hai năm một lần, tại thành phố Frankfurt. Trị giá giải thưởng lần gần đây nhất tương đương với 1 tỉ đồng Việt Nam.

Nếu như gần hai trăm năm nay, công chúng yêu văn học ở Đức đã quá quen thuộc với câu chuyện tình nổi tiếng, có phần "trái khoáy" của Goethe với một thiếu nữ kém ông tới...55 tuổi, thì gần đây, họ lại rộ lên bàn tán trước một giả thuyết: Trong thời thanh xuân, Goethe từng phải lòng và có quan hệ luyến ái với bà Anna Amali, người từng có thời gian trị vì Waimar. Điều đáng nói là người phụ này, theo tác giả của giả thuyết nói trên cho biết, lại trên Goethe tới...10 tuổi. Giả thuyết này hiện không được mấy độc giả Đức "chấp nhận". Có lẽ, lòng sủng ái Goethe của độc giả Đức lớn đến mức, họ có thể "ưng ý" với việc một ông lão Goethe ở tuổi ngoài bảy mươi ngỏ lời cầu hôn với một cô gái mới... 17 tuổi hơn là việc một chàng trai ở tuổi ngoài ba mươi có quan hệ luyến ái với một người đàn bà trên mình tới 10 tuổi? Tất nhiên, đây cũng chỉ là giả thuyết.

Goethe bàn về mỹ thuật - điều bất ngờ từ 1 cuốn sách danh nhân

Từ lâu tên tuổi của J.W.Goethe (1749 - 1832) đã trở nên quen thuộc với mỗi chúng ta, Goethe được biết đến là, một nhà thơ, nhà văn lớn, người đã đưa văn học Đức lên ngang tầm thế giới. Cũng như nhà khai sáng vĩ đại của Pháp là Diderot ( 1713- 1784) cùng thời, Goethe cũng rất quan tâm đến mỹ thuật và viết những tiểu luận, đoạn văn về mỹ thuật một cách đầy tự tin và có chiều sâu triết lý thẩm mỹ sâu sắc. Những điều trên được thể hiện khá đậm nét trong tác phẩm "J.W.Goethe cuộc đời, văn chương và tư tưởng" của PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên do NXB Văn hóa - Thông tin phát hành năm 2006.

Là một thiên tài tổng hợp, Goethe không chỉ thích và có tài bẩm sinh về thi ca mà ông cũng rất say mê hội họa. Xuất phát là một sinh viên trường Luật tại Leipzig, Goethe học tiếp tại Đại học Strassburg để rồi cuối cùng trở thành một tiến sĩ luật, tuy nhiên ngay từ đầu ông tỏ ra không mặn mà với việc hành nghề luật sư, ông chăm chú vào sáng tác thơ và truyện, sau này còn viết kịch, ở đó ông đã gửi gắm những suy tư, những tư tưởng chính trị và nghệ thuật của mình. Việc say mê nghiên cứu lịch sử, khảo cổ cũng như hội họa đã đưa ông vào môi trường mỹ thuật, ông vẽ tranh và sưu tập tranh. Goethe cũng yêu thích việc nghiên cứu nghệ thuật, ông đã viết, đánh giá như một nhà phê bình mỹ thuật thực thụ. Riêng ở lĩnh vực này, Goethe làm cho hậu thế phải giật mình khi cho rằng: "Có sự phê bình hủy hoại và có sự phê bình xây dựng. Bởi vì người ta chỉ được phép đặt ra một loại thước đo nào đó, một mẫu hình nào đó." (Tr.433). Tuy nhiên, ông cũng chỉ rõ: "Mọi lý thuyết là người bạn quý nhưng mà xám, chỉ có cây vàng cuộc đời là mãi mãi xanh tươi." (Faust I) (Câu này do PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên dịch - trang 17, ông cũng cho rằng trước đây chúng ta dịch chưa đầy đủ).

Trong sách tác giả Nguyễn Tri Nguyên cho biết Goethe bàn về mỹ thuật ở nhiều góc độ và phương diện, ông rất chú ý đến các thuộc tính ngôn ngữ của hội họa, một trong những thuộc tính đó là màu sắc, ông viết trong "Về lý thuyết màu sắc" - Lời nói đầu: "Màu sắc là hành động của ánh sáng, hành động và nỗi đau ... Màu sắc và ánh sáng thực ra đứng trong nhau, trong mối quan hệ chính xác nhất" (tr. 196). Goethe đưa ra những đánh giá về ngôn ngữ mỹ thuật trong sự so sánh với các loại hình nghệ thuật khác. Nói về màu sắc như Goethe là cách nói thể hiện sâu đậm đặc trưng cảm thụ thị giác - một đặc trưng cố hữu của tiếp cận mỹ thuật.

Goethe còn quan tâm đến các khuynh hướng, trường phái mỹ thuật, trong nhiều ý kiến của mình, Goethe phân tích đặc trưng nghệ thuật Cơ đốc giáo, nghệ thuật Phục Hưng Ý, nghệ thuật cổ đại. Với kiến thức uyên bác về lịch sử, văn hóa, khảo cổ, Goethe luôn có cách phân tích trong mối liên hệ với lịch sử thời đại, với những dấu vết thời gian của tác phẩm nghệ thuật. Trong tiểu mục "Du lịch Italia" (1786), Goethe viết : "Hôm nay tôi đã ở bên Kim tự tháp của Cestius và của sự xế chiều trên vương quốc, nay trên sự điêu tàn của những cung vua phủ chúa, đang đứng ở đây như những bức tường đá", rồi ông bắt chợt nhận ra: "chẳng có gì được lưu truyền tự do ở đây !".

Nói về người nghệ sĩ tạo hình, Goethe cũng rất nhạy cảm khi nhận ra năng lực, tố chất diệu kỳ bên trong của sự sáng tạo mỹ thuật. Khi nói về nhà điêu khắc, ông viết : "Nhà điêu khắc tìm cảm hứng không phải ở trong các chất liệu mà anh ta đang làm, anh đang biết xem xét nó trong tự nhiên... Nghệ sĩ tìm thấy cảm hứng chung trong các đối tượng tự nhiên mạnh mẽ hơn trong các bức tượng mà anh tưởng tượng" (Tr. 209). Tuy nhiên Goethe cũng rất biện chứng khi cho rằng: "Cái gì mà nghệ sĩ đã không yêu và không còn yêu thì ông ta không nên mô tả" (tr. 210). Quả thật đây là điều tế nhị và cũng có những nỗi khổ tâm của người họa sỹ - nhà điêu khắc khi anh ta đứng giữa ranh giới của nghệ thuật hàn lâm duy lý, chặt chẽ khuôn vàng thước ngọc và các "tác nghiệp" bằng nghệ thuật để kiếm sống - cái khó là anh ta không có nhiều quyền lựa chọn. Năm 1800 khi ấy Goethe 51 tuổi và đã rất nổi tiếng, ông vẫn giữ thái độ và niềm tin vào cái mới, vào sức trẻ, ông viết: "Những tài năng đang bị che khuất lúc này chưa được sử dụng sẽ phát triển rực rỡ. Một ngày mới đối với nghệ thuật có thể sẽ bắt đầu, và nghệ thuật sẽ làm cho chúng ta vui sướng bằng những tài năng đẹp đẽ của chúng" (tr. 233). Mặt khác Goethe cũng chỉ ra rằng: "Ở mỗi người nghệ sĩ đều có cái mầm của sự táo bạo, không có nó thì không có tài năng nào có thể tưởng tượng được". Ở ý kiến này Goethe tỏ ra rất khuyến khích phong cách, cá tính của người nghệ sĩ, ông đồng thời vừa chỉ ra, vừa kêu gọi người nghệ sĩ phải thể hiện được khí chất sáng tạo của mình. Điều này thật đáng khâm phục ở Goethe khi chúng ta nhìn lại chính thời đại chúng ta nó vẫn còn vô số những mặc cảm và với người nghệ sĩ, nhất là khi họ có những cá tính dị biệt... Không ít nghệ sĩ có tài năng nhưng khi đã vương vào sự dị biệt về cá tính và cả những sự chụp mũ thái độ chính trị vô căn cứ của một cơ chế đã phải chìm đắm vô vọng trong những chặng đường dài trong quá khứ.

Goethe đã dành nhiều tâm sức cho việc nghiên cứu, phê bình mỹ thuật. Ông bàn về sáng tạo của Raphael, Michelangelo, Leonardo da Vinci, Rubens ... nhưng Goethe cũng thể hiện những hạn chế tất yếu của thời đại khi mà sự phát triển nghệ thuật chưa có những đan xen đa chiều như nghệ thuật sau này. Ngày nay sự xâm phá, đan xen vào nhau của các loại hình nghệ thuật là tất yếu bởi yêu cầu biểu hiện, phối hợp của các hình thức ngôn ngữ nghệ thuật. Tuy nhiên vào thời của Goethe thì đó là một vấn đề được đánh giá khác biệt, Goethe nói: "Một trong những dấu hiệu chủ yếu của sự suy đồi nghệ thuật là sự hòa điệu của các loại hình khác nhau của nghệ thuật" (tr. 418).

Những lời bàn về mỹ thuật của Goethe rút từ cuốn sách "J.W.Goethe cuộc đời, văn chương và tư tưởng" của PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên chỉ là một phần nhỏ bé trong tư tưởng nghệ thuật nói chung, tư tưởng thẩm mỹ tạo hình nói riêng của đại văn hào J.W.Goethe, nhưng qua đó chúng ta càng thấy rõ hơn tầm vóc, sự vĩ đại của một nhà văn hóa lớn của nước Đức và thế giới. Những điều J.W.Goethe nói về mỹ thuật, văn hóa và thẩm mỹ nói chung vẫn còn hữu ích đối với chúng ta ngày nay, đặc biệt là thái độ đánh giá nghệ thuật của ông vẫn là rất mới đối với đời sống nghệ thuật của đất nước chúng ta. Sự trân trọng và đặt niềm tin vào những người nghệ sĩ trẻ đang tìm tòi sáng tạo, biết tha thứ và chấp nhận cá tính khi tài năng của họ tỏa sáng là điều không dễ với mỗi người và càng khó hơn, hiếm hơn đối với những người lãnh đạo văn hóa hiện nay.


Wolfgang Goethe - Khúc mùa thu

Chưa bao giờ Goethe thích không khí mùa đông cả, đặc biệt là những mùa đông bỗng dưng ấm áp một cách bất thường và ẩm thấp vì mưa. Những mùa đông như thế, TP Weimar, nơi nhà thơ đã sống phần lớn cuộc đời, lúc nào cũng như ngái ngủ. Phố phường vắng lặng. Tiếng chuông nhà thờ cứ chốc chốc lại vang lên một cách buồn tẻ và nhiều phần tủi phận.

Đại thi hào Johann Wolfgang von Goethe (1749 - 1832) 10_dai9

Cũng như đại bộ phận cư dân Weimar, khi đông về, Goethe thường ngồi lì trong nhà. Và hay đóng kín cửa trước đa phần khách khứa, ngoại trừ một số bạn hữu cố tri, mặc dầu những người muốn tới Weimar gặp gỡ với đệ nhất thi nhân của châu Âu thì mùa nào cũng rất đông đúc.

Thậm chí lắm khi Goethe, đương kim Bộ trưởng Văn hóa trong triều đình của Đại công tước Carl August hay viện ra những lý do nghe rất bùi tai để khỏi phải tới họp nội các…

Tháng 2/1823, ở tuổi 74, Goethe càng cảm thấy khó chịu với mùa đông. Tâm trạng nhà thơ u ám với những suy nghĩ bi quan về mong manh cõi thế.

Thêm vào đó, ngực ông lại bị đau, những cơn đau biến động không ngừng, lúc buốt nhói, lúc có vẻ như dịu đi nhưng lúc nào cũng âm ỉ. Bao nhiêu năm rồi trái tim nồng nàn của ông đã làm việc không ngừng nghỉ, đến giờ nó giở chứng làm nhà thơ mất cả bình yên và cảm hứng sáng tạo.

Có những hôm ngồi lì cạnh bàn viết vài ba giờ mà vẫn không có được dòng nào, Goethe cáu kỉnh vứt bút xuống rồi lần ra ghế bành ngồi đọc sách. Nhưng chỉ được một lát thì ông lại sang bên phòng trẻ con để chơi với mấy đứa cháu nội.

Goethe không kêu ca với ai về những cơn đau của mình cả. Mà ông còn biết kể với ai - người vợ hiền Christiane Vulpius thì đã bảy năm rồi nằm yên trong mộ ngoài nghĩa địa. Còn với người con trai August thì dẫu ngày nào hai cha con cũng ngồi cùng bàn ăn nhưng xa cách nhau như nghìn trùng cách trở.

August, như một câu ngạn ngữ đã nói, là đứa con của thiên tài nhưng lại là nơi thiên nhiên "yên nghỉ". Đã ngoài tam thập rồi nhưng August vẫn không làm nên được trò trống gì. Anh chàng cũng cảm thấy tủi phận khi gia đình mình phải sống nhờ cha nhưng điều này không ngăn được việc anh rất hay uống rượu giải sầu. Thêm vào đó, August lại thường kiếm đủ mọi chuyện để trách móc người cha vĩ đại, thí dụ như về chuyện, là một nhân vật trọng yếu của triều đình nhưng Goethe đã không sử dụng các mối quan hệ và ảnh hưởng để đưa con trai vào một chức vụ nào đó dễ làm nhưng lương bổng hậu hĩnh…

Đặc biệt, August không thích việc cha mình dù đã ở tuổi "cổ lai hy" rồi nhưng vẫn hay phải lòng phụ nữ… Cô con dâu Ottilia không quá xét nét ông bố chồng, nhưng do bận bịu với quá nhiều chức phận làm vợ, làm mẹ nên cũng chẳng có thời gian để quan tâm tới Goethe nữa.

Trong hoàn cảnh đó, không có gì khó hiểu nếu một ngày tháng hai của năm 1823 đó, Goethe bất ngờ bị ngất đi vì một cơn đau ngực đột ngột đến. Hay tin này, Đại công tước Carl August đã sai những bác sĩ giỏi nhất của triều đình tới thăm bệnh nhà thơ.

Hội chẩn, các vị bác sĩ này thống nhất ý kiến cho rằng, có lẽ Goethe đã tới ngày cùng tháng tận: trái tim của ông lúc đập mạnh như một núi lửa sắp sửa tuôn trào nham thạch, lúc lại lịm dần đi như đợt thủy triều rút nước khỏi bờ… Cả nhà như có đám.

Sau tám ngày bất tỉnh nhân sự, Goethe bỗng hồi tỉnh và cất tiếng gọi người hầu mang tới cho mình cốc nước khoáng. Vị bác sĩ trực hôm đó tại nhà ông đã định ngăn không cho ông uống nhưng Goethe không chịu: từ lâu, nhà thơ đã tin vào sức mạnh có thể cải tử hoàn sinh của nước khoáng.

Và quả thật, cốc nước khoáng làm nhà thơ bỗng nhiên cảm thấy đói và sau một bữa ăn khá thịnh soạn, Goethe, như có phép lạ, đã tỉnh táo. Và ông quyết định không ở lại Weimar mà sẽ tới thành phố nghỉ mát Marienbad để dưỡng bệnh.

Tại đó, một người bạn gái thân thiết của nhà thơ tên là Silva Von Levetzow có một ngôi nhà lớn với một sân trời có mành nhung vây quanh. Trong quá khứ, giữa hai người từng có một tình yêu nồng nàn nhưng ngắn ngủi.

Chia tay nhau một cách tốt lành và sau nhiều năm gặp lại, họ vẫn giữ được trong lòng mối quan hệ bằng hữu tử tế và ấm áp.

Mỗi khi nhà thơ đến nghỉ ở Marienbad, bà Von Levetzow, lúc đó đã là góa phụ với ba cô con gái, luôn dọn cho Goethe chỗ ở đàng hoàng trong nhà mình. Goethe luôn có những người hâm mộ nhiệt thành nhưng ông chỉ thích ở nhà của bà Von Levetzow.

Ngay cả khi tới đó mà các phòng ở trong nhà bà đều đã có khách, Goethe cũng không chịu đi đâu xa mà lại thuê phòng ở gần đó để ngày nào cũng tới trò chuyện thân tình. Ông rất thích giao lưu với ba cô con gái xinh đẹp của bà Von Levetzow, tặng họ rất nhiều món quà thú vị.

Goethe đặc biệt thích cô con gái lớn Ulrike, một thiếu nữ thanh mảnh và trong sáng. Ông thường khoác vai cô gái đi dạo trên những con đường rợp bóng cây, tới bên nguồn nước khoáng và say sưa đọc thơ cho cô nghe.

Bạc tóc và đã từng trải quá nhiều muối mặn gừng cay của cõi thế, với Ulrike, Goethe mới chợt thấm thía rằng, con người ta thường tuyệt vời nhất khi còn trẻ. Bao nhiêu chân thành và duyên dáng đang ẩn náu trong cô thiếu nữ bé bỏng này! Vừa sững sờ vừa buồn tiếc, nhà thơ cao niên đã ngắm hoài không chán quầng tóc màu hạt dẻ của Ulrike lấp lánh dưới ánh nắng ban trưa. Đôi mắt xanh mở to tròn của cô đã khiến Goethe nghĩ rằng đó mới chính là hai ô cửa sổ đưa ông về lại với thế giới thanh xuân và tinh thần trinh bạch mà ông đã vĩnh viễn mất.

Ulrike cũng thích đi dạo với ngài Goethe, cực kỳ, như cách nói của cô, lừng danh. Cô bé không khỏi khoái chí khi bao nhiêu quý bà sang trọng và xinh đẹp đi ngang, vừa cúi chào nhà thơ vĩ đại vừa nhìn xéo qua cô với một sự ghen tị không giấu nổi vì cô đang được làm chủ mọi sự chú ý của Goethe.

Và khi đi sóng đôi với Goethe, Ulrike cũng cảm thấy thích thú vì nhận thấy mình đã lớn hơn trước rồi: mùa hè năm ngoái, cô chỉ đứng tới vai nhà thơ, còn bây giờ, cô đã gần như cao ngang bằng ông…

Mỗi khi về lại Weimar sống nốt những tháng còn lại của năm, Goethe luôn cảm thấy buồn nhớ Marienbad và gia đình bà Von Levetzow. Đặc biệt là nhớ Ulrike. Ông thường xuyên viết thư cho cô và cô cũng đã rất chăm chỉ trả lời ông. Đôi khi ông gặp lại cô trong những cơn mơ.

Tất cả những dòng thơ trữ tình mà Goethe sáng tác thời gian đó đều vương vất hình ảnh của Ulrike. Nhưng điều này thì ngoài ông ra, không một ai hay biết cả; đơn giản là Goethe cảm thấy rất không tiện nếu thổ lộ tình yêu với một nàng thơ còn quá ít tuổi như thế! Mỗi khi hình ảnh Ulrike quá bám riết tâm trí ông, Goethe lại tự mắng mỏ mình là ông già mất nết, nhưng vẫn không làm sao quên lãng được.--PageBreak--

Năm 1823, hơi hồi phục sức khoẻ sau cú ngất xỉu tháng 2, Goethe tới Marienbad sớm hơn thông lệ, khi mới chớm mùa hè. Và ông tới thăm nhà bà Von Levetzow. Và ngay phút đầu tiên ông đã sửng sốt:

- Ôi người bạn yêu quý! Thực hạnh phúc khi được gặp lại nhau thế này!

Reo lên những lời như thế và lao ra ôm lấy nhà thơ là một thiếu nữ xinh đẹp bội phần. Goethe đã không nhận ra Ulrike ngay lập tức.

Mùa hè năm đó ở Marienbad như thể một cơn mơ. Tới nghỉ ở đấy có rất nhiều gương mặt danh giá của châu Âu và những dạ hội lãng mạn đã liên tiếp được tổ chức. Những ông hoàng bà chúa đều bị cuốn vào những cơn say tình ái.

Goethe cũng như trẻ ra và trở thành một quý ông đầy hấp dẫn. Giữa bao nhiêu mỹ nhân, ông vẫn là một gương mặt có sức hút không gì cưỡng nổi. Họ liên tục chọn ông làm bạn khiêu vũ.

Và ông đã khiêu vũ rất hoạt bát. Nhưng khi nhà thơ tới mời Ulrike, trong phòng như bỗng chợt bị trùm phủ bởi một bầu yên lặng bất thường, các quý ông và các quý bà bỗng nhìn nhau đầy ẩn ý. Và Goethe chợt cảm thấy khó xử và buồn bã…

Khi dạ hội kết thúc, bao giờ Goethe cũng tiễn ba cô con gái của nhà Levetzow về tới cửa. Thường là Ulrike, với tư cách chị cả, ở lại với Goethe thêm vài ba phút trò chuyện. Một lần, nhà thơ xin phép được hôn Ulrike. Tối hôm sau, trước khi chia tay, Ulrike tự hôn nhà thơ mà không cần ông xin nữa!

Tới cuối tháng 8/1823, thời tiết ở Marienbad bỗng giở chứng: mây đen mù mịt, mưa dầm dề lạnh lẽo. Giới thượng lưu vội vã rời đi tới Karlsbad để tiếp tục những cuộc chơi không ngơi nghỉ của mình vì có tin ở đó thời tiết tốt hơn. Bà Von Levetzow cũng cùng ba cô con gái ra đi vội vã…

Còn lại một mình ở Marienbad, Goethe như ốm dở, ăn không thấy ngon, uống không thấy khoẻ. Dường như nguồn nước bổ dưỡng đã không còn tác dụng với ông nữa.

Hoá ra là, để lành bệnh, nhà thơ không phải cần nước khoáng mà là cần Ulrike! Goethe như bị ném về trạng thái tuyệt vọng thời trai trẻ, khi ông phải lòng hôn thê của một người bạn đến mức đã suýt nữa thì tự tử. Sống sót sau "tai nạn" tình cảm này, Goethe viết nên tác phẩm "Nỗi buồn của chàng Wether" đã giúp tên tuổi ông trở nên nổi tiếng.

Nhưng bây giờ, ở tuổi 74, nhà thơ sẽ phải làm gì đây với nỗi si mê oái oăm của đời mình? Có nên chăng như Faust, bất chấp mọi đàm tiếu cười chê của người đời, lớn tiếng tuyên ngôn quyền được yêu của mình? Hay lặng lẽ ngậm bồ hòn làm ngọt và sống nốt những ngày tàn còn lại để rồi sau một cơn bạo bệnh như hồi tháng 2 và gục ngã vĩnh viễn?

Goethe đã không nhẫn chịu và cương quyết rời Marienbad tới Karlsbad: nếu Ulrike không từ chối thì nhà thơ sẽ cưới nàng làm vợ!

Đến Karlsbad, Goethe tìm gặp Ulrike rồi tới chỗ Đại công tước Carl August, khi ấy cũng đang nghỉ hè tại đó, nhờ làm ông mối. Nể mặt tài năng vĩ đại, Đại công tước Carl August đồng ý đến nơi mẹ con bà Von Levetzow nghỉ và đưa ra lời cầu hôn cô Ulrike cho nhà thơ. Bà Von Levetzow kinh ngạc:

- Thưa Đại công tước, nhưng ngài Goethe đâu còn trẻ nữa!

- Nếu con gái của bà không thấy sự chênh lệch tuổi tác đó là trở ngại thì với tư cách người mẹ, có gì làm bà phải phiền lòng đâu nhỉ?

- Bẩm Đại công tước, tôi không thể cho con gái tôi của hồi môn xứng đáng!

- Ngài Goethe nói rằng mình chỉ cần Ulrike và mỗi Ulrike thôi, không cần hồi môn gì cả! - và không chờ câu đồng ý, Đại công tước Carl August nói luôn. - Vào đúng ngày tổ chức lễ cưới, tôi sẽ tặng hai vợ chồng một ngôi nhà đối diện với cung điện của tôi!

Bối rối một lúc, bà Von Levetzow đành phải gật đầu:

- Tôi đồng ý nhưng thưa Đại công tước, chỉ xin ngài chuyển lại lời cho ngài Goethe rằng, nên chờ một năm nữa để hai người bình tĩnh lại trong cảm xúc của mình…

- Chờ một năm nữa ư? - Goethe đã thốt lên khi nghe Đại công tước nói lại. - Ở tuổi của tôi mà phải chờ từng ấy thời gian! Điều này còn tệ hơn là từ chối!

Goethe đùng đùng tự ái và rời khỏi Karlsbad. Về tới Weimar, ông đã gặp một mùa thu ảm đạm. Và trong mùa thu đó, ông đã hoàn thành tập thơ "Những khúc bi ca Marienbad". Ông coi đó là bệnh án của ông. Khi đọc tập thơ này, Đại công tước Carl August đã phải thốt lên: "Viết về tình yêu được như thế thì chỉ có thể Shakespeare mới làm nổi! Một tuyệt tác sinh ra từ đau khổ!"...

Mùa hè năm 1824, bà Von Levetzow gửi thư mời Goethe tới nghỉ hè tại Marienbad. Nhà thơ lịch sự cảm ơn nhưng cả mùa hè đó cũng như những mùa hè sau này nữa, không bao giờ ông đặt chân tới Marienbad nữa.

Những năm cuối đời, Goethe dành trọn vẹn cho việc hoàn thành nốt tập "Faust" và viết những bài báo khoa học… Ông qua đời ngày 23/2/1832 khi đang ngồi sáng tác trên cái ghế bành yêu thích của mình.

Về đoạn đời tiếp theo của Ulrike không mấy ai được biết gì nhiều. Có tin rằng, nàng cho tới chết cũng không lấy chồng.


Những bài thơ trữ tình của Johann Wolfgang von Goethe

Anh đến thăm em

Anh đến thăm em, dưới nắng chiều
Hỡi nàng, cô gái rất thương yêu!
Tiếc thay: cửa đóng, nhà im ắng
Sẵn khoá đây, anh cứ mở liều!

Chẳng thấy em đâu. Ngó khắp phòng
Phòng ăn, phòng ngủ. Góc xalông
Chợt thấy em nằm, êm giấc ngủ
Căn buồng nhỏ bé hoá mênh mông...

Em ngủ vì em mệt quá chừng
Que đan nằm đó, giữa tay dừng
Len hồng, len thắm chưa thành áo
Anh sát bên em, mãi ngập ngừng...

Anh tính suy hoài: đánh thức em?
Chẳng nỡ. Xin nàng hãy ngủ yên!
Anh ngắm làn mi như mới khép.
Hồng tươi đôi má, cặp môi em...

Tim anh mỗi lúc đập rộn ràng
Trước người thiếu nữ dáng cao sang
Lắng trong nhịp thở, hồn say đắm
Mỗi nét tinh khôi, nét dịu dàng...

Anh cứ ngồi yên mãi ngắm em
Ôi nàng! Như có phép thần tiên
Anh cảm làn môi em dịu ngọt
Muốn hôn lên đó cả tình em!

Hai cánh tay nàng, dáng rất thanh
Cứ tưởng ôm anh, giữa giấc lành
Và bàn tay ấy, bàn tay ấy
Cứ tưởng bao lần ve vuốt anh...

Anh đã nhầm sao, đã nhầm sao?
Hỡi người thiếu nữ rất thanh cao
Lòng anh vậy đó, không thể dấu.
Giây phút nàng đây, tựa sóng trào

Sóng mãi trào dâng... thật khó nguôi
Tình yêu kì lạ quá em ơi!
Em ngủ cho lòng anh thổn thức
Không gian im ắng hồn chơi vơi...

Bên em ngồi thế, mấy giờ qua
Hạnh phúc gieo thành những khúc ca.
Anh đến bên bàn và lặng lẽ
Tặng em tươi thắm mấy nhành hoa.

Vui sướng lòng anh lúc trở về
Hẳn rằng em sẽ rất say mê
Đôi bông hồng ấy, khi bừng tỉnh
Nghe trái tim ai đập bốn bề.

Trần Đương dịch

**********

Ông vua xứ phula

Ngày xưa ở phula
Một ông vua vĩ đại
Có chiếc cốc,món quà
Của người yêu để lại.

Khi uống từ cốc vàng
Trong những lần đại tiệc,
Vua lại nhớ đến nàng
Với nỗi lòng thương tiếc.

Và trước lúc qua đời
Cả ngai vàng,châu ngọc
Vua cho hết mọi người,
Chỉ còn chừa chiếc cốc.

Rồi vua đem hoàng cung
Tới lâu đài tráng lệ
Bên biển,lần cuối cùng
Mở tiệc to vui vẻ.

Nâng cốc rượu trên tay
Uống một hơi,sau đó
Vua vứt chiếc cốc này
Xuống biển xanh sóng vỗ.

Khi chiếc cốc vừa rơi
Chạm lên đầu sóng trắng,
Vua lập tức lìa đời,
Chiếc cốc chìm lẳng lặng.

Thái Bá Tân dịch

************

Bài ca tuyệt vọng của nàng GRETCHEN

Thôi rồi những ngày hớn hở
Thôi rồi yên tĩnh đời ta!
Ta không còn tìm đâu thấy nữa
Không còn thấy lại bao giờ!

Từ khi người yêu đi khuất
Khắp nơi tựa cảnh tha ma!
Đời sống dập dồn trước mắt
Khác chi tang tóc đi qua!
Trí ta đâu còn tỉnh táo
Bốn phương trăm nẻo vẩn vơ
Lòng ta chỉ còn ảo não
Chia thành nghìn mảnh xót xa.

Thôi rồi những ngày hớn hở
Thôi rồi yên tĩnh đời ta!
Ta còn tìm đâu thấy nữa
Không còn thấy lại bao giờ!

Từ cửa sổ ta nhìn ra
Chỉ bóng chàng ta dõi đợi
Từ trong nhà ta chạy ra
Chỉ để đón chàng đi tới.

Bước đi người yêu chững chạc
Dung dáng người yêu hiên ngang
Miệng cười người yêu ấm áp
Ánh mắt người yêu rỡ ràng.

Lời chàng khiến ta ngây ngất
Lòng ta ân ái tràn đầy
Tay chàng tay ta ghì chặt
Chàng hôn ta,ôi nồng say!

Thôi rồi những ngày hớn hở,
Thôi rồi yên tĩnh đời ta!
Ta còn tìm đâu thấy nữa?
Không còn thấy lại bao giờ!

Trái tim ta se thắt lại
Khi chàng bước lại gần ta
Ôi ước chi ta giữ mãi
Không để cho chàng rời xa.

Ôi,cái hôn nồng tha thiết!
Hôn nhau mãi mãi không thôi!
Ta muốn chàng hôn mãi miết
Dù ta có chết vẫn tươi.

Thế Lữ và Đỗ Ngoạn dịch

*********

Mãi yêu không thôi

Đi ngược tuyết, ngược mưa
Đi ngược làn gió thổi
Đi trong sương ngập lối
Vẫn yêu hoài không thôi.

Yêu! dù bao nỗi đau
Ta cũng không lùi bước
Hơn cả khi thắng cuộc
Đời vui dâng sắc màu

Từ tim đến trái tim
Bao nỗi niềm thức dậy
Chính là nỗi đau ấy
Tạo tình yêu thiêng liêng!

Có lẽ nào ta trốn?
Trở lại khu rừng xưa?
Mọi thứ đều vô nghĩa
Trước vương miện cuộc đời
Hạnh phúc không ngừng nghỉ

Chưa rõ người dịch

*************

Tìm thấy

Tôi đi trong rừng
Một mình cô quạnh,
Chẳng tìm kiếm chi
Đó là chủ đích

Bỗng trong nắng rợp
Ló rạng nụ hoa
Long lanh như sao
Đẹp đôi mắt hiền

Tôi muốn hái hoa
Nhưng hoa khẽ nói:
Hoa sao khỏi héo
Nếu bị lìa cành?

Tôi đào tất cả
Rễ nhỏ cây hoa,
Mang về vườn cây
Bên nhà đẹp đẽ

Tôi trồng lại hoa
Trong góc vườn vắng:
Giờ đây cây lớn
Mãi mãi nở hoa.

Chưa rõ người dịch

bacbaphi.com.vn/entertainment/showthread.php?p=3429865#post3429865

Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết