You are not connected. Please login or register

Đêm Lisbon - Erich Maria Remarque

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

1Đêm Lisbon - Erich Maria Remarque Empty Đêm Lisbon - Erich Maria Remarque Tue Mar 24, 2015 2:44 pm

voanhkiem


Bạn Thân
Bạn Thân

GIỚI THIỆU TÁC GIẢ

Đêm Lisbon - Erich Maria Remarque Erich-10

Erich Maria Remarque sinh ngày 22 tháng 6 năm 1898 tại  Osnabrück, xứ Hannover, Tây bắc nước Đức, giáp giới với Hà Lan, thuộc một gia đình gốc Pháp di cư sang Westphalie sau cuộc Cách mạng tư sản Pháp 1789. Cha làm nghề đóng sách và theo đạo Thiên Chúa. Ông học trung học tại trường địa phương và năm 16 tuổi đã bị động viên đi quân dịch. Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, ông bị thương tới 5 lần, lần sau cùng, khá nặng. Sau khi chiến tranh kết thúc, nước Đức bị thua trận với 2 triệu người chết và 4 triệu người bị tàn phế, Remarque trở về làm nghề dạy học, đi buôn, làm tài xế lái thử xe cho một hãng làm vỏ ruột xe hơi tại thủ đô Berlin. Trong vòng 10 năm, ông bắt đầu viết báo, viết văn vào buổi tối, thoạt tiên gởi bài cho một tạp chí xe hơi Thụy Sĩ và trở thành phụ tá chủ bút của một tờ báo bằng tranh chuyên về thể thao.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông Phía Tây không có gì lạ viết trong năm 1929, năm ông 31 tuổi, sau khi bị 5, 6 nhà xuất bản ở Berlin từ chối, được dư luận văn học coi là cuốn tiểu thuyết Đức hay nhất nói về cuộc chiến tranh 1914-1918, và có nhà phê bình văn học đã gọi nó là “một trong những cuốn sách thành công nhất của thế kỷ”. trong năm đầu, riêng tại Đức, số sách bán đã lên tới 1.200.000 cuốn; đến nay đã được phát hành tới 8 triệu cuốn, được dịch ra nhiều thứ tiếng, được quay thành phim. Sự thành công mau chóng đó đã đem lại tiền tài danh vọng và nhiều mối đe dọa mới cho Remarque. Để tránh bị dòm ngó, ông sang Thụy Sĩ và ngụ tại căn nhà mà ông xây năm 1932 tại Lagơ Magiorơ.

Ngày 30 tháng 1 năm 1933, Hitler được đưa lên cầm quyền ở Đức. Ngay trong năm đó, chính quyền phát xít Đức tuyên bố rút khỏi Hội Quốc Liên, bỏ không tham gia Hội nghị thế giới về giải trừ quân bị. Hitler còn công bố ý định phục thù của người Đức, chính thức tổ chức Quân đội Quốc xã, tăng cường sản xuất vũ khí mới, chuẩn bị chiến tranh đồng thời, dưới chiêu bài chống Cộng, y ra sức đàn áp, bắt bớ các lực lượng cách mạng, các phần tử tiến bộ ở trong nước, đã đấu tranh với chủ nghĩa phát xít ngay khi nó mới ra đời. Những sự kiện đó diễn ra làm Remarque không có cơ hội trở về Đức nữa. Những tác phẩm của ông bị phát xít Đức đốt năm 1933 cùng các tác phẩm của các nhà văn tiến bộ khác như Bertolt Brecht, Thomas Mann,…, tên ông bị ghi vào sổ đen cùng với các nhà văn, nhà hoạt động nghệ thuật và xã hội tiến bộ khác. Ông không ở trên đất Đức nhưng vẫn bị chính quyền Đức xã truy nã. Năm 1938, chúng tước bỏ quốc tịch Đức của ông.

Sau khi thôn tính xong các nước Áo, Tiệp Khắc rồi xâm lấn Ba Lan năm 1939, thực hiện phần thứ nhất tham vọng làm bá chủ châu Âu và thế giới của hắn, Hitler đã mở đầu cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Quân đội Quốc xã giày xéo châu Âu và năm 1939, Remarque lại phải di cư một lần nữa sang Mỹ, ở Los Angeles.

Năm 1946, ở Mỹ, ông đã viết cuốn tiểu thuyết Khải hoàn môn nói về cuộc phiêu lưu của một người Đức di cư sang Pari, trong những năm 1938-1939. Đây cũng là một thành công lớn thứ hai của ông, đã có nhiều tiếng vang rộng rãi trên khắp thế giới.

Trong vòng 10 năm, Remarque bắt đầu viết để trình bày quá khứ mới mẻ và đen tối của dân tộc Đức trong những cuốn tiểu thuyết Tin lửa sống (1952) nói về một câu chuyện xảy ra trong một trại tập trung của Hitler, Thời gian để sống và thời gian để chết (1954) và vở kịch. Vị trí cuối cùng (1956). Những tác phẩm này đã được dư luận thế giới, đặc biệt là Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, rất khen ngợi, được dịch ra nhiều thứ tiếng, vở kịch đã được diễn đi diễn lại nhiều lần.

Những tác phẩm khác của ông được dư luận thế giới đánh giá cao là những cuốn tiểu thuyết: Con đường về (1931), mô tả đời sống cực về tinh thần và vật chất của các cựu chiến binh Đức sau chiến tranh; Ba người bạn (1938) nói về mối tình gắn bó của các cựu chiến binh Đức sau khi giải ngũ, Hãy yêu những kẻ hậu sinh (1940). Remarque mất năm 1970 ở Thụy Sĩ, thọ 72 tuổi.

2Đêm Lisbon - Erich Maria Remarque Empty Đêm Lisbon - Erich Maria Remarque Tue Mar 24, 2015 2:47 pm

voanhkiem


Bạn Thân
Bạn Thân


LỜI GIỚI THIỆU

Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai do chủ nghĩa phát xít Đức gây ra kéo dài trong 5 năm, đã hủy diệt hàng chục triệu người, xóa bỏ nhiều biên giới các quốc gia, lưu đày hàng triệu triệu dân chúng với những cuộc tàn sát hàng loạt và những lò sát sinh, những trại tập trung và sự tàn ác khủng khiếp của bạn Gestapo cho đến nay vẫn còn là những cơn ác mộng của nhiều dân tộc ở nửa đầu thế kỷ hai mươi.

Từ trước khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ (tháng 9-1939), bóng mây đen hăm dọa nền văn minh của nhân loại, đã báo hiệu cho loài người phải cảnh giác. Chiều ngày 10/5/1933, chỉ bốn tháng rưỡi sau khi tên trùm phát xít Hitler cai trị nước Đức, tại thủ đô Berlin đã diễn ra một cuộc rước đuốc khổng lồ của hàng vạn thanh niên và sinh viên tại quảng trường Unter den Linden (Dưới những cây già). Tại đây đuốc đã được châm vào những chồng sách lớn thiêu hủy hàng vạn cuốn sách. Những cuộc đốt sách một cách điên cuồng cũng diễn ra tại nhiều thành phố khác của nước Đức dưới ách thống trị của chủ nghĩa quốc xã. Nhiều nhà yêu nước, nhiều nhà khoa học, nhiều nghệ sĩ và nhà văn Đức có lương tri buộc lòng phải bỏ nước ra đi, trong số đó có nhà văn Đức Erich Maria Remarque, tác giả quyển tiểu thuyết lên án chiến tranh thế giới lần thứ nhất Phía Tây không có gì lạ.

Cũng như nhiều đồng bào của ông, Erich Maria Remarque mang nặng tâm trạng của người lưu vong đã mất hẳn quê hương và không gạt bỏ được mặc cảm thuộc một dòng giống đã sản sinh ra những Goethe và Schiller, lại đã trở nên tàn bạo và dã man dưới bóng đen của chủ nghĩa phát xít Hitler. Đó cũng là tâm trạng của người vừa ghê tởm vừa luyến tiếc quê hương mình. Hai nỗi niềm chua chát ấy in đậm trong nhiều tác phẩm của nhà văn giàu tính nhân văn và tính chiến đấu E.M Remarque như trong các tiểu thuyết nổi tiếng của ông Khải hoàn môn, Tia sống, Thời gian để yêu và thời gian để chết…

Trong Đêm Lisbon – một tác phẩm có giá trị tố cáo tội ác của chủ nghĩa quốc xã Đức trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai – cũng với tâm trạng u uất của người lưu vong, những nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, trong khi trốn bỏ quê hương đi tìm tự do với ảo tưởng bảo tồn cuộc sống, hạnh phúc và tình yêu, đã đặt niềm hi vọng ở “xứ sở của Thần Tự Do” – tức Hoa Kỳ. Nhưng mơ ước của họ đã sụp đổ với những cảnh đau lòng. Vùng đất hứa của những con người khốn khổ chạy trốn bóng đen phát xít Đức đang bao trùm cả châu Âu, đã được tác giả vạch rõ bằng sự tuyệt vọng của Helen nói với chồng sau một cuộc trốn chạy đầy phiêu lưu, mạo hiểm đến thủ đô Lisbon (Bồ Đào Nha): “Hoa Kỳ hả?... Anh sẽ làm gì ở Hoa Kỳ? Đến đó rồi lại sẽ có một Hoa Kỳ khác nữa, anh không thấy được điều đó sao?” và cuối cùng nàng đã tự tìm đến một cái chết thảm khốc.

Miêu tả sâu sắc số phận của những con người sống dưới chế độ phát xít Đức, Đêm Lisbon là tiếng chuông cảnh tỉnh con người trước thảm họa chiến tranh hạt nhân mới đang đe dọa hủy diệt nền văn minh của loài người, là bức thông điệp kêu gọi những người có lương tri siết chặt hàng ngũ đấu tranh gìn giữ và bảo vệ hòa bình trên trái đất. Chính vì ý nghĩa đó, Đêm Lisbon đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc của văn học Đức trong những thập kỷ gần đây.

NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP PHÚ KHÁNH

3Đêm Lisbon - Erich Maria Remarque Empty Re: Đêm Lisbon - Erich Maria Remarque Tue Mar 24, 2015 2:54 pm

voanhkiem


Bạn Thân
Bạn Thân


CHƯƠNG MỘT

Tôi chăm chú nhìn con tàu buông neo trên sông Tagus, đèn thắp sáng rực rỡ. Mặc dầu tôi ở lại Lisbon đã được một tuần lễ, tôi vẫn chưa quen được với cái ánh sáng rực rỡ vô tư lự của nó. Ở những miền đất nước mà tôi đã ra đi, thành phố tối đen như hầm mỏ than, và ngọn đèn lồng trong bóng đêm còn kinh khiếp hơn bệnh dịch thời Trung Cổ. Và đó là châu Âu của thế kỷ hai mươi.

Đó là con tàu chở hành khách; nó đang được chất hàng. Tôi biết nó sẽ ra khơi vào ngày hôm sau. Trong ánh sáng gay gắt của những bóng điện trần, những thùng thịt, cá, thực phẩm đóng hộp, bánh mì và rau tươi đang được đưa xuống hầm chứa hàng. Công nhân bốc dỡ đưa hành lý lên tàu, nâng những thùng, những kiện hàng lên tàu một cách lặng lẽ, tưởng như chúng nhẹ tênh. Con tàu đang được chuẩn bị để làm một cuộc hành trình – như con tàu cứu rỗi vào thời Hồng thủy. Nó đúng là một thuyền cứu rỗi. Bất kỳ chiếc tàu nào rời châu Âu vào những tháng đó của năm 1942 cũng là một tàu cứu rồi. Đỉnh Ararat[1] xưa kia nay là nước Hoa Kỳ, và nước lũ dâng cao lên từng ngày. Đã lâu nó ào vào nước Đức và nước Áo, nay nó làm chìm ngập Ba Lan và Praha; rồi đến lượt Amsterdam, Brussels, Copenhagen, Oslo[2] và Paris. Tiếp theo là các thành phố nước Ý đã nghe nó thấm rỉ vào, và cả Tây Ban Nha cũng không thoát được. Bờ biển Bồ Đào Nha trở thành niềm hy vọng cuối cùng của những người tị nạn mà công lý, tự do và lòng khoan dung đối với họ có giá trị hơn cả quê hương và cuộc sống. Nơi đây là cửa ngõ vào Hoa Kỳ. Nếu bạn không đến đó được, tức là bạn hết thời, bạn sẽ phải mòn mỏi tiêu hao trong đám rừng rậm của những tòa lãnh sự, đồn cảnh sát, và những cơ quan chính phủ, nơi đây hộ chiếu bị từ chối, công việc làm ăn và giấy phép cư trú không thể có, cả một rừng chằng chịt những trại tập trung, cả một hệ thống giấy tờ thủ tục hành chánh, nỗi cô đơn, nhớ nhà và sự lãnh đạm khô héo của mọi người. Như thường lệ trong thời chiến, sợ hãi và ưu phiền, cả đến sinh mạng cá thể của con người cũng không còn có nữa. Chỉ một điều duy nhất là đáng kể: một tờ giấy thông hành có giá trị.

Tối hôm ấy tôi đến sòng bạc Casino Estoril để đánh bạc. Tôi còn giữ được một bộ quần áo tươm tất nên họ để tôi vào. Đây là cố gắng cuối cùng và tuyệt vọng của tôi để thách đố số phận. Giấy phép cư trú tại Bồ Đào Nha của chúng tôi trong vài ngày nữa là hết hạn, mà tôi và Ruth chẳng có giấy hộ chiếu nào khác. Khi ở Pháp, chúng tôi đã vạch kế hoạch và liệt kê danh sách các chuyến tàu có thể đi New York. Con tàu bỏ neo tại sông Tagus này là chiếc sau cùng có ghi trên danh sách của chúng tôi. Vé tàu thì đã bán ra từ nhiều tháng nay; mà chúng tôi lại không có dấu nhập cảnh Hoa Kỳ, và còn thiếu hơn ba trăm đô la để mua vé. Ít ra tôi cũng cố gắng nâng số tiền này lên bằng cách còn có thể được đối với một người nước ngoài tại Lisbon, đó là đánh bạc. Thật là một ý nghĩ điên rồ vì nếu tôi đánh có ăn đi nữa thì cũng phải có thêm một phép lạ chúng tôi mới lên tàu được. Nhưng trong lúc hiểm nguy và tuyệt vọng, bạn thường tin tưởng và phép màu, nếu không bạn sẽ chìm luôn.

Tôi đã thua mất năm mươi sáu đô la trong số sáu mươi hai đô la chúng tôi còn lại.

Đêm đã về khuya và bến tàu thì gần như hoang vắng. Nhưng một lát sau tôi nhận ra có một người đàn ông cách tôi không xa. Lúc đầu thì hắn thả bộ phất phơ, sau đó hắn dừng lại và cũng bắt đầu chăm chú nhìn ra con tàu. Lại một kẻ tị nạn bị bỏ rơi, tôi chợt nghĩ, và không chú ý đến hắn nữa, cho đến lúc tôi có cảm giác là hắn đang nhìn tôi. Dân tị nạn không bao giờ đánh mất nỗi lo sợ đối với cảnh sát, dù là trong giấc ngủ hoặc trong lúc chẳng có gì phải sợ hãi cả. Bởi thế nên tôi quay đi, giả vờ như dửng dưng chán chường và bắt đầu chậm rãi rời khỏi cầu tàu, như một người chẳng có gì phải lo sợ cả.

Một lúc sau, tôi lại nghe tiếng bước chân đằng sau. Tôi vẫn tiếp tục đi mà không vội vã, vừa tự hỏi làm sao tôi có thể báo cho Ruth biết tin nếu tôi rủi bị bắt. Những ngôi nhà màu tùng lam ở cuối cầu tàu ngái ngủ như những con bướm đêm, đối với tôi thật vẫn còn quá xa để tôi có thể chạy đến đó và biến mất trong mấy đường phố quanh co chằng chịt.

Giờ đây thì hắn đã đứng ngay bên cạnh tôi.

- Ông là người Đức? – Hắn hỏi tôi bằng tiếng Đức.

Tôi lắc đầu và tiếp tục bước đi.

- Người Áo?

Tôi cũng không trả lời. Tôi nhìn những ngôi nhà màu tùng lam đang tiến lại gần một cách quá chậm chạp. Tôi thừa biết có những cảnh sát viên người Bồ Đào Nha nói tiếng Đức rất thạo.

- Tôi không phải là cảnh sát. – Gã đàn ông nói.

Tôi không tin lời hắn. Hắn mặc thường phục, nhưng đã có năm bảy lần những người mặc thường phục bắt tôi ở châu Âu. Tôi có giấy tờ tùy thân, vốn là một tác phẩm không đến nỗi tệ lắm do một giáo sư dạy toán người gốc thành phố Praha ở Paris thực hiện, nhưng nếu bị kiểm tra kỹ thì chắc sẽ không chút giá trị gì.

- Tôi thấy ông nhìn con tàu – Người đàn ông nói – Điều đó khiến tôi nghĩ rằng…

Tôi dửng dưng nhìn hắn ta. Thật tình thì hắn chẳng có vẻ gì là cảnh sát cả, nhưng người đàn ông mặc thường phục mới đây đã tóm cổ tôi ở Bordeaux[3] lần vừa rồi cũng có vẻ thảm hại như Lazarus[4] khi ra khỏi mồ sau ba ngày, ấy thế mà hắn lại là kẻ tàn bạo nhất trong đám. Hắn đã bắt tôi, dầu hắn biết qua hôm sau quân Đức sẽ có mặt tại đó, và đời tôi kể như chấm dứt nếu không có tên cai ngục tốt bụng thả tôi ra vài giờ sau đó.

- Ông muốn đi New York không? – Người đàn ông hỏi.

Tôi không trả lời; chỉ cần hai mươi thước nữa thôi, và nếu cần, tôi có thể đánh gục hắn rồi tẩu thoát.

- Đây là hai vé để đáp thuyền tàu đó. – Người đàn ông nói và cho tay vào túi.

Tôi trông thấy hai tấm vé. Dưới ánh đèn yếu ớt, tôi không thể đọc trong ấy viết những gì. Nhưng chúng tôi đã ở vào một khoảng cách khá đủ và bây giờ nếu dừng lại thì cũng chẳng sao.

- Tất cả những điều này có nghĩa gì thế? – Tôi hỏi hắn bằng tiếng Bồ Đào Nha; tôi đã học được ít câu ngôn ngữ đó.

- Ông có thể dùng hai tấm vé đó. – Người đàn ông bảo – Tôi không cần đến nữa.

- Ông không cần đến chúng sao? Ông muốn nói gì vậy?

- Tôi không cần đến vé tàu nữa.

Tôi nhìn chòng chọc vào người đàn ông. Tôi không thể hiểu nổi. Quả thật hắn chẳng có vẻ gì là cảnh sát cả. Nếu muốn bắt tôi thì hắn có thể làm việc đó mà không cần đến những ngón nghề hoa hòe hoa sói như vậy. Nếu mấy tấm vé kia có giá trị, tại sao hắn không thể sử dụng được? Và tại sao hắn lại biếu tôi? Có một c bắt đầu run rẩy trong tôi.

Sau cùng tôi đáp bằng tiếng Đức:

- Tôi không thể mua những tấm vé ấy được. Chúng rất đắt, bằng cả một gia sản. Tại Lisbon này, có những kẻ dư của nhiều tiền; họ có thể trả bất cứ giá nào ông muốn. Ông đã gặp không đúng người rồi. Tôi chẳng có tiền.

- Tôi không muốn bán – Người đàn ông đáp.

Tôi nhìn lại những tấm vé.

- Mấy vé ấy thật hay giả?

Hắn chìa cho tôi những tấm vé, chẳng nói một lời. Chúng kêu sột soạt giữa mấy ngón tay tôi. Quả thật chúng là những tấm vé thật. Có những tấm vé này, đó là sự khác nhau giữa sự hủy diệt và cứu rỗi. Cho dầu tôi không sử dụng được vì không có dấu nhập cảnh Hoa Kỳ, thì sáng hôm sau, chúng tôi vẫn có thể cố gắng xin dấu nhập cảnh, hay ít ra cũng có thể bán vé lại. Như thế có nghĩa là tôi có thể kéo dài cuộc sống thêm sáu tháng nữa.

- Quả thật tôi không hiểu – Tôi nói.

- Ông có thể dùng những tấm vé đó, – hắn đáp lại – mà chẳng phải trả bất cứ một thứ gì. Sáng mai đây tôi sẽ rời Lisbon. Chỉ có một điều kiện.

Đôi tay tôi chùng xuống. Tôi hiểu rằng đây là một câu chuyện quá đẹp nên khó trở thành sự thật.

- Điều kiện gì? – Tôi hỏi.

- Đêm nay tôi không muốn phải cô đơn.

- Ông muốn tôi ở lại với ông?

- Vâng. Cho đến sáng ngày mai.

- Có thế thôi sao?

- Vâng, chỉ có thế.

- Chẳng có gì khác nữa sao?

- Không, chẳng có gì khác>

Tôi nhìn hắn, bán tính bán nghi. Dĩ nhiên, tôi cũng hiểu người ta trong hoàn cảnh chúng tôi có thể rã rời, chán nản; đôi khi nỗi cô đơn là điều không thể chịu đựng được. Tôi hiểu rõ nỗi sợ hãi, sự trống vắng tấn công những kẻ mà đối với họ thế giới đã biến thành một khoảng cô quạnh, và tôi cũng biết sự có mặt của một người, dù là hoàn toàn xa lạ, còn có thể cứu được người ta khỏi tự vẫn. Nhưng trong những tình cảnh như thế người ta giúp lẫn nhau là chuyện thường tình; chẳng cần đưa ra một đền đáp nào cả. Mà lại là một sự đền đáp như thế.

- Ông ở đâu? – Tôi hỏi.

Hắn khoát tay ra dấu không có.

- Tôi không muốn đến đó. Chẳng có một quán rượu nào còn mở cửa nữa sao?

- Chắc phải có chứ.

- Chẳng có nơi nào cho dân tị nạn tìm chút khuây khỏa sao? Một nơi giống quán Café de la Rose ở Paris chẳng hạn?

Tôi biết quán Café de la Rose. Ruth và tôi đã ngủ tại đó trong suốt hai tuần lễ. Chủ nhân để cho bạn ở đấy bao lâu cũng được với giá tiền một tách cà phê thôi. Bạn cứ trải vài tờ báo ra và nằm ngủ ngay nơi sàn nhà. Tôi chưa bao giờ ngủ trên bàn; ngủ dưới sàn nhà thì không còn rơi xuống đâu nữa.

- Tôi chẳng biết quán nào cả. – Tôi đáp.

Điều này không đúng, nhưng ta không thể đưa người có hai vé tàu đến một nơi mà nhiều người dám bỏ mất linh hồn để có được chúng.

- Tôi chỉ biết có một chỗ – Người đàn ông nói – Ta có thể đến đó thử. May ra nó còn mở cửa.

Hắn tiến gần một chiếc taxi đơn độc và nhìn tôi.

- Cũng được vậy – Tôi nói.

Chúng tôi bước lên xe và hắn cho người lái xe một địa chỉ. Tôi muốn cho Ruth biết đêm hôm đó tôi không về, nhưng khi bước lên chiếc taxi tối om và hôi hám, tôi bị vây bủa bởi một niềm hy vọng quá mãnh liệt và khủng khiếp đến nỗi đầu óc tôi tưởng như quay cuồng. Có thể chuyện này là thật; có thể là mạng sống của chúng tôi chưa đến lúc tận cùng và điều không thể lại có thể xảy đến; có lẽ chúng tôi sắp được cứu thoát. Một khi ý tưởng này đi sâu vào tâm não, tôi lại đâm ra lo sợ người khách lạ biến mất khỏi tầm mắt mình, dầu chỉ trong giây phút.

Chúng tôi đi lòng vòng quanh quảng trường Praca do Comércio, một nơi trông có vẻ là hí trường, và một lát sau, chúng tôi đến khu gồm những ngõ hẻm chằng chịt và nhiều bậc thang. Tôi không biết khu này của thành phố Lisbon. Lâu nay tôi chỉ quen thuộc với những giáo đường và viện bảo tàng; chẳng phải vì tôi quá yêu Thượng đế hay nghệ thuật, mà vì trong giáo đường hay viện bảo tàng chẳng ai hỏi đến giấy tờ bạn cả. Trước mặt Đấng Ki-tô đóng đinh trên thập giá và trước các bức danh họa, bạn vẫn còn là con người chứ không phải là một kẻ nào đó với mớ giấy tờ khả nghi.

Chúng tôi xuống taxi và tiếp tục lần lên những đường bậc thang và những con phố quanh co. Đây đây phảng phất mùi cá, mùi tỏi, mùi hoa đêm, mùi nắng đã tắt lịm và mùi của giấc ngủ. Dưới vầng trăng đang nhô lên, lâu đài thánh George vươn lên cao khỏi bóng đêm từ một phía, và ánh trăng tuôn tràn trên mấy lối nấc thang. Tôi đi quanh quất và nhìn xuống cảng. Dưới kia là con sông, mà con sông là tự do và cuộc sống; nó chảy ra đại dương, mà đại dương có nghĩa là Hoa Kỳ.

Tôi dừng bước, lặng lẽ.

- Tôi mong ông không đùa với tôi đấy chứ? – Tôi nói.

- Không. – Người đàn ông trả lời.

- À, tôi muốn nói là đùa cợt với những tấm vé đó.

Hắn đã bỏ những tấm vé tàu vào túi khi đến cầu tàu.

- Không. – Hắn trả lời – Tôi không đùa đâu.

Hắn chỉ về hướng một khu nhà nhỏ nhắn đóng khung trong vòm cây.

- Đó là nơi tôi muốn nói đến. Quán này vẫn còn mở cửa. Không ai chú ý đến chúng ta đâu. Hầu hết khách ăn uống đều là người nước ngoài. Họ sẽ nghĩ chúng ta ra đi ngày mai và chúng ta uống mừng đêm cuối cùng ở Bồ Đào Nha trước khi đáp tàu thủy.

Nhà hàng thuộc loại tiệm ăn đêm với một sàn nhảy bé tí xíu và một hàng hiên để phục vụ du khách đến và đi. Có ai đó đang chơi đàn ghi ta và ở cuối phòng một cô gái đang hát một bài dân ca ai oán Bồ Đào Nha. Ngoài hàng hiên, phần lớn những dãy bàn đã có người ngoại quốc ngồi rồi. Có một thiếu phụ mặc dạ phục và một người đàn ông mặc xmốc kinh. Chúng tôi tìm được một cái bàn ở phía cuối hàng hiên. Từ đây ta có thể trông xuống thành phố Lisbon, những nhà thờ trong ánh sáng mờ nhạt, những đường phố, hải cảng, những cầu tàu và chiếc tàu “cứu rỗi”.

- Ông có tin vào sự sống lại sau khi chết không? – Người đàn ông có những tấm vé hỏi.

Tôi ngước nhìn lên. Tôi chờ đợi bất cứ mọi chuyện trừ câu hỏi này. Sau cùng, tôi nói:

- Tôi cũng không biết nữa. Trong những năm gần đây, tôi mải lo lắng về việc làm sao sống còn được trước khi chết. Tôi sẽ nghĩ đến vấn đề kia một khi đến được Hoa Kỳ. – Tôi nói thêm, có ý nhắc hắn mấy tấm vé tàu hắn hứa cho tôi.

- Còn tôi thì không. – Hắn bảo.

Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi sẵn sàng nghe bất cứ chuyện gì nhưng không tài nào chịu nổi một cuộc tranh luận. Tôi quá mệt mỏi. Bên dưới kia, con tàu nằm chờ đợi.

Người đàn ông ngồi đó hồi lâu, như thể ngủ mà mắt vẫn mở. Đến lúc người chơi ghi ta bước ra hàng hiên thì hắn vội thức dậy.

- Tôi tên là Schwarz. – Hắn nói – Đó không phải là tên thật của tôi đâu, chỉ là cái tên trên thẻ thông hành của tôi thôi. Nhưng tôi đã quen với nó rồi. Với cái tên ấy đêm nay thì cũng ổn thôi. Ông ở Pháp có lâu không?

- Mãi đến lúc họ không cho phép tôi lưu lại đó nữa.

- Bị giam ư?

- Vâng, khi chiến tranh bùng nổ, như mọi người.

Người đàn ông gật gù.

- Chúng tôi cũng thế. Tôi đã hạnh phúc. – Giọng hắn chùng xuống và mặt ngoảnh đi. – Tôi rất hạnh phúc, tưởng như tôi chưa bao giờ được hạnh phúc đến như vậy.

Tôi ngạc nhiên quay người lại. Thật tình hắn chẳng có vẻ gì là người muốn nói chuyện bằng giọng điệu như thế. Trông hắn có vẻ khó tả và kín đáo.

- Lúc nào thế? Trong trại tập trung hả? – Tôi hỏi.

- Không phải đâu. Trước kia nữa.

- Vào năm 1939? Tại Pháp?

- Đúng vậy. Mùa hè trước khi chiến tranh bùng nổ. Đến nay tôi vẫn không hiểu tại sao cớ sự lại xảy ra như thế. Chính vì vậy mà giờ đây tôi cần phải nói chuyện với một ai đó. Ở đây, tôi chẳng quen biết ai cả. Nhưng nếu tôi được kể với ai về chuyện đó, tôi có thể hồi tưởng lại một cách dễ dàng. Trong trí tôi nó sẽ rõ nét hơn. Và nó sẽ còn lại đó. Thật ra, tôi chỉ cần…

Bỗng nhiên, hắn ngừng lại. Một lát sau, hắn lại hỏi:

- Ông hiểu chứ?

- Vâng, chẳng có gì khó hiểu cả ông Schwarz ạ.

- Không tài nào hiểu nổi đâu, ông ơi. – Đột nhiên hắn trả lời một cách giận dữ – Nàng nằm đó, trong phòng đóng kín cửa sổ, trong một cỗ quan tài gớm ghiếc; nàng đã chết, nàng không còn sống nữa! Ai hiểu được điều đó chăng? Chẳng ai cả. Cả ông lẫn tôi đều không thể hiểu. Chẳng ai cả, và kẻ nào đó bảo rằng y hiểu được, kẻ đó là một tên khoác lác.

Tôi chẳng nói gì và chờ đợi. Tôi đã từng ngồi tiếp chuyện với một người trong hoàn cảnh tương tự. Những mất mát, thua thiệt thật khó mà chịu đựng nổi khi bạn không có lấy một quê hương riêng cho bạn. Chẳng có gì để nâng đỡ bạn, và cái đất nước xa lạ kia lại càng trở nên xa lạ một cách khủng khiếp hơn. Bản thân tôi đã có kinh nghiệm về chuyện này ở Thụy Sĩ, khi hay tin bố mẹ tôi đã bị giết và hỏa thiêu trong một trại tập trung. Cái ý nghĩ về đôi mắt mẹ tôi trong ngọn lửa lò hỏa thiêu vẫn ám ảnh tôi mãi.

- Tôi chắc rằng, – Schwarz nói một cách điềm tĩnh hơn – ông cũng đã nếm qua những nỗi phập phồng, kinh hãi của người dân tị nạn là như thế nào rồi.

Tôi gật đầu. Người hầu bàn mang ra cho chúng tôi một bát đầy tôm. Đột nhiên tôi mới nhớ tôi chưa ăn gì kể từ bữa cơm trngập ngừng nhìn về phía Schwarz.

- Mời ông cứ tự nhiên dùng bữa đi. – Hắn nói – Còn tôi, tôi chờ.

Hắn kêu rượu chát và thuốc lá. Tôi ăn thật nhanh. Tôm tươi được ướp gia vị thật tuyệt.

- Bỏ lỗi cho tôi nhé. – Tôi nói – Quả thật là tôi rất đói.

Tôi vừa ăn vừa quan sát Schwarz. Hắn ngồi đó, thản nhiên nhìn xuống cái sân khấu bao la mang tên Lisbon mà không nôn nóng hoặc giận dữ gì. Chính điều này khiến tôi bỗng nhiên có đôi chút cảm tình đối với hắn. Dường như hắn nhận ra, dầu sách dạy lịch sự có nói gì về vấn đề này, người ta vẫn có thể thấy đói ngay cả trong sự hiện diện của nỗi bất hạnh mà chẳng thấy cảm xúc gì cả. Nếu bạn chẳng làm được điều gì có ích hơn, ít ra bạn cũng có thể dùng nốt bữa ăn của bạn trước khi người ta dẹp nó đi. Bởi điều này có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tôi đẩy đĩa thức ăn qua một bên và đốt một điếu thuốc. Đã lâu lắm tôi chưa được hút thuốc. Tôi đã phải nhịn thuốc hầu có thêm chút ít tiền để đánh bạc.

- Nỗi lo sợ hốt hoảng đã nhập vào tôi mùa xuân năm 1939. – Schwarz nói – Hơn năm năm nay tôi là dân tị nạn. Mùa thu năm 1938 ông ở đâu?

- Ở Paris.

- Tôi cũng thế. Nhưng rồi thì tôi bỏ cuộc. Dạo ấy là ngay trước lúc ký thỏa ước Munich[5]. Nỗi khiếp sợ của tôi rồi tự nhiên cũng qua đi. Tuy vậy, tôi vẫn tiếp tục lẩn trốn và cảnh giác vì thói quen, nhưng nay tôi đã bỏ cuộc rồi. Chiến tranh sẽ nổ ra và người Đức sẽ đến đây bắt tôi. Âu đó cũng là số phận của tôi. Tôi đành chịu vậy.

Tôi gật đầu.

- Đó là vào hồi có làn sóng tự sát. Quả thật là lạ. Một năm rưỡi sau khi quân Đức đến thật sự thì những vụ tự tử lại ít hơn. Tiếp đó là thỏa ước Munich. – Schwarz tiếp – Mùa thu năm ấy, chúng tôi lại được sống thoải mái hơn. Cuộc sống thật là ngọt ngo, nhẹ nhàng, thanh thản, nên chúng tôi đâm ra thiếu cảnh giác. Năm ấy, quả thật hàng cây dẻ lại trổ hoa một lần nữa ở Paris, ông còn nhớ chứ? Việc này đã khắc sâu vào tâm trí tôi rồi. Một lần nữa tôi lại cảm thấy tôi là con người, và điều tệ hơn nữa là tôi lại hành động như một con người cho nên cảnh sát bắt tôi và giam tôi trong bốn tuần lễ về tội nhập cảnh bất hợp pháp. Ở đâu thì cũng diễn ra cái màn cũ đó. Chúng tống tôi qua biên giới tại Basel[6], rồi người Thụy Sĩ đẩy tôi trở lại, người Pháp lại tống tôi trở ra tại một địa điểm khác. Tôi bị bắt nhốt lần nữa – chắc ông cũng biết cái thủ tục luẩn quẩn đó, cái trò đánh cờ bằng con người.

- Vâng, tôi biết. Nếu là mùa đông thì chẳng vui thú gì. Chỉ có nhà lao Thụy Sĩ là đàng hoàng nhất. Được sưởi ấm như khách sạn.

Tôi lại tiếp tục ăn. Với những kỷ niệm khó chịu, vẫn có một khía cạnh tốt: chúng khiến ta nghĩ ta được hạnh phúc trong khi chỉ một lúc trước đó ta lại tin vào điều trái ngược hẳn. Hạnh phúc chỉ là vấn đề mức độ. Khi nhận thức được như vậy, ít khi bạn hoàn toàn khổ sở. Tôi đã được sung sướng trong nhà tù Thụy Sĩ chỉ vì không phải là nhà tù Đức. Nhưng giờ đây, trước mặt tôi là một người đàn ông đang ngồi nói chuyện với tôi, tưởng như hắn được hạnh phúc mặc dầu đâu đây, tại Lisbon này, có một cỗ quan tài đã được dựng lên trong một căn phòng thiếu không khí.

- Lần vừa rồi, lúc thả tôi ra, họ bảo sẽ tống tôi về Đức lại nếu bắt được tôi mà không có giấy tờ. – Schwarz nói – Đó chỉ là một lời hăm dọa, nhưng nó vẫn làm cho tôi lo sợ. Tôi bắt đầu tự hỏi sẽ phải làm gì nếu chuyện đó xảy ra thực sự. Ban đêm tôi bắt đầu mơ thấy tôi ở Đức với bọn lính SS[7] đang săn đuổi tôi. Giấc mơ ấy thường đến với tôi đến mức tôi đâm ra sợ những lúc phải ngủ thiếp. Có bao giờ sự thể này xảy đến với ông không?

- Tôi có thể viết cả một luận án về vấn đề này. – Tôi đáp.

- Có một đêm tôi mơ thấy đang ở Osnabruck[8], một thành phố nơi tôi đã từng sống và vợ tôi thì đang sống. Tôi đứng trong phòng nàng và nhận ra nàng ốm. Nàng gầy như sậy vàóc sướt mướt. Tôi bừng tỉnh dậy, toát mồ hôi lạnh. Trong năm năm, tôi không gặp nàng và cũng không nhận được tin tức gì của nàng. Tôi cũng chẳng viết thư cho nàng nữa. Vì tôi không biết thư từ của nàng có bị mở ra kiểm duyệt không. Trước khi tôi ra đi, nàng có hứa sẽ làm đơn xin ly dị. Tôi nghĩ như thế nàng sẽ được dễ dãi hơn. Và trong nhiều năm nay, tôi tưởng nàng đã làm việc này rồi.

Schwarz im lặng một hồi. Tôi không hỏi hắn vì sao bỏ nước Đức ra đi. Có vô số lý do nhưng chẳng có lý do nào vững cả, vì tất cả đều trái với lẽ thường. Làm nạn nhân, thật chẳng có vui thú gì. Hoặc hẳn là dân Do Thái, hay thuộc một đảng chính trị chống lại chế độ, hoặc có những kẻ thù nay đã bước lên địa vị có thế lực. Ở Đức, có hàng tá lý do để bị ném vào trại tập trung hoặc bị hành quyết.

- Tôi đã tìm được cách trở lại Paris. – Schwarz nói – Nhưng mộng ấy vẫn không để tôi yên. Nó cứ trở về với tôi mãi. Trong lúc ấy, ảo tưởng do thỏa ước Munich tạo nên đã tan vỡ. Vào đầu xuân, ai ai cũng biết sẽ có chiến tranh. Bạn có thể đánh hơi thấy nó, y như bạn đánh hơi có lửa trước khi bạn trông thấy nó. Chỉ có những nhà ngoại giao mới nhắm mắt lại và mơ những giấc mơ khao khát là sẽ có một thỏa ước Munich thứ hai hoặc thứ ba hoặc bất cứ là gì nhưng không phải chiến tranh. Chưa lúc nào lại có nhiều người tin vào phép màu như ở thời đại chúng ta đến thế, trong khi thật ra chẳng có phép màu nào cả.

- Có chứ. – Tôi nói – Nếu không, chúng ta đâu còn sống đến ngày nay.

- Đúng vậy. Đó là những phép màu riêng tư. Bản thân tôi cũng có được một phép màu như thế. Câu chuyện bắt đầu từ Paris. Dạo ấy, bỗng đâu tôi lại thừa hưởng được một giấy thông hành có giá trị. Đó là tấm thông hành mang tên Schwarz. Nó là của một người Áo tôi gặp tại quán Café de la Rose. Anh ta chết đi và để lại cho tôi tấm thông hành đó cùng tiền bạc của anh ấy. Anh mới đến chỉ ba tuần lễ trước đó. Tôi gặp tại viện bảo tàng Louvres[9], đang ngắm những tác phẩm của các họa sĩ phái ấn tượng. Đôi khi tôi cũng đến đó để cho những dây thần kinh tôi được lắng xuống. Khi bạn ngắm những phong cảnh bình yên ngập nắng, bạn không thể ngờ một giống người có khả năng sáng tạo những bức tranh như thể lại sắp sửa gây ra cuộc chiến tranh tàn hại – một ảo tưởng xoa dịu đưa huyết áp ta xuống trong vài tiếng đồng hồ>

“Người đàn ông với tấm thông hành mang tên Schwarz thường đứng ngắm những bức tranh hoa sen và giáo đường của Monet[10]. Chúng tôi bắt đầu nói chuyện với nhau và anh ta cho biết sau vụ Anschluss[11], anh đã tìm đường trốn khỏi nước Áo bằng cách bỏ lại tài sản của mình, gồm bộ sưu tập các bức danh họa của phái ấn tượng. Bộ sưu tập này đã bị Nhà nước tịch thu. Anh ta chẳng luyến tiếc gì. Chừng nào những bức tranh ấy được trưng bày ở viện bảo tàng, thì anh ta còn có thể chiêm ngưỡng chúng như của riêng mình mà không phải lo lắng hỏa hoạn hay trộm cắp. Vả lại, trong những viện bảo tàng của Pháp có những bức tranh còn đẹp hơn những bức tranh anh có thể có. Thay vì bị ràng buộc vào bộ sưu tập tầm thường của riêng mình như người cha bị gắn bó vào gia đình, với bổn phận phải thích cái của mình hơn, nay anh ta có tất cả những bức tranh trong các viện bảo tàng công cộng mà khỏi phải cố gắng hay trách nhiệm gì cả. Anh ta là một người đàn ông kỳ quặc, trầm tĩnh, dễ thương, vui tính, mặc dù đã phải gánh chịu tất cả mọi tai ương. Anh ta mang theo mình rất ít tiền, nhưng có giấu được một số tem cũ. Tem là vật nhỏ nhất có thể giấu được dễ dàng hơn kim cương. Thật khó mà bước đi trên kim cương nếu bạn giấu nó trong giày và bạn bị gọi ra khỏi tàu để kiểm tra. Bạn không thể bán được trừ khi bạn chấp nhận bán lỗ nhiều, và người ta sẽ hỏi bạn nhiều câu hỏi. Còn tem thì dành cho người sưu tầm. Mà những nhà sưu tầm thì không đến nỗi tò mò lắm”.

- Bằng cách nào mà anh ta có thể đem ra ngoài được? – Tôi hỏi với một sự chú ý mà mọi dân tị nạn đều có.

- Anh ta mang theo một ít thư từ cũ, bề ngoài có vẻ vô hại và giấu những con tem đó dưới lớp giấy lót của phong bì. Nhân viên hải quan kiểm soát thư từ chứ không kiểm soát phong bì.

- Không tệ lắm. – Tôi nói.

- Anh ta cũng mang theo hai bức chân dung của Ingres[12]. Đó là những bức họa bằng bút chì. Anh lồng chúng vào những khung mạ vàng gớm ghiếc và bảo là chân dung cha mẹ mình. Anh nhét hai bức họa của Degas[13] giữa bức chân dung và lớp giấy phía sau lưng

- Không tệ lắm. – Tôi lại nói.

- Đến tháng tư, anh ta bị đau tim. Anh để lại tấm thông hành, số tem còn lại cũng những bức họa cho tôi. Anh ta còn để lại cho tôi địa chỉ những người có thể mua tem. Sáng hôm sau, khi tôi tạt qua thăm anh ta, thì anh đã chết trong giường, nét mặt bị sự im lặng thay đổi đến mức tôi khó lòng nhận ra anh được. Tôi lấy số tiền anh ta còn lại, một bộ áo quần và đồ lót. Ngày hôm trước đó, anh đã bảo tôi làm như thế; anh muốn thà để lại những tư trang của mình cho một người bạn cùng số phận còn hơn cho lão chủ nhà.

- Ông có sửa lại giấy thông hành không? – Tôi hỏi.

- Tôi chỉ thay đổi tấm ảnh và năm sinh. Schwarz lớn hơn tôi hai mươi tuổi, Tên chúng tôi trùng nhau, còn họ thì khác.

- Ai làm việc đó? Brunner phải không?

- Một người nào đó, dân Munich.

- Đúng là Brunner, chuyên gia về giấy thông hành. Brunner được mọi người biết đến nhờ tài ngụy tạo giấy tờ tùy thân. Ông ta đã giúp cho không biết bao nhiêu người, nhưng chính bản thân ông khi bị bắt chẳng có một mảnh giấy tờ nào cả. Ông ta là người tin dị đoan. Ông nghĩ mình là người đáng kính và là kẻ làm phúc cho thiên hạ, và tin chắc chẳng có chuyện gì xảy đến cho ông chừng nào mà ông không vận dụng nghệ thuật của mình cho chính lợi ích của bản thân. Ông ta đã từng làm sở hữu chủ một nhà in nhỏ ở Munich.

- Thế bây giờ ông ta ở đâu? – Tôi hỏi – Ông ấy chẳng ở Lisbon sao?

- Tôi chẳng rõ, nhưng điều ấy có thể là có, nếu ông còn sống.

- Thật là chuyện buồn cười. – Schwarz đệ nhị nói – Khi tôi nắm được tấm giấy thông hành, tôi lại không dám sử dụng nó. Thêm vào đó, tôi phải mất dăm ba ngày để làm quen với cái tên mới của tôi. Tôi cứ nhắc đi nhắc lại cái tên ấy cho chính mình. Khi qua khu phố Champs Elysees[14], tôi cứ lẩm bẩm cái tên, ngày và nơi sinh mới. Tôi ngồi trong viện bảo tàng chăm chú nhìn mấy bức tranh của Renoir, và nếu chỉ có mình tôi lc đó thì tôi lại diễn tập cuộc đối thoại tưởng tượng. Một giọng nghiêm khắc: “Schwarz!”. Rồi tôi nhảy nhổm dậy trả lời: “Dạ, có tôi”. Hoặc là tôi gầm gừ: “Tên gì?” và tôi lại đáp như cái máy: “Josef Schwarz, sinh tại Wiener Neustadt, ngày 22 tháng sáu năm 1898”. Tôi còn thực tập ngay cả trước khi đi ngủ. Tôi không muốn bị đánh thức bởi một tên cảnh sát và khai tên họ sai trước khi lấy lại bình tĩnh. Tôi phải quên hẳn cái tên cũ của tôi. Có sự khác biệt giữa việc không có giấy thông hành và có một giấy thông hành giả. Tấm thông hành giả nguy hiểm hơn nhiều.

“Tôi đã bán hai bức tranh của Ingres và nhận được một số tiền ít hơn là số tiền tôi mong đợi, nhưng giờ đây, tôi đã có tiền, và có nhiều hơn là tôi đã được thấy từ lâu”.

“Sau đó, có một đêm tôi nảy ra ý nghĩ vẫn ám ảnh tôi mãi về sau này. Lẽ nào tôi chẳng thể đi Đức được với tấm thông hành này. Trông nó gần giống như thật, và tại sao lại có người nào đó ở biên giới lại sinh nghi? Thế thì tôi có thể gặp lại vợ tôi. Tôi có thể bớt nỗi lo sợ về nàng. Tôi có thể…”.

Schwarz nhìn tôi:

- Chắc ông cũng biết qua cái cảm giác đó. Nỗi lo sợ của dân tị nạn dưới dạng thuần khiết nhất. Cái cảm giác bị bóp nghẹt ở dạ dày, cuống họng và ở phía sau con ngươi. Tất cả những gì ta cố gắng chôn vùi đi từ nhiều năm nay, tất cả những gì ta cố quên đi, mà ta tránh xa như bệnh dịch hạch, lại hồi sinh trở lại. Đối với dân tị nạn, ký ức là một chứng bệnh nguy hiểm chết người, nó chính là thứ ung thư của tâm hồn.

“Tôi cố nhận chìm nó xuống vùng quên lãng. Tôi vẫn tiếp tục đi xem những bức tranh thanh thản và yên tĩnh, những danh họa của Sisley và Pissarro[16] và Renoir. Tôi lưu lại hàng giờ tại viện bảo tàng, nhưng điều này có một tác dụng ngược lại đối với tôi. Mấy bức tranh không còn làm cho tôi yên lòng nữa. Chúng bắt đầu gào thét, thách đố, nhắc nhở tôi về một vùng quê hương lúc bấy giờ chưa bị chứng phung hủi nâu[17] tàn phá, về những buổi chiều ở những con phố với các lối đi um tùm tử đinh hương, về những buổi hoàng hôn vàng chói trên thị trấn cổ xưa, về những tháp chuông rong rêu xanh thẫm với hàng đàn chim én bay quanh, và nhắc về vợ tôi

“Tôi là một người bình thường, chẳng có đức tính gì đặc biệt. Trong bốn năm, tôi đã sống với vợ tôi như hầu hết mọi người, nghĩa là một cách bình thường, vui vẻ, song chẳng có đam mê gì lớn lao. Sau vài tháng đầu, mối quan hệ giữa chúng tôi đã biến thành cái mà người đời thường gọi là một cuộc hôn nhân hạnh phúc, một mối quan hệ giữa những người chỉ biết nghĩ đến nhau mà không kỳ vọng gì quá đáng. Những giấc mơ đó của chúng tôi nay đã thuộc về dĩ vãng, nhưng chúng tôi không luyến tiếc chúng nữa. Chúng tôi là những kẻ biết điều. Và chúng tôi rất mực yêu thương nhau.”

“Giờ đây tôi nhìn mọi sự dưới một thứ ánh sáng mới mẻ. Tôi bắt đầu tự trách tôi. Hôn nhân của chúng tôi mà tầm thường như vậy cũng do lỗi tại tôi. Tôi làm cho mọi việc đổ nát. Tôi đã sống vì cái gì đây? Giờ tôi đang làm gì đây? Tôi đã lê thân xuống vực sâu, tôi đã sống như cỏ cây. Sự thể kéo dài trong bao lâu? Chừng nào nó kết thúc? Chiến tranh sẽ đến, và nước Đức chắc chắn sẽ chiến thắng. Chẳng có một nước nào được chuẩn bị đầy đủ cả. Rồi sau đó là gì? Tôi có thể đưa thân xác này đến đâu, giả sử như tôi vẫn còn thì giờ và sức lực? Tôi sẽ chết đói trong một trại tập trung nào đây? Người ta sẽ đặt tôi vào bức tường nào đây để bắn tôi, nếu tôi được may mắn?”

“Tấm thông hành kia đáng lẽ tạo cho tôi sự an tâm thì lại đưa tôi đến chỗ tuyệt vọng. Tôi lang thang khắp các phố mãi đến lúc mệt lử. Thế mà tôi lại không ngủ được, và có khi nào tôi thiếp đi thì những giấc mơ kia lại đánh thức tôi dậy. Tôi lại thấy vợ tôi trong những hầm giam của bọn Gestapo[18]; tôi lắng nghe tiếng nàng kêu cứu trong sân khách sạn tôi ở; và có một hôm, trước khi bước chân vào quán Café de la Rose, tưởng như tôi đã thấy khuôn mặt nàng in trong tấm kính phía bên kia cửa ra vào. Nàng quay mặt về phía tôi trong giây lát, khuôn mặt nàng xanh xao, đôi mắt a vắng, rồi nàng tan biến đi. Tôi trông thấy nàng quá rõ ràng đến nỗi tôi chắc chắn quả thật nàng có mặt tại đó. Tôi chạy vào phòng sau. Như thường lệ, phòng này đông người, nhưng trong đó không có nàng.

“Trong mấy ngày liền, tôi bị ám ảnh bởi cái ý nghĩ nàng đã đến Paris và đang tìm tôi. Đã bao nhiêu lần tôi trông thấy nàng rẽ vào góc phố; tôi trông thấy nàng ngồi trên chiếc ghế trong công viên Luxembourg[19, và khi tôi đến nơi thì lại là một khuôn mặt lạ hoắc ngẩng lên nhìn tôi kinh ngạc; nàng băng qua quảng trường La Concorde[20] vừa đúng lúc dòng xe sắp sửa lăn bánh trở lại, và lần này đích thị là nàng – vẫn dáng đi của nàng, vẫn điệu bộ nàng cân bằng hai vai. Tôi lại còn tưởng đã nhận ra được chiếc áo nàng mặc, nhưng khi người cảnh sát giao thông chặn dòng xe lại và tôi có thể đuổi theo nàng thì nàng lại biến mất, bị cái mõm đen ngòm của tàu điện ngầm nuốt chửng. Tôi vội chạy xuống cầu thang và cũng chỉ vừa đúng lúc để trông thấy ánh đèn đuôi của đoàn tàu đang lùi xa trong bóng đêm.”

“Tôi tâm sự với một người bạn. Anh ấy tên Leser. Anh ta bán vé và trước kia là y sĩ ở Breslau[21]. Anh khuyên tôi không nên sống cô độc lâu như vậy.”

“- Hãy tự kiếm cho mình một người đàn bà đi. – Anh bảo vậy.”

“Cũng chẳng ích gì. Ông cũng biết những rắc rối do những nỗi thống khổ, cô đơn và sợ hãi sinh ra. Ta khao khát sức ấm của con người, một giọng nói, một dáng hình nào đó; ấy thế mà ta thức giấc trong một căn phòng kỳ lạ, ghê rợn, và có cảm giác như đã rơi khỏi quả đất này. Trong cảnh hiu quạnh, phiền muộn, ta rất biết ơn vì được nghe tiếng thở bên tai, nhưng lúc đó trí tưởng tượng của ta lại bắt đầu hoạt động trở lại, và trong chốc lát, chẳng còn lại gì cả ngoài cái cảm giác khó chịu là đã tự mình chửi rủa mình.”

“Giờ đây, khi tôi nói đến chuyện này, thì nghe có vẻ vô lý và mâu thuẫn. Nhưng lúc đó thì khác hẳn. Tất cả những khắc khoải đó của tôi đã làm rõ thêm một điều là tôi phải trở về. Tôi phải gặp lại vợ tôi. Có thể nàng hiện đang sống với một kẻ nào đó, đã bao lâu rồi ai mà biết được. Nhưng chẳng hề hấn gì. Tôi cần gặp nàng. Đối với tôi, điều đó có vẻ hoàn toàn hợp lý.”

“Mỗi ngày qua rõ ràng chiến tranh là điều không thể tránh khỏi. Hitler đã chẳng phải mất thì giờ để nuốt lời cam kết chịu nhận lấy miền nam vùng Sudelenland[22] và buông tha phần còn lại của nước Tiệp Khắc đó sao? Hiển nhiên, hắn cũng s làm như vậy đối với Ba . Như thế có nghĩa là chiến tranh rồi, vì Anh và Pháp cũng là đồng minh của Ba Lan. Và đây không còn là vấn đề tháng, tuần, hoặc ngày nữa. Với tôi, cũng thế. Tôi phải quyết định nhanh. Cả cuộc đời của tôi tùy thuộc vào đó. Và tôi đã quyết định. Tôi đã quyết định. Tôi đã quyết định trở về. Những gì sẽ xảy ra sau đó, tôi chẳng biết. Mà tôi cũng chẳng quan tâm. Nếu chiến tranh bùng nổ thì dầu sao tôi cũng hết thời. Tôi có làm việc rồ dại này thì cũng thế thôi.”

“Một sự yên tĩnh đến với tôi trong những ngày cuối cùng. Dạo ấy là tháng năm, và những luống hoa uất kim ương ở bồn binh Rond Point nở rực rỡ. Những buổi tối được tắm trong ánh sáng trắng bạc và bóng xanh của những bức tranh phái ấn tượng. Đằng sau cái giá lạnh của những ngọn đèn đường đầu tiên là vòm trời xanh nhạt vươn lên cao, và qua dãy mái mấy tòa cao ốc của báo chí là những băng chữ sáng rực nhấp nháy chạy dài báo hiệu chiến tranh cho những ai biết đọc.”

“Trước tiên, tôi đến Thụy Sĩ. Tôi phải thử dùng hộ chiếu của mình tại một địa điểm an toàn trước khi hoàn toàn tin tưởng vào nó. Nhân viên biên phòng người Pháp dửng dưng trao lại tôi tấm hộ chiếu. Điều đó, tôi đã đoán trước. Chỉ có ở những nước dưới chế độ độc tài mới khó lòng thoát khỏi. Nhưng khi người tuần cảnh Thụy Sĩ đến thì tôi cảm thấy bên trong tôi có cái gì lao xao, như chiếc lá bắt đầu chao đảo lung liêng vào một ngày vắng gió.”

“Nhân viên tuần cảnh nhìn vào tấm hộ chiếu của tôi. Hắn là một gã đàn ông lực lưỡng, đôi vai rộng và hôi mùi khói thuốc điếu. Khi hắn đứng ở ngưỡng cửa toa xe, thân hình hắn che khuất cả ánh sáng và trong thoáng chốc tôi có cảm giác là tự do của tôi bị hắn ngáng lại không cho ra, và toa xe đã biến thành phòng biệt giam ở nhà lao. Sau đó, hắn trả lại tôi tấm hộ chiếu.”

“- Ông quên không đóng dấu vào đây. – Tôi nói, cả người nhẹ nhõm nên những câu nói của tôi đã tuôn ra nhanh hơn tôi định.”

“Gã nhân viên tuần cảnh mỉm cười.”

“- Đừng lo. Tôi sẽ đóng dấu cho. Có sao đâu?”

“- Thưa không. Nhưng đối với tôi đó là một thứ kỷ niệm”.

“Gã đóng dấu rồi bỏ đi. Tôi cắn môi suy nghĩ: Thật tôi đã quá lo sợấy với con dấu, hộ chiếu của tôi trông có vẻ thật”.

“Ở Thụy Sĩ, tôi phải mất một ngày để xem tôi có nên đáp xe lửa vào nước Đức không. Sau cùng, tôi nghĩ là nên. Tôi không rõ những giấy thông hành của người Đức, hoặc ngay cả của những người trước kia là dân Áo trở về quê hương có bị kiểm soát đặc biệt chặt chẽ không. Có lẽ là không; nhưng tôi vẫn nghĩ nên vượt biên giới một cách không chính thức”.

“Đến Zurich[23], tôi đến nhà bưu điện chính như tôi đã làm lần đầu tiên, khi tôi đến đấy nhiều năm trước đây. Tại quầy phát thư chính, bạn gần như chắc chắn sẽ gặp người quen – những kẻ vô gia cư, không giấy phép cư trú – họ có thể cho bạn biết tin tức. Từ đó tôi đến quán Café Greif, kiểu như quán Café de la Rose ở Paris. Tôi đã gặp một số người lẻn trốn qua được biên giới, nhưng chẳng ai thực tình biết cách vượt biên giới để trở về Đức. Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Ngoài tôi ra, còn ai lại muốn trở về Đức? Tôi nhận ra điều đó qua cung cách họ nhìn tôi, và khi họ thấy tôi không nói đùa, thì họ có mối lảng tránh. Bất cứ ai có dự định trở về chắc phải là một kẻ phản bội, bởi vì ai còn muốn trở về nếu không chấp nhận chế độ? Và nếu một người có thể làm được việc đó thì sau đó y còn có thể làm những gì nữa? Hắn còn có thể phản bội ai nữa và những gì nữa?”

“Tôi đơn độc. Họ lánh xa tôi như thể tôi là một tên sát nhân mà tôi không cách gì giải thích; khi nghĩ đến việc tôi sẽ làm, tôi kinh hãi đến toát mồ hôi. Làm sao có thể giải thích việc này với bất cứ ai khác?”

“Vào buổi sáng hôm thứ ba, lúc sáu giờ cảnh sát đến lôi tôi ra khỏi giường. Rõ ràng là một trong số người tôi quen biết đã tố cáo tôi. Họ xét hộ chiếu của tôi một cách ngờ vực. Họ bắt tôi về để thẩm tra. Thật may là lúc bấy giờ tấm hộ chiếc có đóng dấu, bởi tôi có thể chứng minh tôi đã nhập cảnh một cách hợp pháp và mới chỉ được ba ngày thôi. Tôi không bao giờ quên được buổi sáng tinh mơ hôm đó khi cảnh sát dẫn tôi qua các phố. Hôm ấy là một ngày tạnh ráo, quang đãng, những tháp chuông và nóc nhà thờ nổi bật rõ nét trên vòm trời tưởng như được cắt từ kim loại ra. Từ một lò bánh mì toát ra mùi bánh mì nóng và tất cả nguồn an ủi trên đời này như gói trọn trong hương vị đó. Ông hiểu tôi muốn nói gì chứ?

Tôi gật đầu.

- Thế giới chưa bao giờ đẹp bằng lúc ta bị nhốt trong nhà lao. Bằng lúc ta sắp sửa từ giã nó. Phải chi ta giữ được mãi cái cảm giác đó.

- Tôi cũng có cùng cái cảm giác ấy.

- Ông có thể giữ nó mãi được không?

- Tôi chẳng biết nữa. – Schwarz chậm rãi trả lời – Đó là điều tôi muốn hiểu. Nó lọt qua khỏi mấy ngón tay tôi, mà dẫu tôi có giữ được nó chăng nữa, thì liệu tôi có giữ nó được trọn vẹn không? Có thể nào tôi lấy lại nó được, mãnh liệt hơn trước và giữ được nó mãi mãi không? Ngay giờ đây là lúc nó không còn đổi thay gì nữa? Bao giờ cũng thế, phải chăng chúng ta thường để mất những gì mà ta tưởng có thể nắm giữ được? Phải chăng ta mất nó vì nó chuyển động? Và phải chăng nó chỉ đứng yên đấy là khi nào nó đã ra đi và không còn đổi thay gì nữa? Và chỉ khi ấy nó mới thực sự là của ta?

Mắt hắn nhìn tôi chăm chăm, bất động. Đó là lần đầu tiên hắn nhìn thẳng vào mặt tôi. Hai con ngươi hắn mở lớn hơn. Hắn là một kẻ cuồng tín hoặc một tên điên, tôi nghĩ thế.

Người thiếu phụ mặc dạ phục ngồi ở bàn kế bên đứng dậy. Qua hàng hiên, nàng nhìn xuống thành phố và hải cảng.

- Mình ơi, tại sao ta phải trở về. – Nàng nói với gã đàn ông mặc xmốc kinh màu trắng – Phải chi chúng ta ở lại đây được! Em chẳng muốn trở về Mỹ chút nào cả.

Chú thích:

[1] Đỉnh Ararat: núi nằm ở phía đông Thổ Nhĩ Kỳ là nơi tàu cứu rỗi của ông Nóe đổ bộ vào, theo kinh Cựu ước.
[2] Amsterdam: thủ đô Hà Lan; Brussles: thủ đô Bỉ; Copenhagen: thủ đô Đan Mạch; Oslo: thủ đô Na Uy.
[3] Bordeaux: thành phố cảng nước Pháp, về phía tây nam trên sông Garonne.
[4] Lazarus: nhân vật trong Kinh thánh, được chúa Giêxu làm phép sống lại, tuy hạ huyệt đã ba ngày.
[5] Thỏa ước Munich: thỏa ước ký ngày 29-9-1938 tại Munich, giữa Anh, Pháp, Ý và Đức, theo đó Đức được quyền chiếm vùng Sudetenland ở đông bắc
[6] Basel: còn gọi là Basle, tên thành phố bắc Thụy Sĩ, nằm trên sông Rhin.
[7] SS: tên gọi tắt chỉ đơn vị xung kích trong quân đội Đức quốc xã, chuyên bảo vệ thủ lĩnh Đảng.
[8] Osnabruck: thành phố thuộc hạt Hanover, nay thuộc Tây Đức
[9] Louvres: tên chỉ cung điện nhà vua Pháp. Từ năm 1791 Louvres được sung làm viện bảo tàng.
[10] Monet: họa sĩ người Pháp, tiêu biểu cho phái ấn tượng.
[11] Anschluss: vụ Đức quốc xã thôn tính nước Áo năm 1938.
[12] Ingres: họa sĩ người Pháp.
[13] Deas: họa sĩ người Pháp.
[14] Champs Elysees: một trong những đại lộ đẹp và lớn nhất của Paris.
[15] Renoir: danh họa người Pháp.
[16] Hai họa sĩ người Pháp.
[17] Ám chỉ đảng Quốc xã.
[18] Gestapo: tên gọi tắt cơ quan mật vụ Đức quốc xã.
[19] Luxembourg: tên công viên lớn ở Paris
[20] La Concorde: quãng trường lớn ở Pairs, đầu đại lộ Champs Elysées.
[21] Breslau: thành phố của Ba Lan.
[22] Sudelenland: lãnh thổ cận biên đông bắc khu tứ giác Bohemen thuộc Tiệp Khắc.
[23] Zurich: tên một thành phố Thụy Sĩ.

Sponsored content



Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết