You are not connected. Please login or register

Nguyễn Thượng Hiền và bài phú độc đáo - Đỗ Quốc Bảo

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Hàn Phong

Hàn Phong
Bạn Chí Cốt
Bạn Chí Cốt


Nguyễn Thượng Hiền và bài phú độc đáo
Đỗ Quốc Bảo

theo: vanhien.vn

Nguyễn Thượng Hiền và bài phú độc đáo - Đỗ Quốc Bảo  Nguyen10

Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925), tự Đỉnh Nam, hiệu Mai Sơn, quê làng Liên Bạt, huyện Sơn Lãng, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Ứng Hòa, Hà Tây). Ông đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1892) khi mới 25 tuổi; từng được bổ dụng làm Toản tu Quốc sử quán, Đốc học Ninh Bình, Nam Định nhưng sau đó thì từ quan, tham gia hoạt động yêu nước, liên lạc với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Tăng Bạt Hổ... Ông là yếu nhân của phong trào Đông Du, của tổ chức cách mạng Việt Nam Quang Phục Hội. Cuối đời, ông đi tu ở Hàng Châu (Trung Quốc) rồi mất ngày 28-12-1925.

Nguyễn Thượng Hiền là người yêu nước, có sự nghiệp văn chương sáng chói với mục đích vận động chính trị - xã hội và đấu tranh cách mạng. Điều đáng quý là ông đã từ bỏ vinh hoa phú quý, từ bỏ tư tưởng Nho giáo lỗi thời để cổ động cho tư tưởng duy tân, dân chủ. Ông trước tác nhiều, hiện còn trên 600 bài thơ, văn Hán Nôm. Tác phẩm chữ Hán có: “Nam chi tập” (Tập thơ văn Chim Việt đậu cành Nam, 3 quyển), “Mai Sơn ngâm thảo” (những bài thơ ngâm ngợi của Mai Sơn), “Hạc thự ngâm biên” (chép những bài thơ nơi công quán của chim hạc), “Nam hương tập” (tập thơ hương vị đất Nam), “Hát Đông thư dị” (chép những chuyện lạ ở Hát Đông)... Tác phẩm chữ Nôm có: “Phú cải lương” (dùng toàn tục ngữ và thành ngữ), “Hợp quần doanh sinh thuyết”... Trong đó, “Phú cải lương” là một trong những thành công lớn nhất của ông về văn học. Phú là một thể loại văn học thuộc lục nghĩa (phong, phú, tỉ, hứng, nhã, tụng). Phú là phô bày, tức là “bày tỏ một cách trực diện những tốt xấu trong nền chính trị” (Trịnh Huyền, 127-200, người Trung Quốc); “Phú là phô trương văn vẻ, tả vật nói chí” (Lưu Hiệp, ?-?, người Trung Quốc). Về nghệ thuật, phú dùng nhiều từ hoa mỹ, chú trọng cái đẹp về thanh điệu, dùng bố cục kiểu tản văn, đan xen câu dài ngắn, sử dụng các biện pháp tu từ và vần đối linh hoạt. Do đó, nó vừa tự do vừa chặt chẽ, có đặc điểm của tản văn lại có cả chất thơ. Ở Việt Nam, so với phú chữ Hán thì phú chữ Nôm (và sau này là phú chữ Quốc ngữ) có lợi thế là tiếng nói dân tộc, tiếp thu chất liệu từ thành ngữ, tục ngữ, ca dao và nhiều yếu tố của ngôn ngữ đời sống... nên mang tính chất bình dân hóa, thông tục hóa, rất phù hợp với với nội dung trào phúng; nội dung hiện thực và nhân đạo. Trở lại với bài “Phú cải lương” của Nguyễn Thượng Hiền. Đây là bài phú độc nhất vô nhị xét trên phương diện hình thức nghệ thuật vì dùng toàn tục ngữ, thành ngữ. Bài phú rất dài nhưng tập trung ở 5 nội dung chính, đến nay vẫn có ý nghĩa thời sự. Sau mấy câu mở đầu có tính chất kêu gọi, cảnh báo chung: “Anh em ơi! Anh em ơi! Xoay vần cuộc thế; khép mở cơ trời Nghĩ cho hết lẽ; khôn mới ăn người”. Tác giả đi vào những vấn đề chính yếu: Một là, phải phát triển ngoại giao, ngoại thương, việc mà trước đây ta còn yếu kém và chưa chú trọng:

“Sóng cạnh tranh lai láng giữa hoàn cầu, người muốn nọ kẻ muốn kia, không ai giống nhau, sống một nết, chết một tật;
Đường giao thiệp mở mang trên đại lục, khôn cũng nhiều dại cũng lắm, trông đó thì biết, người ba đấng của ba loài.
Giống nòi chia sắc vàng, sắc trắng, sắc đỏ, sắc đen, con vua vua dấu, con chúa chúa yêu, ai nấy cũng là chung bụng nghĩ.
Có tiền mua tiên cũng được, nào trung châu, nào biên tỉnh, việc bán buôn trăm đường mở rộng, chớ ngại xa xôi”.

Hai là, phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất:

“Công việc đủ nghề học, nghề cày, nghề buôn, nghề thợ, của anh anh mang, của nàng nàng xách, ngồi không há chịu để tay quai.
Mật ít ruồi nhiều, nghĩ người ta đang sức đua tranh, khéo đâu đất bỏ hoang, của sẵn mang dâng, cây đổ còn toan đào đứt gốc;
Quýt làm cam chịu, tại kẻ trước hóa bây giờ vất vả, may thay trời mở lối, cơn mê chợt tỉnh, rượu ngon nay đã nếm qua mùi”.

Ba là, phải quan tâm đến học tập, giáo dục, một vấn đề trọng yếu của mỗi người cũng như của quốc gia:

“Chẳng thày đố mày làm nên, kìa cao đẳng, kìa giáo sư, học hành một bụng khuyên răn, sao cho sáng suốt;
Có khôn thì vẽ cho nhau, chớ nghĩ rằng ta dốt mà rước ma cũ bắt nạt ma mới;
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, mấy nghìn năm đức Thuấn ân Nghiêu, mang nặng trên vai, báo đáp sao cho đền được nguyện;
Có bột mới gột nên hồ, ba vạn quyển rừng Âu bể Á, in sâu trong não, văn minh rồi mới dựng ra tài.
Đạo tri giao cốt phải chọn người, gần mực thì đen, gần đèn thì sáng;
Đường cư xử sao cho biết lối, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”.

Bốn là, phải rèn luyện lối sống thanh cao; không ngừng tu dưỡng:

“Đói cho sạch, rách cho thơm, há như ai đục nước béo cò, chẳng nghĩ con cái mình, nặng tay rìu búa;
Ăn có nhai, nói có nghĩ, chớ toan sự mù trời bắt két, gặp khi thời vận thế, lên mặt cân đai.
Bước công danh vui lắm cũng lo nhiều, trong lưng đã chắc hơn ai, đơm đó ngọn tre, đừng háo hức chi nghề kiếm cá;
Đường danh lợi vinh kia thì nhục đó, có miếng phải mang lấy tiếng, múa tay trong bị, khéo mê man chi sự ăn xôi.
Chớ có như ai há miệng chờ sung, có cấy có trông, có trồng có ăn, ra sức sửa sang, nền hưng vượng có khi xây vững móng;
Suy ra mới biết đứt tay hay thuốc, học ăn học nói, học gói học mở, nhanh chân mau bước, bể trầm luân rồi cũng vượt qua vời”.

Năm là, thực lòng đoàn kết vì lợi ích chung của đất nước, dân tộc:

“Xin đừng giương mắt trông nhau, lắm sãi không ai đóng cửa chùa, phong hội ấy, nước non này, cũng phải lo toan cho hết sức;
Thôi đứng già mồm nói khoác, mười voi không được một bát xáo, chí khí to, công việc lớn, sao cho chắc chắn được như lời”.

Tuy nhiên, để thực hiện được 5 điều trên, vấn đề cốt lõi, theo tác giả chính là mỗi người phải có lòng yêu nước, thương nòi. Ông không hô hào chung chung bằng những khẩu hiệu to tát, sáo rỗng mà thuyết phục bằng cách chỉ ra thực tế lịch sử đất nước, dân tộc và trách nhiệm của mỗi người:

"Đất Viêm Bang (VN) tuy dâu bể lắm phen, Đông có mây, Tây có sao, muôn sức phù trì, gặp hội mở mang ra cũng dễ;
Giống Hồng Lạc cùng anh em một họ, sống ở làng, sang ở nước, mấy câu gắn bó, khuyên ai thong thả nghĩ mà coi”.

90 năm trước, Nguyễn Thượng Hiền với tư tưởng lớn và tầm nhìn xa trông rộng đã nói đến vấn đề giao thương, hội nhập. Qua cách sử dụng tài tình các tục ngữ, thành ngữ, tác giả không chỉ bộc lộ tài năng nghệ thuật mà còn thể hiện tình yêu sâu sắc đối với tiếng Việt, chữ Quốc ngữ. Một bài phú, một tấm lòng, một ước mong cho đất nước và dân tộc vươn lên giàu mạnh - thật đáng trân trọng.

http://thohanphong.blogspot.com/

Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết