You are not connected. Please login or register

Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam

2 posters

Chuyển đến trang : 1, 2  Next

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 2 trang]

saudong

saudong
Bạn Thân
Bạn Thân


AMA JHAO
(1840- 1905)

Ama Jhao tên thật là Y Yên, họ Ayũn Tút. Ông sinh năm 1840 tại buôn Tung, cách thành phố Buôn Ma Thuột 16 km về phía Đông Bắc, trong một gia đình nghèo khó. Ông lấy con gái của chủ buôn Ea Yõng (Xã Ea Yõng, huyện Krông Pak) làm vợ và về ở hẳn bên nhà vợ. Sau khi bố vợ là Ama Phi chết, dân làng đã cử ông là người thừa kế chức chủ buôn. Ông là người có uy tín, có thế lực trong vùng. Thực dân Pháp nhiều lần cho tay chân dụ dỗ mua chuộc ông nhưng đều bị ông cự tuyệt. Trong 2 năm 1889 - 1890 ông đã lãnh đạo đồng bào Ê-đê vùng Krông Pác đấu tranh giữ đất, giữ làng. Lực lượng thanh niên trai tráng được trang bị bằng những vũ khí thô sơ, bí mật tiến đánh trụ sở địch và những nơi quân địch đóng quân, gây cho chúng nhiều khó khăn, thiệt hại.

Năm 1901, Ama Jhao dẫn đầu một đoàn gồm các chủ buôn già làng xuống Củng Sơn (tỉnh Phú Yên) khiếu tố với chính quyền thực dân về việc đồng bào trong vùng bị thực dân Pháp cướp đoạt đất đai, tàn phá nhà cửa. Mặc dù yêu sách trên không được thực hiện, nhưng uy tín và ảnh hưởng của ông ngày càng rộng lớn trong đồng bào các dân tộc trên cao nguyên Đak Lak.

Năm 1903, Ama Jhao tổ chức tập kích Pháp trên đường 21, diệt 2 lính Pháp, thu 2 xe bò chở muối và quân trang, quân dụng.

Đầu năm 1904, thực dân Pháp ráo riết thực hiện kế hoạch bình định cao nguyên Đak Lak để chuyển tỉnh lị từ Bản Đôn về Buôn Ma Thuột. Ama Jhao tổ chức lực lượng thành những đơn vị nhỏ chặn đánh địch khắp nơi, không cho chúng vào khu căn cứ. Thực dân Pháp treo giải thưởng cho những ai giết được Ama Jhao hoặc báo nơi ở của ông. Tháng 1-1905, một toán quân Pháp được sự dẫn đường của một tên cận vệ phản bội đã ập đến bắt ông tại căn cứ. Chúng giam ông trong nhà lao Buôn Ma Thuột, hai tháng sau (3-1905) ông mất trong nhà lao, thọ 65 tuổi.

theo: từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam



Được sửa bởi saudong ngày Wed Mar 18, 2015 3:30 pm; sửa lần 1.

2Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Empty AN TIÊM Sat Mar 07, 2015 3:33 pm

saudong

saudong
Bạn Thân
Bạn Thân

AN TIÊM

Nhà khai hoang thời Hùng Vương kiêm ông tổ nghề trồng dưa đỏ (dưa hấu). Theo truyền thuyết, ông họ Mai, nhà nghèo, bị bán làm nô lệ cho Hùng Vương. Nhờ lao động cần cù, khéo léo, lại rất có lễ độ, ông được Hùng Vương yêu mến và gả con gái cho. Cuộc sống đổi thay, nhưng ông không hề quên những năm tháng khó khăn của mình, tiếp tục cuộc sống của người lao động chăm chỉ. Ông thường nói với vợ : “Giàu sang này đều là nhờ ở kiếp trước cả”. Vợ ông đem câu đó nói với cha. Hùng Vương giận lắm, bắt cả gia đình ông phải ra sống ở bãi biển vùng Thanh Hoá ngày nay. Ông vẫn bình thản, ngày ngày vác cuốc ra bãi, vỡ hoang để trồng trọt, kiếm sống. Một hôm, có một đàn chim từ phương Tây bay đến và để lại một số hạt trên cát. Theo dõi mấy ngày, ông bỗng thấy các hạt nảy mầm thành cây. Tuy chưa biết là cây gì, nhưng ông vẫn ra sức chăm bón cho cây nhanh tốt. Cây lan đầy bãi cát, với những quả tròn, rất đẹp. Quả chín, ông hái về, bổ ra thấy ruột đỏ hồng, nếm thử thấy vừa ngon vừa ngọt lại giải được khát. Từ đấy, ông ra sức chăm sóc vườn dưa, hằng năm đổi quả cho các đoàn thuyền buôn lấy thóc gạo và các đồ dùng cần thiết. “Tiếng lành đồn xa”, nhân dân nhiều nơi rủ nhau về đây khai hoang, xây dựng làng xóm. Cuộc sống ngày càng tốt đẹp, cây dưa đỏ (hay dưa hấu) trở thành một đặc sản của địa phương (sau này được gọi là Nga Sơn) và được phổ biến khắp nước.

theo: từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam

Hàn Phong

Hàn Phong
Bạn Chí Cốt
Bạn Chí Cốt

Rất cảm ơn nhưng đóng góp quý báu của bạn cho forum, hy vọng sẽ được đọc nhiều tác phẩm giá trị từ bạn nha zo

http://thohanphong.blogspot.com/

saudong

saudong
Bạn Thân
Bạn Thân

Không có gì đâu, mình chỉ muốn đóng góp chút cho vui, HP đừng khách sáo. Khi nào tiện chỉ mình cách làm mục lục với nha, giống như HP đã làm í Wink

5Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Empty AN TƯ CÔNG CHÚA Sun Mar 08, 2015 1:18 pm

saudong

saudong
Bạn Thân
Bạn Thân

AN TƯ CÔNG CHÚA

Con gái út của Trần Thái Tông. Năm 1285, quân Nguyên kéo vào nước ta, tiến dần xuống Đông Ngàn (Bắc Ninh), Gia Lâm (Hà Nội) uy hiếp kinh thành. Giữa lúc đó, đạo quân Nguyên do Toa Đô chỉ huy ở phía nam cũng đánh lên. Trước tình thế nguy cấp, Trần Thánh Tông đã buộc phải đưa em gái mình là công chúa An Tư đến dâng cho tên chánh tướng Thoát Hoan làm kế hoãn binh. Công chúa An Tư, vì đất nước, đã đau đớn ra đi.

6Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Empty CHU VĂN AN Sun Mar 08, 2015 1:20 pm

saudong

saudong
Bạn Thân
Bạn Thân


CHU VĂN AN
(1292- 1370)

Người thầy giáo tiêu biểu, nổi tiếng. Ông tự là Linh Triệt, hiệu là Tiều Ẩn, quê ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Thời trẻ, ông học giỏi, tính tình thẳng thắn, không màng công danh, ở nhà dạy học. Ông là người thầy giỏi, nhưng nghiêm khắc, trọng tài năng của học trò và ghét những người cậy giàu ham chơi.

Học trò của ông có nhiều người giỏi, có công giúp nước như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát v.v... Vua Trần Minh Tông nghe tiếng đã mời ông ra làm Tư nghiệp (thời Trần là Hiệu trưởng) Quốc Tử Giám và dạy Thái tử học. Thời Trần Dụ Tông (1341 - 1369), chính sự suy đồi, nịnh thần lũng đoạn, làm nhiều điều sai trái. Ông dâng sớ xin chém 7 nịnh thần (Thất trảm sớ), vua không nghe. Ông bèn treo ấn, từ quan về sống ờ núi Phụng Hoàng, huyện Chí Linh (Hải Dương), nhưng những khi triều hội lớn vẫn chống gậy về kinh dự bàn. Dụ Tông giao việc chính sự, ông từ khước. Bà Thái hoàng thái hậu Hiển từ đã phải nhận xét : “Người ấy là người không bắt làm tôi được !”. Vua sai người đem quần áo đến tặng, ông lạy tạ nhận xong rồi đem cho người khác.

Trần Dụ Tông chết. Tiếp đó, xảy ra vụ Dương Nhật Lễ. Rồi Nhật Lễ bị lật đổ, Trần Nghệ Tông lên thay. Ông vui mừng, chống gậy về kinh yết kiến vua, xong lại xin về làng cũ, không nhận chức tước, cũng không nhận ban thưởng. Không lâu sau, ông ốm mất. Vua Nghệ Tông đã cho người đến tế. Chu Văn An là người thầy chủ trương thực học, để lại cho đời các tập thơ “Tiểu An thi tập”, “Quốc ngữ thi tập", bộ “Tứ thư thuyết ước”, bên cạnh đó còn có “Y học yếu giải tập chú” đúc kết lí luận đông y cùng nhiều phương thuốc chữa các bệnh ôn nhiệt. Vua Trần đã ra lệnh thờ ông ở Văn Miếu.

7Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Empty DƯƠNG VĂN AN Wed Mar 11, 2015 6:18 pm

saudong

saudong
Bạn Thân
Bạn Thân

DƯƠNG VĂN AN
(1514 - ?)

Tự là Vĩnh Phổ, người làng Tuy Lộc (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), di cư ra ở làng Phù Diễn, huyện Từ Liêm (xã Phú Minh, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội). Đỗ Tiến sĩ năm 1547, đời nhà Mạc (triều Mạc Phúc Nguyên) làm Lại khoa đô cấp sự trung, rồi thăng lên Thượng thư, tước Sùng Nham hầu, khi mất được tặng tước Quận công.

Ông là soạn giả sách Ô châu cận lục, một cuốn địa phương chí, viết về núi sông, thành quách, phong thổ, nhân vật xứ Thuận Hoá từ đầu thời Lê đến triều Mạc. Đây là cuốn sách đầu tiên ghi chép về một vùng ở miền Nam nước ta trong kho sách địa chí. Theo ông, công trình này có tham khảo bản thảo của hai người học trò cùng làng đã soạn về hai phủ Triệu Phong và Tân Bình (Quảng Trị, Quảng Bình).

8Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Empty LÊ VĂN AN Thu Mar 12, 2015 7:24 am

saudong

saudong
Bạn Thân
Bạn Thân

LÊ VĂN AN
(?- 1437)

Danh tướng của khởi nghĩa Lam Sơn. Ông người làng Mục Sơn (Thọ Xuân - Thanh Hoá) tham dự Hội thề Lũng Nhai, từng chỉ huy quân đánh trên trăm trận lớn nhỏ, đánh vào Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hoá. Năm 1427, ông được cử cùng Lê Lý đem quân hỗ trợ quân Lê Sát ở Chi Lăng - Xương Giang.

Ngày toàn thắng, ông được phong công thần, Đình Thượng hầu, chức Nhập nội tư mã. Năm 1432, ông được thăng Đại tư không, năm 1434, được cử làm Tư mã Bắc đạo. Lập công, tuy được thăng chức Đại tư mã nhưng bị chê trách. Khi mất được truy tặng Tư không, thuỵ là Trung Hiến.

9Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Empty NGUYỄN AN Thu Mar 12, 2015 7:25 am

saudong

saudong
Bạn Thân
Bạn Thân

NGUYỄN AN
(1381 - khoảng 1460)

Kiến trúc sư nổi tiếng đầu thế kỉ XV. Năm ông 16 tuổi, gặp lúc quân Minh xâm chiếm nước ta, bị bắt đưa về Trung Quốc và đưa vào lao động ở quan xưởng thủ công. Ông rất thông minh, chăm chỉ và giàu óc sáng tạo, nhanh chóng nổi tiếng về tài năng kiến trúc. Sau khi thử tài ông nhiều lần, nhà Minh rất tín nhiệm ông, giao cho ông thiết kế và chỉ đạo việc xây dựng quần thể cung điện nhà vua ở Bắc Kinh. Sử sách Trung Quốc thừa nhận : ông nhìn thế đất là nghĩ ra cấu trúc của toàn nhà, thiết kế xong mẫu nhà thì tính toán xong số nguyên liệu, công xá. Quần thể cung điện nhà Minh được gọi là Cố cung đã trở thành di sản quý giá, đồ sộ, niềm tự hào của kiến trúc cổ Trung Quốc. Vua Minh đã thưởng cho ông rất hậu, nhưng ông để hết vào kho chung. Hơn 70 tuổi, trên đường đi xây hệ thống cống đập trên sông Hoàng, ông đã mất.

10Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Empty PHÙNG AN Thu Mar 12, 2015 7:28 am

saudong

saudong
Bạn Thân
Bạn Thân

PHÙNG AN
(Thế kỉ X)

Ông quê ở Đường Lâm (Cam Lâm, thị trấn Sơn Tây - Hà Tây), con trai thủ lĩnh nghĩa quân Phùng Hưng. Sau khi đánh đổ chính quyền đô hộ Đường, Phùng Hưng được tôn làm Đại vương, nhưng được mấy năm thì mất. Các tướng đã tôn Phùng An lên nối ngôi. Năm 791, nhà Đường cử Triệu Xương làm An Nam đô hộ, đem quân sang đánh. Trước thế giặc mạnh, Phùng An đã buộc phải xin hàng để nhân dân đỡ bị tàn sát, khủng bố, trả thù.

11Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Empty VI THỦ AN Sat Mar 14, 2015 5:21 pm

saudong

saudong
Bạn Thân
Bạn Thân

VI THỦ AN
(Thế kỉ XI)

Thủ lĩnh vùng Tô Mậu (Lạng Sơn), người Tày. Năm 1075, theo sự chỉ đạo chung của Lý Thường Kiệt, ông cùng Tông Đản, Hoàng Kim Mãn... chỉ huy một đạo quân đánh vào đất Tống và vây thành Ưng Châu. Thành Ưng Châu bị phá, chiến dịch “Tiên phát chế nhân” của ta hoàn thành thắng lợi, ông theo lệnh rút quân về bảo vệ vùng biên giới, góp phần đánh bại cuộc tiến quân xâm lược của Quách Quỳ, Triệu Tiết, bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc.

12Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Empty ĐÀO DUY ANH Sat Mar 14, 2015 5:22 pm

saudong

saudong
Bạn Thân
Bạn Thân

ĐÀO DUY ANH
(1904 - 1988)

Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Dda10

Ông quê ở Khúc Thuỷ, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Tây), sinh năm 1904 tại thị xã Thanh Hoá.

Thuở nhỏ, ông học chữ Hán ở nhà, sau vào Huế học Trường Quốc học, ra trường, được cử về dạy học ở Trường tiểu học Đồng Hới (Quảng Bình). Ba năm sau (1926), ông trở lại Huế, thực sự bắt đầu cuộc đời chính trị và học thuật.

Đào Duy Anh gia nhập Việt Nam cách mạng Đảng (tức Đảng Tân Việt) năm 1927. Cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng, ông ra báo Tiếng dân, tờ báo tiếng Việt đầu tiên của xứ Trung Kì. Năm 1928, có sự cộng tác của Phan Đăng Lưu, ông lập Quan hải tùng thư nhằm bước đầu truyền bá những tri thức khoa học xã hội và những tư tưởng tiên tiến của thời đại.

Sự nghiệp của ông chủ yếu thuộc lĩnh vực học thuật và văn hoá. Các sách ông biên soạn trước năm 1931 như : Lịch sử các học thuyết kinh tế, Tôn giáo là gì ? Xã hội là gì ? Dân tộc là gì ? v.v... Năm 1932 ông nổi tiếng với bộ Hán - Việt từ điển, tiếp đó là cuốn Pháp — Việt từ điển. Năm 1938 cuốn Việt Nam văn hoá sử cương ra đời giới thiệu toàn cảnh lịch sử văn hoá Việt Nam.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Văn hoá cứu quốc Trung Bộ, Giáo sư Đại học Văn khoa tại Hà Nội. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (12-1946), ông đảm nhiệm nhiều công tác văn hoá và giáo dục quan trọng ở Trung ương và Liên khu IV (ỷ viên Chi hội Văn nghệ kháng chiến ; Trưởng ban Văn - Sử - Địa thuộc Bộ Giáo dục ; Giáo sư trường Dự bị đại học và Trường Sư phạm cao cấp Liên khu IV). Từ năm 1955 - 1960, ông là Chủ nhiệm khoa Sử Trường Đại học Sư phạm và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó làm chuyên viên Viện Sử học thuộc Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam. Đây chính là giai đoạn học giả Đào Duy Anh có những công trình quan trọng về sử học, văn học, văn bản học.

Cuốn cổ sử Việt Nam (1955) được Viện Phương Đông Liên Xô (trước kia) dịch in. Năm 1957, công trình đó được bổ sung thành Lịch sử cổ đại Việt Nam, được Viện Khoa học Trung Quốc dịch in năm 1959 tại Bắc Kinh.

Trong những năm từ 1960 đến 1970, Đào Duy Anh dịch, hiệu đính, chú giải nhiều bộ sách lớn về văn hoá, lịch sử như : Lịch triều hiển chương loại chí của Phan Huy Chú, Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Ức Trai di tập, Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Thơ chữ Hán của Nguyễn Du... Ngoài ra ông còn biên khảo Chữ Nôm - nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến ; dịch Khoá hư lục của Trần Thái Tông v.v...

Năm 1974, ông cho ra mắt Từ điển Truyện Kiều, cuốn từ điển tác phẩm đầu tiên ở Việt Nam.

Giáo sư Đào Duy Anh còn có công lớn trong việc đào tạo cán bộ sử học. Ông còn để lại một số công trình chưa kịp hoàn thành.



Được sửa bởi saudong ngày Wed Mar 18, 2015 3:32 pm; sửa lần 1.

13Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Empty PHAN ANH Wed Mar 18, 2015 3:31 pm

saudong

saudong
Bạn Thân
Bạn Thân


PHAN ANH
(1912- 1990)

Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Pa10

Luật sư Phan Anh sinh tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình nhà Nho nghèo.

Trước Cách mạng tháng Tám 1945, ông đã nổi tiếng là nhà hoạt động chính trị, xã hội với cương vị Chủ tịch Tổng hội sinh viên. Sau khi tốt nghiệp khoa Luật Đại học Đông Dương, ông làm Luật sư kiêm Giáo sư Trường Thăng Long (Hà Nội). Trong phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương, ông hăng hái tham gia cuộc vận động truyền bá Quốc ngữ và hoạt động trong giới thanh niên.

Sau Cách mạng tháng Tám, ông đã tham gia sáng lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban kiến thiết quốc gia, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ Liên hiệp và là Tổng thư kí phái đoàn chính phủ ta đi dự hội nghị Phông-ten-nơ-blô (Pháp).

Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống Pháp và chống Mĩ, luật sư Phan Anh liên tục đảm trách những công tác quan trọng (Bộ trưởng Kinh tế, Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng Thương nghiệp, Bộ trưởng Ngoại thương và liên tục là Ủy viên Ủy ban trung ương Mặt trận TỔ quốc Việt Nam).

Sau khi đất nước thống nhất, tại Đại hội I (2-1977) và Đại hội II (5-1983) của Mặt trận Tổ quốcViệt Nam, luật sư lại được cử làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tháng 11-1988, tại Đại hội IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông được bầu làm Phó Chủ tịch đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Luật sư Phan Anh liên tục là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ khoá II tới khoá VIII. Tại kì họp thứ nhất Quốc hội khoá VII (6-1981), ông được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phan Anh còn có những hoạt động quan trọng trong ngành luật pháp nước ta. Ông là một trong những người sáng lập Hội Luật gia Việt Nam, cũng như tham gia Ban thường vụ Hội Luật gia quốc tế.

Những hoạt động quốc tế của ông rất đáng kể. Từ năm 1976 đến năm 1986, ông giữ chức Chủ tịch ủy ban Bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam và từ năm 1978 đến khi qua đời, ông là Phó Chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới, đồng thời là Chủ tịch nhóm Việt Nam trong tổ chức Liên minh quốc hội thế giới (UIP).

Với những cống hiến lớn đó, Luật sư Phan Anh đã được tặng nhiều phần thưởng quý báu như :

Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mĩ hạng nhất... Ông cũng được Liên hợp quốc tặng Kỉ niệm chương Bảo vệ hòa bình, Hội đồng hoà bình thế giới tặng Huy chương vàng mang tên Giôliô Quy ri, được Nhà nước Xô viết (trước kia) tặng Huy chương hữu nghị giữa các dân tộc.

14Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Empty TRẦN ANH TÔNG Wed Mar 18, 2015 3:38 pm

saudong

saudong
Bạn Thân
Bạn Thân


TRẦN ANH TÔNG
(1276 - 1320)

Vua thứ tư nhà Trần. Ông tên là Thuyến, lên ngôi năm 1293. Thuở nhỏ, ông học chăm, đối xử lễ phép với mọi người, được Nhân Tông khen là hiếu hoàng hơn mình. Trong những năm làm vua, ông rất chăm lo việc nước vì Thượng hoàng Nhân Tông đã xuất gia đầu Phật. Năm 1300, khi Trần Hưng Đạo sắp mất, ông đã đến thăm nom và hỏi về kế sách giữ nước. Về sau, ông đã từng cầm quân đi đánh các nước phía nam, giữ yên vùng biên giới, về nội chính, ông mở rộng chính sách dùng người. Năm 1304, mở lại khoa thi Hội để chọn người giỏi làm quan (như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn v.v...) và định lại phép thi các trường. Ông cũng rất nghiêm khắc trong việc xét xử các quan chức phạm tội, cẩn thận trong việc thăng giáng. Tính ông thích uống rượu, nhiều lúc say, nhưng khi được cha khuyên bảo, ông thôi ngay. Ngoài công việc triều chính, ông thường cải trang làm người dân đi chơi phố. Khi tiếp sứ thần Trung Quốc, ông thường ăn mặc giản dị nhưng đẹp, được họ khen là “vẻ người thanh tú, nhẹ nhõm như thần tiên”. Năm 1314, ông nhường ngôi cho con.

15Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Empty NGUYỄN ÁNH Wed Mar 18, 2015 3:42 pm

saudong

saudong
Bạn Thân
Bạn Thân

NGUYỄN ÁNH
(1762 - 1819)

Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Na10

Vua đầu tiên, sáng lập triều đại Nguyễn, hiệu Gia Long, là cháu của chúa Nguyễn Phúc Thuần, vốn tên là Chủng, sau đổi tên là Nguyễn Phúc Ánh, sinh năm 1762. Năm 1777, sau khi Nguyễn Phúc Dương và Nguyễn Phúc Thuần bị Tây Sơn giết, Nguyễn Ánh chạy thoát, xây dựng lại lực lượng, quyết chí khôi phục chính quyền của dòng họ mình; năm 1780, xưng vương nhưng vẫn theo niên hiệu nhà Lê, tiếp tục chống quân Tây Sơn. Sau nhiều năm thất bại, phải trốn tránh. Mãi đến khi anh em Tây Sơn bất hoà, xung đột, Nguyễn Ánh mới chiếm lại được Gia Định (1787), sau đó tiến quân chiếm được Phú Xuân. Năm 1802, quân của Quang Toản bị đánh bại hoàn toàn, Nguyễn Ánh chiếm Thăng Long, làm chủ cả nước, rồi lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Gia Long.

Nguyễn Ánh hai lần trốn ra Phú Quốc, một lần trốn sang cầu cứu vua Xiêm, sau nhiều lần thất bại thảm hại cùng đường đã cầu cứu nước Pháp, rồi đánh bại được Tây Sơn. Nguyễn Ánh biết tổ chức lực lượng, sử dụng nhân tài, điều khiển được các tướng ở miền Nam, cũng như các cựu thần miền Bắc, cả trước và sau khi lên ngôi. Cuối đời, ông phạm vào việc giết hại công thần.

Khi làm vua, Gia Long đã đặt quan hệ ngoại giao với nhà Thanh, liên hệ với Xiêm La, Chân Lạp, chú trọng việc định pháp luật; năm 1815, ban hành “Luật Gia Long" gồm 398 điều và tổ chức bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương, chuyển kinh đô về Huế, lập sổ hộ tịch, lệnh cho các làng, xã ở Bắc và Trung làm lại địa bạ, đặt chính sách quân điền mới, định thuế khoá v.v...

Gia Long cũng chấn hưng văn hoá, giáo dục. Từ năm 1802, Nguyễn Ánh đã ra lệnh soạn các bộ sử Chính biên, Tiền biên. Năm 1806, cử Lê Quang Định làm sách Nhất thống địa dư chí, cho lập các văn miếu ở địa phương, mở khoa thi Hương, phát triển Nho học, hạn chế dần hoạt động của Phật giáo và Thiên Chúa giáo.

16Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Empty SƯƠNG NGUYỆT ÁNH Wed Mar 18, 2015 3:45 pm

saudong

saudong
Bạn Thân
Bạn Thân


SƯƠNG NGUYỆT ÁNH
(1864- 1924)

Bà chính tên là Nguyễn Xuân Khuê (thường gọi là Năm Hạnh), con gái thứ tư của cụ Nguyễn Đình Chiểu, hiệu là Nguyệt Ánh. Bà sinh ngày mồng 1 tháng 2 năm Giáp Tí (1864) tại Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Bà biết chữ Hán, chữ Quốc ngữ. Chồng mất, bà thủ tiết, ở nhà dạy học. Bà thường khuyên học trò học tập thêm võ nghệ, chờ dịp giúp đời cứu nước. Khi dạy học, bà thường lấy những tấm gương yêu nước giảng giải cho học sinh hiểu rõ nỗi nhục mất nước. Khoảng năm 1905, khi biết có phong trào Đông Du, bà hăng hái hưởng ứng, quyên góp tiền bạc cho thanh niên du học.

Bà thường làm thơ, xướng hoạ với các bạn bè xa gần. Thơ bà thường chứa đựng nỗi đau buồn vì việc đời ngang trái, nước non chia cắt, dân chúng lầm than, khổ cực.

Năm 1918, bà lên Sài Gòn làm chủ bút tờ tuần báo Nữ giới chung (Tiếng chuông của bạn gái) nhằm nâng cao dân trí, khuyến khích cạnh tranh thương mại, khuếch trương kĩ nghệ, đòi nghề nghiệp cho phụ nữ, mở rộng nghề trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải... ; bài xích triệt để nạn cờ bạc, bói toán. Tờ báo cũng có trang văn chương giới thiệu thơ văn yêu nước, tiến bộ. Nhưng chẳng được bao lâu, ngày 17-7-1918, tờ báo bị đình bản.

Đầu năm 1919, bà trở về Ba Tri sống với em út là ông Nguyễn Đình Chiêm. Tuy tuổi già sức yếu, thỉnh thoảng bà vẫn làm thơ. Ngày 12 tháng chạp năm Tân Dậu (1921), bà qua đời tại quê hương.

17Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Empty PHẠM PHÒNG ÁT Wed Mar 18, 2015 8:56 pm

saudong

saudong
Bạn Thân
Bạn Thân


PHẠM PHÒNG ÁT
(Khoảng thế kỉ X)

Đô chỉ huy sứ thời Ngô Quyền, ông là người Đằng Châu (Hưng Yên), đã từng làm tướng cho họ Khúc, đóng quân ở quê nhà. Năm 937, ông đã đem quân về theo Ngô Quyền giết Kiều Công Tiễn, sau đó tham gia trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng, đánh bại quân Nam Hán cuối năm 938.

Khi nhà Ngô suy, loạn 12 sứ quân diễn ra, ông đem quân về Đằng Châu, đắp luỹ xây thành và cũng là một sứ quân. Khi quân của Đinh Bộ Lĩnh tiến đến Đằng Châu, ông nghĩ thương dân, xin hàng và tình nguyện tham gia đánh dẹp các sứ quân khác. Đinh Bộ Lĩnh đã phong ông làm Thân vệ tướng quân, cùng đi chiến đấu.

Ngày thắng lợi, ông xin trở lại quê nhà ở Đằng Châu. Sau khi mất, nhân dân địa phương lập đền thờ. Thời Lý, Lý Thái Tổ đã phong ông làm Khai phong thành hoàng đại vương, thời Trần được gia phong 4 chữ “Khai thiên hộ quốc”.

18Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Empty PHẠM KÍNH ÂN Wed Mar 18, 2015 8:57 pm

saudong

saudong
Bạn Thân
Bạn Thân


PHẠM KÍNH ÂN
(?- 1251)

Ông vốn là quan nhà Lý, chức Thái uý quan nội hầu, sau theo giúp nhà Trần. Năm 1234, ông được vua Trần cho giữ chức Thái phó, tước Bảo trung quan nội hầu. Năm 1236, tuy giữ tước cũ, ông vẫn được ban thêm mũ áo của bậc Đại vương. Cuối năm 1241, các bộ tộc thiểu số Hoa Nam đánh cướp vùng biên giới, ông được cử làm Đốc tướng, đem quân đi đánh. Quân cướp bị đánh lui, ông lại trờ về kinh. Ồng mất năm 1251.

19Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Empty ÂU CƠ Wed Mar 18, 2015 8:59 pm

saudong

saudong
Bạn Thân
Bạn Thân


ÂU CƠ

Mẹ của vua Hùng đầu tiên. Theo truyền thuyết xưa, bà là con của Đế Lai, thuộc dòng dõi Thần Nông, lấy Lạc Long Quân, đẻ ra một bọc có một trăm trứng, nở ra một trăm người con trai. Khi các con đã lớn, một hôm, Lạc Long Quân nói với bà : “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, nước và lửa không hợp nhau, khó lòng đoàn tụ lâu dài, sao bằng chia đôi các con, nàng về núi, ta xuống biển”. Rồi hai người chia tay. Bà đem 50 đứa con lên vùng núi, đặt người con trưởng làm “vua”, đó là vua Hùng đầu tiên.

20Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Empty BA DU Wed Mar 18, 2015 9:01 pm

saudong

saudong
Bạn Thân
Bạn Thân



BA DU
(1903 - 1980)

Ông tên thật là Phan Văn Hai, quê xã Chánh Hiệp (Vĩnh Long).

Từ khi còn là học sinh Trường Trung học Mỹ Tho, ông đã là một tay “đờn ca tài tử”.

Năm 1920, ông đã nổi tiếng trong các vai của các vở tuồng : Lục Vân Tiên, Phụng Nghi Đình, Đời Cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt v.v...

Trong kháng chiến chống Pháp ông công tác ở Ban Tuyên truyền Phòng Chính trị Khu 8. Năm 1952, ông chuyển về Khu 9, cùng với nghệ sĩ Tám Danh chỉ đạo nghệ thuật đoàn ca kịch Cửu Long, diễn rất thành công các vở Trần Hưng Đạo bình Nguyên, Hai bó rơm, Bạch Mao Nữ...

Năm 1955, tập kết ra Bắc, ông về công tác ở đoàn cải lương Quân đội, rồi về Ban nghiên cứu Sân khấu cải lương thuộc Vụ nghệ thuật Sân khấu (Bộ Văn hoá), làm Hiệu phó Trường Ca kịch Dân tộc. Ông trực tiếp dạy, truyền nghề cho học sinh các lớp Cải lương, đào tạo được nhiều diễn viên xuất sắc. Ông có công lớn trong việc xây dựng và phát triển đoàn Cải lương Nam Bộ và được phong là Nghệ sĩ nhân dân.

21Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Empty LÊ QUẢNG BA Wed Mar 18, 2015 9:03 pm

saudong

saudong
Bạn Thân
Bạn Thân


LÊ QUẢNG BA
(1914 - 1988)

Ông chính tên là Đàm Văn Mông, người Tày, sinh tại xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Ông là một trong những người đã đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh từ biên giới về nước tháng 2-1941, là cán bộ chịu trách nhiệm chuẩn bị nơi ăn, chốn ở, nơi họp và bảo vệ Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Năm 1941, ông cùng Lê Thiết Hùng tổ chức lớp học quân sự đầu tiên ở Cao Bằng để thành lập đội du kích tập trung do ông làm đội trưởng, có nhiệm vụ bảo vệ cơ quan, giao thông liên lạc, vũ trang tuyên truyền.

Ông đã giữ các chức vụ : Khu trưởng Quân khu Hà Nội, Thiếu tướng Tư lệnh Quân khu Việt Bắc, Uỷ viên trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá III, uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng ban Dân tộc trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, Đại biểu Quốc hội các khoá III, IV, V.

Do có công lao lớn, ông đã được Quốc hội và Chính phủ tặng nhiều huân chương cao quý.

22Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Empty PHẠM VĂN BẠCH Wed Mar 18, 2015 9:03 pm

saudong

saudong
Bạn Thân
Bạn Thân

PHẠM VĂN BẠCH
(1910- 1987)

Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Pham_v11

Ông người xã Khánh Lộc, tỉnh Trà Vinh. Đỗ cử nhân Luật tại Trường Đại học Li-ông (Pháp), năm 1936, ông về nước, dạy học ở Cần Thơ. Tại đây, ông tham gia các hoạt động yêu nước. Từ lúc còn học ở Pháp, ông đã gia nhập Đoàn Thanh niên cộng sản Pháp, nhiều lần tranh luận trên diễn đàn, ủng hộ chủ nghĩa Mác và Cách mạng tháng Mười Nga.

Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông giữ các chức vụ : Chủ tịch uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.



Được sửa bởi saudong ngày Wed Mar 18, 2015 9:15 pm; sửa lần 1.

23Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Empty ĐẶNG XUÂN BẢNG Wed Mar 18, 2015 9:08 pm

saudong

saudong
Bạn Thân
Bạn Thân


ĐẶNG XUÂN BẢNG
(1828 -?)

Đặng Xuân Bảng tự là Hi Long, hiệu là Thiện Đình và Văn Phủ, người làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đỗ Cử nhân khoa Canh Tuất (1850), đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1856), ông được bổ làm Giáo thụ, rồi Tuần phủ Hải Dương. Có thời gian bị cách chức, sau được khôi phục hàm Quang Lộc tự Thiếu Khanh và giữ chức Đốc học Nam Định.

Ông là người ham tìm tòi, hiểu biết nhiều lĩnh vực về nho, y, lí, số..., thích những lời nói hay, việc làm tốt của cổ nhân, thích nghiên cứu danh nhân, danh vật nước ta, đồng thời lại có tư tưởng muốn canh tân xã hội. Ông thường nói : “Người nước ta chỉ học Bắc sử, không học quốc sử nhiều, cho nên các sự việc của nước ta về các mặt sơn xuyên (núi sông), phong vực (bờ cõi), quan danh (tên quan), chế độ, v.v... tuy các bậc lão thành học nhiều cũng không biết hết”. Do đó, ông đã tìm tòi, khảo cứu để biên soạn ra các bộ sách có giá trị tham khảo về lịch sử, dân tộc học, văn hoá và xã hội như : Nhân sự kim giám, Nam phương danh vật bị khảo, Sử học bị khảo, Cổ nhân ngôn hạnh lục, Huấn lục ca, Cư gia huấn giới tắc, Thiện Đình thi văn tập v.v...

24Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Empty MAI LÃO BẠNG Wed Mar 18, 2015 9:10 pm

saudong

saudong
Bạn Thân
Bạn Thân


MAI LÃO BẠNG
(?- 1942)

Ông quê ở làng Vang, xã Hưng Vĩnh, nay thuộc thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Xuất thân trong một gia đình công giáo, ông học chủng viện Xã Đoài, lên đến chức Già, nên cũng gọi là Già Châu. Được phong trào Duy tân hội của Phan Bội Châu giác ngộ về tinh thần dân tộc, ông dứt bỏ con đường tu sĩ, cùng với một số thanh niên Công giáo yêu nước khác tham gia hoạt động tích cực. Năm 1908, ông dẫn đầu đoàn đại biểu giáo dân xuất dương sang Nhật. Không lâu sau, lại trở về Trung Quốc tiếp tục hoạt động bên cạnh Phan Bội Châu. Thời gian này, ông viết “Lão Bạng phổ khuyến thi”, một tài liệu tuyên truyền cách mạng, khuyên mọi người đồng tâm, đoàn kết lương giáo.

Năm 1912, Việt Nam Quang phục hội thành lập, ông được cử làm Phó tổng trưởng tài chính. Tháng 1-1914, ông bị Tổng đốc Long Tế Quang bắt giam cùng một lúc với Phan Bội Châu tại ngục Quan Âm (Quảng Đông).
Năm 1917, ra tù, ông mới liên hệ được với một số nhà yêu nước khác như Kim Đài, Tú Kiên. Mai Lão Bạng lại bị mật thám Pháp bắt đưa về nước, đày đi Côn Đảo. Năm 1933 được tha, ông về Vinh mở hiệu thuốc “Lão Bạng y quán”, thỉnh thoảng vào Huế thăm cụ Phan Bội Châu. Ông mất tại Vinh đầu năm 1942.

25Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Empty PHẠM BÀNH Wed Mar 18, 2015 9:12 pm

saudong

saudong
Bạn Thân
Bạn Thân


PHẠM BÀNH
(1827 - 1887)

Phạm Bành người làng Tương Xá, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Ông đỗ Cử nhân khoa Giáp Tí (1864), làm quan đến chức Án sát tỉnh Nghệ An, nổi tiếng là thanh liêm và biết quan tâm đến đời sống nhân dân.

Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần vương, ông đã cùng với Đinh Công Tráng, Hoàng Bật Đạt mộ quân nổi dậy đánh Pháp. Cứ điểm Ba Đình được xây dựng, ông được cử làm Tán lí quân vụ, cùng với Đinh Công Tráng chỉ huy nghĩa quân. Năm đó, ông đã 60 tuổi. Cứ điểm Ba Đình gồm ba làng Mĩ Khê, Thượng Thọ và Mậu Thịnh ở gần nhau, thuộc huyện Nga Sơn (Thanh Hoá), khống chế con đường số 1 (con đường yết hầu của địch từ Bắc vào Nam), từ đó nghĩa quân ngăn chặn những hoạt động của địch khu vực giữa Ninh Bình và Thanh Hóa.
Giặc Pháp tập trung nhiều binh chủng của hai xứ Trung và Bắc, có chiến hạm đến trợ lực đã tiến hành bao vây lâu dài, công phá từng bước, tấn công nhiều đợt mới hạ nổi Ba Đình.

Mặc dù tuổi già sức yếu, Phạm Bành luôn có mặt ở trận địa, nơi nguy hiểm nhất để động viên và khích lệ các nghĩa binh chiến đấu.

Ba Đình thất thủ, ông đưa nghĩa quân rút sang căn cứ dự phòng ở Mã Cao (Yên Định), rồi lánh về quê. Nhưng sau để cứu mẹ già và con là Phạm Tiêu bị giặc bắt làm con tin, ông ra đầu thú và tự sát ngay sau khi mẹ và con được thả ngày 18 tháng 3 năm Đinh Hợi (1887).

Sponsored content



Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 2 trang]

Chuyển đến trang : 1, 2  Next

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết